Tìm hướng đi phù hợp cho mỏ sắt Thạch Khê

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh đầu tháng 6 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khi còn xuất hiện ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương, các bên, các cơ quan liên quan cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới…

Cân nhắc hiệu quả kinh tế và môi trường

Dự án mỏ sắt Thạch Khê nằm trên diện tích gần 3.900ha thuộc địa bàn 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Theo đánh giá, đây là mỏ sắt có trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tính trên 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc.

Mong được khai thác quặng "hoang phế" sau 11 năm ngừng khai thác

Mong được khai thác quặng "hoang phế" sau 11 năm ngừng khai thác

Sau 15 năm từ lúc dự án bắt đầu khai thác, hơn 6.000 hộ dân trên địa bàn 5 xã ven biển huyện Thạch Hà đang trong tình cảnh khó khăn vì dự án treo. Thời gian qua khi việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở đây còn chậm, phát huy tiềm năng du lịch còn sơ khai, thì hàng loạt máy móc, phương tiện, công xưởng tại dự án bị hư hỏng hoen rỉ, công nhân cũng bị mất việc làm. Đây là tồn tại kéo dài cần xử lý dứt điểm nêu muốn chuyển hướng khai thác sản xuất, phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường.

Người dân Hà Tĩnh đang rất mong chờ vào những giải pháp của Chính phủ, giải quyết những lợi ích hài hòa của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo môi trường nhằm sớm chấm dứt thực trạng "tiến thoái lưỡng nan" như hiện nay.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được tính toán, lựa chọn áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.

Đáng chú ý, về giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng nguồn nước, hạ mực nước ngầm, phía TIC đưa ra các giải pháp bao gồm: Đền bù, tái định cư cho các hộ dân; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị (85 tỉ đồng) cung cấp nước sạch cho khu vực bị ảnh hưởng và các xã lân cận dự án...

Trên thực tế, phía công ty này cho hay, nếu dự án mỏ sắt Thạch Khê được mở lại sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao.

Tuy nhiên vấn đề môi trường và hiệu quả kinh tế tổng hợp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế hài hòa, bền vững và lâu dài đang là bài toán nổi lên chưa có lởi giải thuyết phục. Trước đó, như đã phản ánh vào đầu tháng 5 vừa qua, lãnh đạo các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh giữ nguyên quan điểm đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê, dù Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có đề xuất Chính phủ cho khai thác lại mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á này hồi đầu năm nay.

Cần hướng đi phù hợp

Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác có chuyến khảo sát thực trạng mỏ sắt Thạch Khê. Qua kiểm tra, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hiện đang xuất hiện ý kiến trái chiều giữa lợi ích kinh tế từ dự án và quy hoạch phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương. Do đó, cần phải có sự tính toán theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể để lựa chọn hướng đi phù hợp trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
tại tỉnh Hà Tĩnh mới đây

Tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Thủ tướng nhấn mạnh, việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan; việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hơi. Sau đánh giá, trường hợp có lợi thì tổ chức triển khai, nếu chưa có lợi thì dừng lại và tiếp tục nghiên cứu.

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc này phải sớm có quyết sách đúng đắn để ổn định đời sống dân cư địa phương. Quyết sách này phải đảm bảo cơ sở khoa học và hợp lòng dân.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê với 6.000 hộ dân trong vùng dự án sau nhiều năm triển khai đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập. “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” là quan điểm chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh đó là cần cân nhắc có nên tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê hay không?

Lê Tùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/tim-huong-di-phu-hop-cho-mo-sat-thach-khe-i296015/