Tiêu thụ nông sản gặp khó khăn vì Covid-19

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong cả nước, đã tác động rất lớn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông sản của người nông dân. Tại Sóc Trăng, một số sản phẩm nông sản khó tiêu thụ, gây khó khăn cho đời sống người dân...

Nếu như một số loại trái cây rớt giá, thì hộ nuôi tôm phấn khởi bởi vụ tôm nuôi đầu năm đạt sản lượng và tình hình xuất khẩu tại doanh nghiệp ổn định. Ảnh: THÚY LIỄU

Nếu như một số loại trái cây rớt giá, thì hộ nuôi tôm phấn khởi bởi vụ tôm nuôi đầu năm đạt sản lượng và tình hình xuất khẩu tại doanh nghiệp ổn định. Ảnh: THÚY LIỄU

Theo thông tin từ đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên dẫn đến việc một số cơ sở sơ chế, chế biến nông sản phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hoạt động, bởi do chi phí sản xuất tăng cao, sức mua giảm. Đồng thời, một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh tiêu thụ chậm do lượng khách du lịch đến tỉnh giảm, cùng với đó giá nhiên liệu tăng, thời gian lưu thông tăng do thực hiện quy trình khử khuẩn ở các khâu… làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Song song đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống kho lạnh độc lập để bảo quản nông sản, thủy sản. Các hệ thống kho lạnh dùng trong bảo quản nông sản, thủy sản sẵn có thường gắn liền với doanh nghiệp, cơ sở (hiện có khoảng 20 doanh nghiệp có kho lạnh đáp ứng nhu cầu dự trữ xuất khẩu, đối với các doanh nghiệp còn lại thì cơ sở sơ chế, chế biến nông sản có sức chứa nhỏ, khoảng 1 - 2 tấn/kho lạnh). Do đó, sản phẩm nông sản thường gặp tình trạng ùn ứ tại chỗ, dẫn đến giảm chất lượng, phẩm chất nếu không được tiêu thụ. Ngoài ra, tại tỉnh, các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản còn thiếu, đặc biệt là các mặt hàng rau củ quả, phần lớn là cơ sở chế biến nhỏ lẻ nên nguồn nguyên liệu nông sản thường rơi vào tình trạng thừa, trong thời gian thu hoạch rộ.

Thực tế nêu trên cho thấy, việc tiêu thụ nông sản khó khăn phần lớn là do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bị tác động rõ nhất là hành tím. Hành tím sản xuất tập trung tại TX. Vĩnh Châu, diện tích hơn 5.200ha, sản lượng ước đạt trên 82.000 tấn. Số lượng hành lớn nhưng do dịch bệnh Covid-19, hành không thể xuất khẩu, cùng với đó lượng "cung vượt cầu" trên thị trường, dẫn đến giá hành xuống thấp, dao động từ 7.000 - 15.000 đồng/kg và hiện tại hành vẫn còn tồn đọng trong dân. Bên cạnh hành tím, thì nhiều diện tích sản xuất ớt chỉ thiên, ớt sừng vàng của bà con nông dân giảm sâu, chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg (ớt chỉ thiên), ít thương lái thu mua. Vì vậy, để không bị thua lỗ nhiều, một số nông dân đành chặt bỏ ớt, trồng cây khác. Hay với trái xoài, trong suốt mùa vụ giá xoài luôn ở mức thấp, gần đến cuối vụ xoài vẫn giữ mức giá từ 2.000 - 10.000 đồng/kg (xoài Đài Loan, xoài cát chu). Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm khác như: mít, ổi, mận... đều chung cảnh ngộ rớt giá...

Nếu như một số mặt hàng nông sản giá xuống thấp, khó tiêu thụ thì việc xuất khẩu thủy sản, xuất khẩu gạo lại rất khả quan, vẫn giữ vững đà tăng trưởng. Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2021 đạt 47% kế hoạch, tăng hơn 23% so cùng kỳ, trong đó mặt hàng thủy sản tăng gần 44% (tương đương 109 triệu USD), gạo tăng hơn 28% (tương đương 22 triệu USD). Dự báo trong năm 2021, xuất khẩu thủy sản và gạo tiếp tục tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ lượng gạo và thủy sản hàng hóa của tỉnh.

Để việc tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh trong việc thúc đẩy phát triển các thương hiệu nông sản quốc gia chủ lực; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm chi phí; thông tin kịp thời về các dự báo bối cảnh tình hình mới, các thị trường tiêu thụ tiềm năng và các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Tiếp tục xem xét có các cơ chế, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào cho nông dân, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn… tạo động lực giúp nông dân yên tâm sản xuất, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/tieu-thu-nong-san-gap-kho-khan-vi-covid-19-49900.html