Tìm giải pháp lan tỏa thương hiệu nông sản Lâm Đồng

Là địa phương có lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với nhiều loại nông sản giá trị, được người tiêu dùng trong nước và quốc tế ưa chuộng; Lâm Đồng đã và đang quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều 'điểm nghẽn' cần tháo gỡ trong hành trình lan tỏa thương hiệu.

Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” được thị trường ưa chuộng.

Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” được thị trường ưa chuộng.

Theo số liệu công bố tại hội nghị phát triển thương hiệu tỉnh Lâm Đồng, tổ chức tại TP Đà Lạt ngày 24-7, hiện địa phương đã xây dựng được 24 thương hiệu. Trong đó, 21 sản phẩm đặc trưng đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ, gồm 13 nhãn hiệu chứng nhận và tám nhãn hiệu tập thể; bốn nhãn hiệu đã đăng ký Cục Sở hữu trí tuệ chờ cấp chứng nhận. Theo Sở Công thương Lâm Đồng, qua tìm hiểu thị trường và tham khảo ý kiến của một số đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm trong nước và nước ngoài cho thấy, nhiều thương hiệu nông sản Lâm Đồng được người tiêu dùng đánh giá cao, được thị trường đón nhận thời gian qua, như Hoa Đà Lạt, Rau Đà Lạt, Trà B’Lao, Tơ lụa Bảo Lộc, Sầu riêng Đạ Huoai… Trao đổi với PV Nhân Dân điện tử, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: “Việc xây dựng thương hiệu là một trong những điều kiện cần để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Vì khi thực hiện xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, cũng như quảng bá thương hiệu nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thì thương hiệu là một trong bốn nội hàm để xúc tiến”.

Xác định tầm quan trọng và giá trị thương hiệu, thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh Lâm Đồng và nhà nông, doanh nghiệp đã tích cực triển khai các hoạt động trong xây dựng và phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm đặc trưng. Nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, đạt các tiêu chuẩn cao trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm xuất khẩu có uy tín, đã mang lại giá trị rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua thời gian xây dựng và quảng bá thương hiệu đặc sản Lâm Đồng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, khó khăn cần được tháo gỡ, như việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho tổ chức, cá nhân còn ít, thậm chí có nhãn hiệu chưa cấp cho một tổ chức, cá nhân nào; đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nước ngoài còn hạn chế, hiện chỉ một nhãn hiệu Trà B’Lao được đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc và đang thực hiện bảo hộ tại Sigapore; việc gắn nhãn hiệu lên sản phẩm chưa được quan tâm, do chưa có tác động rõ ràng đến hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển trung tâm sau thu hoạch còn chậm; hoạt động quảng bá thương hiệu thiếu đa dạng…

Đặc biệt, chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, với sản phẩm rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đang gặp khó trong việc nhận diện thương hiệu: là “sản phẩm” hay “slogan”?! Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc hợp tác xã Anh Đào - Đà Lạt, cho rằng: “Hiện vấn đề thương hiệu đang được thị trường rất quan tâm. Khi hợp tác xã Anh Đào được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, sản phẩm có xuất xứ rõ ràng từ Đà Lạt của hợp tác xã rất được thị trường quan tâm, đón nhận. Tuy nhiên, qua khảo sát, có khoảng 60% người tiêu dùng biết đến thương hiệu này, số còn lại cho rằng, đó là câu slogan của doanh nghiệp. Cho nên, chúng ta cần tăng cường hoạt động quảng bá mạnh mẽ hơn cho thương hiệu này”.

Hiện có 293 tổ chức, cá nhân tại Lâm Đồng được cấp quyền sử dụng 21 nhãn hiệu đã xác lập sở hữu trí tuệ trên. Trong đó, có 237 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Đà lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được cấp cho các tổ chức, cá nhân tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà. Thời gian qua, nhiều sở, ngành tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá nhãn hiệu; xây dựng, kết nối nhiều chuỗi phân phối các sản phẩm mang nhãn hiệu; kết nối giao thương tại các thị trường trong nước và quốc tế… Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý tốt, lan tỏa thương hiệu đặc sản địa phương, thì còn nhiều việc phải làm. Cùng với việc kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” đã nêu, qua thảo luận tại hội nghị phát triển thương hiệu tỉnh Lâm Đồng lần này, bốn nhóm giải pháp đã được đưa ra, đó là nhóm giải pháp về đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, quan tâm xác lập nhãn hiệu bảo hộ ra nước ngoài; nhóm giải pháp nâng cao giá trị nông sản, với việc duy trì, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, tăng cường chuỗi liên kết; nhóm giải pháp phát triển nhãn hiệu doanh nghiệp và tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng: Lâm Đồng đã và đang rất tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản đặc trưng địa phương. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu trở thành hoạt động thường xuyên của Lâm Đồng. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là nhiệm vụ cơ bản. “Cùng với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp quảng bá, tuyên truyền sâu rộng hơn. Đặc biệt là những thương hiệu có giá trị tiềm năng cao với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các thương hiệu mạnh của doanh nghiệp Lâm Đồng tiếp tục vươn xa trên thị trường thế giới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.

Lâm Đồng đã có nhiều sản phẩm đi vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng để có được những thương hiệu xứng tầm, đứng vững và phát triển trong thời kỳ toàn cầu hóa, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía.

MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/40977502-tim-giai-phap-lan-toa-thuong-hieu-nong-san-lam-dong.html