Tiết lộ vở kịch nói Trương Chi - Mỵ Nương gắn mác 16+
Câu chuyện tình bi thương của Trương Chi - Mỵ Nương sẽ được Nhà hát kịch Hà Nội mang lên sân khấu, nhưng dưới một góc nhìn rất khác.
Khả năng gắn mác 16+
Câu chuyện Trương Chi - Mỵ Nương mới đây được Nhà hát kịch Hà Nội tái hiện bằng vở kịch nói, nội dung xoay quanh mối tình bi thương của nàng Quận chúa Mỵ Nương tài sắc vẹn toàn và chàng Trương Chi mồ côi có dung mạo xấu xí, nhưng có tiếng sáo cùng giọng hát đẹp trời ban. Đảm nhận vai trò tác giả, đạo diễn kiêm phụ trách âm nhạc, nghệ sĩ Phùng Tiến Minh cho biết, anh đang đề xuất gắn mác 16+ cho vở kịch này. Phủ nhận việc vở có “cảnh nóng” hay những cảnh kinh dị, lý do nam nghệ sĩ đưa ra là bởi những tư tưởng, thông điệp mà vở mang tới khán giả.
Cụ thể, thông qua câu chuyện tình bi thương giữa Trương Chi - Mỵ Nương, tác phẩm phê phán sự phân biệt giai cấp gây ra bi kịch, khiến mọi người không thể hòa hợp, đồng điệu. Không chỉ vậy, trong đó còn đề cập tới nhận thức của con người, sự tự thán, nhìn nhận về bản thân. “Dù là vở lãng mạn, có góc nhìn thơ nhưng chủ đề tư tưởng rất khốc liệt. Tư tưởng đó khó cho lứa tuổi dưới 16 cảm nhận được, mà không nhận thức được đầy đủ sẽ dễ suy nghĩ lệch lạc”, đạo diễn Tiến Minh chia sẻ.
Bên cạnh đó, khác với những vở kịch nói chính luận thường thấy, “Trương Chi - Mỵ Nương” sẽ được biểu diễn dưới hình thức kịch nói kết hợp hát và múa đương đại. Theo lời đạo diễn Tiến Minh, hình thức kịch nói kết hợp ca múa nhạc đã được nhiều sân khấu làm nhưng chủ yếu làm cho trẻ em. Lần này, nhà hát xác định đây là vở dành cho người lớn nhưng chọn hình thức thể hiện như vậy nhằm mang tới tính giải trí, thu hút khán giả, sao cho khán giả mắt thấy, tai nghe một cách mỹ mãn nhất. “Đây là một vở bi kịch nên việc lồng ghép ca hát, múa sẽ giúp làm dịu cảm xúc và giúp khán giả thư giãn, nhẹ nhàng hơn”, vị đạo diễn của vở khẳng định.
Loạt phiên bản trái ngược
Là vở diễn tái hiện một câu chuyện cổ tích quen thuộc nên áp lực lớn nhất dành cho ê-kíp là vượt qua được bản gốc và không bị so sánh với các phiên bản khác từng dàn dựng. Để làm được điều này, đạo diễn Tiến Minh quyết định làm ngược lại tất cả mọi thứ thông qua ý tưởng truyền đạt. Đó là tìm ra điểm tốt trong nhân vật xấu và tìm ra điểm xấu trong nhân vật tốt. Đơn cử, Trương Chi luôn được ca ngợi về tình cảm dành cho Quận chúa Mỵ Nương nhưng thực tế, bi kịch dẫn tới cái chết của Trương Chi chính là bi kịch của sự tự thán, không nhận thức đúng đắn về bản thân mình và xã hội.
Ngoài ra, khâu chọn diễn viên cũng mang tới thách thức cho những người trong cuộc. Có nhiều “lần đầu tiên” với các diễn viên như: Lần đầu Quỳnh Kool diễn sân khấu đã được giao vai chính, lần đầu nghệ sĩ Thiện Tùng đóng vai phản diện trên sân khấu, nghệ sĩ Ngọc Quỳnh lần đầu đóng kép chính chính diện, hay NSƯT Quang Thắng cũng mang tới một hình ảnh khác hoàn toàn với vai Thừa tướng… Vì vở nặng về phần âm nhạc nên theo lời đạo diễn, các nghệ sĩ được lựa chọn đều phải là những người có khả năng cảm nhạc tốt.
Thế nhưng, Quỳnh Kool lại tự nhận khả năng cảm nhạc của bản thân còn kém. Cô cho biết, khi học trong trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cô chỉ có 2 kỳ được tập múa và đã rất lâu không múa nên cơ thể chưa kịp tiếp nhận các động tác, sự dẻo dai và cảm nhạc để bắt nhịp. Ngoài múa, cô còn phải học kỹ năng đánh đàn tì bà vì Mỵ Nương là nhân vật tài sắc vẹn toàn. Chưa kể, vốn là gương mặt quen thuộc với khán giả trong nhiều bộ phim truyền hình nhưng đây là lần đầu tiên Quỳnh Kool diễn sân khấu.
Với nữ diễn viên, diễn sân khấu là một tầm cao mới và cách diễn cũng khác hẳn đóng phim. Từ lối diễn cường điệu đến lời thoại chỉn chu mang tính cổ trang sân khấu thực sự là một thử thách. Áp lực lớn đến nỗi cô “ăn không ngon, ngủ không yên”. “Từ hôm nhận kịch bản tới nay, tôi lao đầu vào học lời thoại và tâm trí chỉ phiêu lưu, “bay” theo nhân vật tới nỗi ăn cơm cũng thẩn thơ, đêm đang ngủ thì bật dậy thoại”, Quỳnh Kool kể lại sự ám ảnh của vai diễn.
Còn nghệ sĩ Thiện Tùng, vai Đoàn gia cũng là vai phản diện đầu tiên của anh trên sân khấu. Sở hữu gương mặt hiền lành và thư sinh, suốt nhiều năm qua từ đóng phim tới sân khấu, Thiện Tùng đều được giao vai chính diện. Thế nên, lần thử thách phản diện này với anh là một điều thú vị. Đoàn gia là tuyến nhân vật hư cấu để đẩy sự kịch tính trong vở kịch. Nhân vật này không có trong chuyện cổ tích gốc nên phải làm sao để nhân vật gây ấn tượng cho khán giả là một bài toán.
Thiện Tùng nhấn mạnh, anh sẽ không sử dụng lối diễn “gầm ghè” mà khán giả luôn hình dung về nhân vật phản diện trên sân khấu mà sẽ tìm cách tiếp cận khác, nhưng vẫn ra bản chất nhân vật. “Một vai diễn nhiều màu sắc, nhưng tôi đang phải suy nghĩ rất nhiều”, anh thổ lộ.
Con số kinh phí để thực hiện vở diễn được ê-kíp giữ bí mật nhưng được biết, vở được dàn dựng với kinh phí của Nhà nước. Dự kiến, “Trương Chi - Mỵ Nương” sẽ công diễn vào đầu tháng 8/2020.
Có khoảng 40 diễn viên tham gia và phần âm nhạc chiếm 3/4 thời lượng 2 tiếng của vở diễn “Trương Chi - Mỵ Nương”. Là một nhạc sĩ “sừng sỏ” trong việc sáng tác nhạc sân khấu nhưng đạo diễn Tiến Minh vẫn thừa nhận âm nhạc chính là phần nặng và khó nhất với anh. Theo tiết lộ của vị đạo diễn, âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, có những ca khúc được sáng tác hoàn toàn mới và có những bản nhạc sử dụng lại nhưng được phối khí theo âm hưởng dân gian ngũ cung.