Tiếp tục giữ đà xuất siêu

Sáu tháng đầu năm 2020, Việt Nam được đánh giá là quốc gia hiếm hoi trên thế giới có nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng dương (tổng sản phẩm nội địa tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019) trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Đáng chú ý, dù hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng, Việt Nam tiếp tục giữ vị thế xuất siêu trong giao thương quốc tế.

6 tháng đầu năm 2020, hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 tỷ USD. Ảnh: Mạnh Hà

Xuất siêu 4 tỷ USD giá trị hàng hóa

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế nước ta đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 121 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 34,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 65,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu 4 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Đây là kết quả đáng ghi nhận khi dịch Covid-19 khiến hầu hết thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu (EU)... bị gián đoạn. Kết quả khảo sát gần 130.000 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thị trường xuất khẩu tháng 5-2020 cho thấy, 57,7% doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa. “Giá trị xuất khẩu 6 tháng qua thể hiện nỗ lực lớn của doanh nghiệp, là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh chống chọi với dịch Covid-19”, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận xét.

Phân tích các số liệu cho thấy, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được đà tăng trưởng khá cao trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm. Nói cách khác, sức chống chịu, thích nghi của khu vực doanh nghiệp trong nước đã cải thiện đáng kể và bền vững trong điều kiện bất lợi vừa qua.

Bình luận về thực tế này, chuyên gia kinh tế Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Việt Nam xuất siêu trong giao thương quốc tế không còn xa lạ, bởi năng lực sản xuất của nền kinh tế đã cải thiện rất mạnh thời gian qua. Doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất nhiều loại hàng hóa, với chất lượng ngày càng cao. Hơn nữa, hàng Việt có cơ cấu bù trừ với hàng hóa của EU hoặc Hoa Kỳ nên không cạnh tranh mà phát huy được thế mạnh của mình.

Đáng lưu ý là sau khi chững lại từ đầu năm đến tháng 4 thì tình hình xuất khẩu đang dần tăng trở lại. Riêng kim ngạch xuất khẩu tháng 6 đạt 21 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng 5. Đến nay, dù chưa hết khó khăn nhưng một số nhóm hàng đang hồi phục; trong đó kim ngạch xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện trong tháng 6 tăng tới 26,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung, đã có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD; tiếp đến, hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD; giày dép đạt 8,1 tỷ USD...

Chủ động nắm bắt cơ hội

Mặc dù đang chịu tác động lớn của dịch Covid-19, song để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành hàng chủ lực không còn lựa chọn nào khác là phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) Diệp Thành Kiệt, trong ngành phải sớm khắc phục hạn chế trong việc liên kết sản xuất, khả năng tự đáp ứng nguyên, phụ liệu...; từ đó, khép kín chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước, tiến tới xuất khẩu bền vững.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse Nguyễn Xuân Phú nhận định, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nhưng chỉ là tạm thời. Do đó, đơn vị nào làm chủ được công nghệ, hiểu xu hướng thị trường và có quyết tâm sẽ từng bước lấy lại phong độ, kể cả tại thị trường khó tính như EU hay Hoa Kỳ. Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp cần tranh thủ mặt hàng điện thoại và linh kiện đang có mức cầu cao, được đón nhận tại nhiều thị trường nhờ mẫu mã đẹp và chất lượng để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu".

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhằm tiếp tục giữ đà xuất siêu, Bộ đang giới thiệu tiềm năng của các thị trường xuất khẩu, cũng như cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để doanh nghiệp hiểu, khai thác hiệu quả. Với EVFTA, Bộ cũng đã thiết lập trang tin điện tử chuyên sâu cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với thị trường; tổ chức hội thảo, tập huấn tại các địa phương.

Về vấn đề tận dụng các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) Võ Đại Lược cho rằng, điều này rất có ý nghĩa vì cho phép tăng kim ngạch cũng như góp phần tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Đặc biệt với thị trường lớn như EU, doanh nghiệp có thêm cơ hội để trưởng thành hơn.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/971773/tiep-tuc-giu-da-xuat-sieu