Tiêu thụ trái cây chính vụ: Đa dạng thị trường, nâng giá trị xuất khẩu
Để có một vụ mùa thành công, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cập nhật tình hình các sản phẩm nông sản, trái cây đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trái cây đang vào vụ thu hoạch như vải, nhãn, xoài… Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài, thông qua đó đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị và thu nhập của người dân.
Sẵn sàng cho mùa vụ thành công
Theo ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, ước sản lượng vải toàn tỉnh năm 2023 trên 180.000 tấn, thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến ngày 30/7/2023.
Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục được xác định là thị trường truyền thống tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang, ngoài ra, các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất ( UAE), Singapore, Trung Đông, Thái Lan... đều là những thị trường tiềm năng để xuất khẩu trái vải.
Để chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị nhiều giải pháp nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, như: bảo đảm nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
“Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp thương nhân đến địa phương thực hiện chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều trên địa bàn,” ông Trần Quang Tấn thông tin.
Còn theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, hiện nay, Hải Dương có gần 9.000 hecta vải, trong đó vải sớm chiếm khoảng 30%, vải thiều chính vụ chiếm 70%.
Năm 2023, vải của tỉnh dự kiến khoảng 61.000 tấn, trong đó, vải sớm khoảng 31.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 30.000 tấn. Vải của Hải Dương hầu hết được sản xuất theo quy trình an toàn trong đó có 500 hecta vải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP; đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Toàn tỉnh có 203 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, có 21 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các thị trường; trong đó Trung Quốc là 13 mã; còn lại là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Thái Lan.
Cũng theo ông Trần Văn Hảo, trái vải của Hải Dương mẫu mã đẹp, vải thiều chính vụ bắt đầu thu hoạch từ ngày 5/6 đến hết tháng 6/2023, tập trung trong khoảng từ 10-20/6/2023. “Chất lượng vải thiều Hải Dương đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu,” Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho hay.
Trong khi đó, theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, năm 2023, tỉnh Hưng Yên có 2 loại vải là vải lai chín sớm Phù Cừ và vải trứng Hưng Yên với tổng diện tích canh tác 1.100ha sản lượng khoảng 12.700 tấn. Đối với trái nhãn, toàn tỉnh có diện tích canh tác trên 4.730 hecta với tổng sản lượng khoảng 45.000 tấn.
Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu đã và đang được địa phương triển khai mạnh mẽ. Trong đó, tập trung vào tổ chức các phiên chợ xúc tiến thương mại vải và tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại cho nhãn lồng.
“Để xúc tiến thị trường, xuất khẩu và kết nối tiêu thụ cho trái nhãn và vải. Sở Công Thương Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị kết nối xuất khẩu nhãn và các sản phẩm chế biến từ Nhãn sang thị trường Nhật Bản năm 2023, nhằm kết nối các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản,” ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho hay.
Khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất khẩu
Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, sản lượng trái cây cả nước trong quý 2/2023 ước đạt trên 2,6 triệu tấn. Trong đó, vải thiều đạt 330.000 tấn, nhãn 110.000 tấn. Ngoài ra, hàng trăm nghìn tấn dứa, xoài, cam, thanh long cũng vào vụ thu hoạch.
Để hỗ trợ xuất khẩu, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết thị trường Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển.
Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường tiềm năng này, ông Hưng cho rằng khoảng cách địa lý quá xa dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài. Ngoài ra, chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đặt tại miền Bắc…
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho hàng xuất khẩu Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã phối hợp với các cơ quan liên quan đàm phán với Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) và được phép bổ sung thêm một đầu mối đối tác là doanh nghiệp của Bắc Giang vào danh sách Công ty thay mặt Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội ký kết thỏa thuận với APHIS về việc chứng nhận cơ sở chiếu xạ xuất khẩu vải sang Hoa Kỳ.
Đối với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, thị trường nhãn của Malaysia, Thái Lan gần như độc quyền, song dung lượng thị trường mặt hàng nhãn rất lớn.
Vì vậy, để mở rộng xuất khẩu nhãn, vải nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam sang Malaysia, doanh nghiệp cần có biện pháp bảo quản sản phẩm để vận chuyển bằng đường biển, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Liên quan tới các mặt hàng nông sản, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sản phẩm vải tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu tới 30 thị trường khác nhau, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong ASEAN, Trung Ðông... và đang tiếp tục được mở rộng. Riêng trái nhãn, thị trường tiêu thụ vẫn ở trong nước là chủ yếu nhưng cũng đã bước đầu được xuất đi Nhật Bản và EU.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Sơn La đã triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao chất lượng, giá trị vùng trồng, đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, bảo đảm sản phẩm chất lượng và an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để xuất khẩu. Nhờ vậy, sản lượng thu hoạch vải và nhãn được duy trì hoặc tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, nguồn cung dồi dào đang đặt ra áp lực lớn về tiêu thụ khi xuất khẩu ở nhiều thị trường giảm mạnh, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng hạn chế. Trong khi đó, thị trường truyền thống và có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, nhãn mác, đóng gói cũng như quy định liên quan về truy xuất nguồn gốc, bảo quản, vận chuyển, thanh toán…
Để có một vụ mùa thành công, ông Hải yêu cầu các đơn vị Bộ Công Thương cần tiếp tục nắm bắt cập nhật tình hình các sản phẩm nông sản, trái cây đến vụ, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ.
Trong dài hạn, để triển khai những giải pháp có tính căn cơ, bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương định hướng chính sách, có cơ chế khuyến khích hình thành và nhân rộng mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ gắn với nhu cầu của thị trường, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản.
Cùng với đó, đầu tư phát triển ngành công nghiệp bảo quản, chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút sự tham gia của các chủ thể tham gia chuỗi giá trị từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, để góp phần đưa quả vải, nhãn nói riêng và nông sản đi được xa hơn và bền vững hơn./.