Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về nguồn vốn phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Công tác huy động nguồn lực về tài chính và nhân lực chất lượng cao là vấn đề then chốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Nhấn mạnh điều này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan nghiên cứu hoàn thiện tốt nhất quy định tại Điều 16, dự thảo Luật về vấn đề này theo hướng hợp lý, bảo đảm yêu cầu thực tiễn và khi áp dụng không vướng.
Thể chế hóa tối đa nhất các chủ trương của Đảng
Ghi nhận nỗ lực của các cơ quan trong hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc soạn thảo dự án Luật này "vừa dễ lại vừa khó". Điểm thuận lợi trong soạn thảo dự thảo Luật này là định hướng về phát triển công nghiệp an ninh đã hình thành tương đối rõ nét trong các Nghị quyết của Đảng từ Đại hội XI đến nay, tức là có cơ sở chính trị đầy đủ. Nhưng, điểm khó là không dễ quy định cụ thể tất cả các nội dung chính sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cách tiếp cận dự thảo Luật này cần tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật về công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp một cách tối đa, chi tiết. Và, có thể vẫn phải chấp nhận một hình thức luật khung nhất định, sau đó có văn bản, nghị định hướng dẫn của Chính phủ hoặc các bộ, cơ quan có thẩm quyền.
“Dự thảo Luật điều chỉnh ba mảng nội dung có liên quan với nhau, nhưng cũng khá độc lập”. Lưu ý điểm này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại dự thảo Luật cần làm rõ nội hàm liên quan, đưa ra những quy định chung, đồng thời có những quy định phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp.
Ghi nhận các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tích cực rà soát cơ sở chính trị của dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần lưu ý việc Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo đã khẳng định "xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân". Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo cũng đã xác định “công nghiệp quốc phòng là ngành đặc thù phải được chăm lo, xây dựng và phát triển theo một cơ chế đặc thù, ngành đặc thù, cơ chế đặc thù và được ưu tiên trong đầu tư, phát triển và coi trọng phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ công nghiệp quốc phòng”.
Và trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, tăng cường tiềm lực, tận dụng và phát triển gắn kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”. Mặt khác, Luật Quốc phòng 2018 và Luật Công an nhân dân 2018 đều nêu rõ công nghiệp an ninh là bộ phận của công nghiệp quốc phòng, an ninh. “Các cơ quan chức năng cần cố gắng tiếp tục rà soát, kế thừa các pháp lệnh hiện hành và bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Dù không phải nội dung chính sách nào trong dự thảo Luật đều có thể quy định chi tiết nhất, nhưng Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu để bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. “Đây là lĩnh vực rất quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đặc thù cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, lo giữ nước ngay từ lúc nước chưa nguy”, Trưởng ban Công tác đại biểu đề nghị.
Cân nhắc kỹ quy định về nguồn lực tài chính
Công tác huy động nguồn lực về tài chính là vấn đề then chốt trong xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Điều 16, dự thảo Luật quy định, một trong những nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh là nguồn vốn chuyên biệt, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho các chương trình, dự án đầu tư nghiên cứu, chế tạo vũ khí, trang bị chiến lược. Với quy định này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chỉ rõ, hiện nay Luật Ngân sách Nhà nước (là luật chung đối với quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước) không quy định về nguồn vốn chuyên biệt. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần trao đổi với các cơ quan chuyên môn về việc có đưa nguồn vốn chuyên biệt vào điều chỉnh tại đạo luật chuyên ngành hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần biên tập cho chặt chẽ quy định tại Điều 16 về nguồn vốn cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Lý lẽ là bởi, quy định tại Điều 16 hiện có sự trùng lắp, chồng chéo trong liệt kê các loại nguồn vốn cho sự phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh. Trong đó, việc đồng thời đưa hai chế định “ngân sách nhà nước” và “ngân sách địa phương” vào điều chỉnh tại Điều 16 là không phù hợp, vì nói đến ngân sách nhà nước có nghĩa đã bao trùm cả ngân sách địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc thận trọng với quy định “ngân sách địa phương hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh” tại điểm đ, khoản 1, Điều 16. Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành không quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước, chỉ khoản ngân sách quốc phòng, an ninh sẽ được bố trí cho thực hiện những công tác này tại địa phương. Nguồn kinh phí này cũng không được bố trí cho doanh nghiệp. Mặt khác, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu đưa quy định này vào dự thảo Luật có thể sẽ gây khó cho cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, thay vì quy định “nguồn vốn chuyên biệt”, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, thể hiện bằng "các nguồn vốn hợp pháp khác" sẽ "đúng ngôn ngữ" của Luật Ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, trong dự thảo Luật nên phát triển và quy định kỹ hơn về Quỹ khoa học công nghệ của các doanh nghiệp quốc phòng và an ninh trên cơ sở quy định chung tại Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành. Theo đó, ngoài việc sử dụng Quỹ này theo Luật chung, thì nên chăng cần có những quy định phù hợp với tính chất đặc thù của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong đầu tư cho công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là nguồn hiện hữu, nên có quy định trong Luật và vượt ra khuôn khổ chung của Quỹ khoa học công nghệ. Quỹ này hiện quy định rất chặt chẽ và phổ thông cho toàn quốc, nên ngoài các nguyên tắc chung thì cần có đặc thù riêng, Chủ tịch Quốc hội nói.