Tìm cơ hội trong thách thức từ dịch Covid-19
Dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động bất lợi cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, trong thách thức luôn có cơ hội và đây là thời điểm để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu, gia tăng nội lực của nền kinh tế.
Dịch tác động tiêu cực lên nhiều lĩnh vực
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh (SXKD). Bên cạnh đó, việc suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã và đang chịu những ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19. Tác động của dịch đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều lĩnh vực, như: Giao thông vận tải, nhất là vận tải hàng không, sau đó là vận tải đường bộ và đường sắt qua biên giới; du lịch; bán lẻ; thị trường chứng khoán; dệt may; da giày; chuyển phát nhanh, logistics... Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và trung hạn (có thể 6-8 tháng), nhất là nông sản.
Là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, hàng không đang đối mặt với sự sụt giảm lớn lượng hành khách. Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh: Nhiều đường bay giảm 50%-70% lượng khách. Doanh nghiệp này đã đưa ra 3 kịch bản để ứng phó, tuy nhiên, nếu dịch kéo dài đến tháng 6 thì tình hình SXKD sẽ rất khó khăn. Do đó, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ, các bộ xem xét có cơ chế miễn thuế nhập khẩu, thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay và lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách để doanh nghiệp cân đối nguồn lực; kiến nghị các bộ, ngành nới lỏng chính sách visa để thu hút du khách, hỗ trợ du lịch.
Ngành than-khoáng sản cũng chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Lê Minh Chuẩn cho biết: "Thị trường than, khoáng sản phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, do dịch bệnh nên ảnh hưởng lớn đến kế hoạch SXKD. Hiện nay hoạt động nhập khẩu than về rất khó".
Tạo áp lực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường
Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam, song trong bối cảnh khó khăn không phải là không có cơ hội. Qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là cơ cấu kinh tế, khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Đây chính là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành, để xây dựng được một nền kinh tế độc lập, tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.
Nêu rõ về điều này, PGS, TS Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất và nhập khẩu rất lớn nhiều mặt hàng của Việt Nam. Chính vì vậy, khi Trung Quốc xảy ra dịch bệnh đã làm nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cho các ngành, như: Điện tử, dệt may và da giày của Việt Nam bị ảnh hưởng, làm cho xuất khẩu các mặt hàng rau quả, thủy sản... bị ách tắc. Câu chuyện ùn tắc, ế ẩm thanh long, dưa hấu ngay khi Trung Quốc dừng giao thương với Việt Nam đã cho thấy thêm bài học khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đó là luôn luôn phải chấp nhận sự bất ổn. “Về dài lâu, với các mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam cần phân tán sự rủi ro bằng cách tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA lớn, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; FTA Việt Nam-Liên minh châu Âu…”, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh. Còn theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông: Riêng đối với ngành nông nghiệp, điều quan trọng nhất là các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định “trong nguy có cơ”. Đợt dịch bệnh này và những tác động tiêu cực của nó là bài học tốt để đánh giá lại vấn đề “tránh phụ thuộc vào một thị trường”, là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường. Có cùng cách nhìn nhận, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra là không thay đổi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra.
Ở khía cạnh khác, đề cập tới các giải pháp lâu dài thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Cùng với đó, đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế thời gian qua, từ đó đề ra giải pháp đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực theo hướng ít phụ thuộc hơn, tăng cường khả năng chống chọi và thích ứng với các biến động tốt hơn; khơi dậy nội lực trong nước, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với các biến động bên ngoài…