Tìm hướng xuất khẩu bền vững cho hồ tiêu

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, DN Việt phải chủ động tìm hiểu thông tin, nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2019 là năm rất khó khăn với ngành hồ tiêu Việt Nam khi giá bán giảm, tăng trưởng chậm. Trước thực trạng đó, để nâng cao sức cạnh tranh và tận dụng được lợi thế của các hiệp định thương mại, ngành hồ tiêu đang hướng đến đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Bà Oanh cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 100.000 ha diện tích trồng hồ tiêu, năng suất trung bình khoảng 24,7 tạ/ha. Tuy nhiên, hiện trong khi giá hồ tiêu vẫn ở mức rất thấp thì chi phí sản xuất lại có chiều hướng tăng, ít nhất là 10% so với năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Việt Nam dù đã xuất khẩu tiêu đạt 224.000 nghìn tấn, tăng 27,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch lại giảm 2,1% và chỉ đạt 571 triệu USD, do giá xuất khẩu giảm 23,4%. Tuy thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã tăng từ 47% lên đến 60% thị trường thế giới, nhưng do giá giảm, đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và DN trong ngành đang tiếp tục đối mặt với khó khăn.

Thị trường tiêu thụ hồ tiêu thế giới đang trong bối cảnh cung lớn hơn cầu và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu hồ tiêu (nhu cầu thế giới hiện nay khoảng 510.000 tấn/năm và bình quân mỗi năm chỉ tăng 2% - 3%, trong khi sản lượng hồ tiêu toàn cầu tăng 8% - 10% với sản lượng toàn cầu năm 2019 dự kiến đạt đến 602.000 tấn). Vì vậy, giá tiêu có thể vẫn còn bấp bênh trong một thời gian nữa.

Hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP

Hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 DN chế biến, kinh doanh hồ tiêu, 60 DN chế biến và trực tiếp xuất khẩu, trong đó 18 DN chế biến lớn với công suất khoảng 80.000 tấn/năm, 14 nhà máy có hệ thống xử lý hồ tiêu qua hơi nước với công nghệ hiện đại. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu là tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột. Ngoài ra, còn các sản phẩm chế biến như tiêu đỏ, tiêu xanh, tiêu đỏ ngâm nước muối... trong đó, tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chiếm 10% - 15% tổng sản lượng. Lợi thế của DN Việt (trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn) chính là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà Việt Nam đã ký như, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu cho ngành hồ tiêu.

Theo Cục Xuất - nhập khẩu (Bộ Công thương), đối với mặt hàng hồ tiêu, Hiệp định CPTPP có 9 nước cam kết xóa bỏ ngay lập tức thuế quan gồm Úc, New Zealand, Canada, Malaysia, Singapore, Brunei, Chile, Peru, Nhật Bản. Riêng thị trường Mexico, cam kết xóa bỏ thuế theo lộ trình 16 năm đối với mặt hàng hồ tiêu xanh. Đáng chú ý, trong các nước CPTPP, bên cạnh Việt Nam, chỉ có Malaysia là nước có sản xuất hồ tiêu đáng kể, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu không nhiều, chỉ chiếm khoảng 3% lượng xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, có thể nói hồ tiêu Việt Nam có lợi thế cạnh tranh khá lớn trong các nước CPTPP (đặc biệt là đối với 3 nước chưa có hiệp định thương mại nào với Việt Nam là Canada, Mexico và Peru). Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA sẽ là đòn bẩy tốt để các DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào thị trường này (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5% - 9%).

Như vậy, để có thể tận dụng tốt các cơ hội nêu trên, DN Việt phải chủ động tìm hiểu thông tin, nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác, đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan, các yêu cầu về chất lượng, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, giá bán hồ tiêu phụ thuộc vào chủng loại hạt cũng như chất lượng của hạt (nếu cùng chủng loại), do đó, để có thể nâng cao giá bán cho hồ tiêu, biện pháp cốt lõi nằm ở khâu trồng trọt và khâu sau thu hoạch. Do vậy, ngành hồ tiêu cần đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, chú trọng về chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm chất lượng cao và tham gia vào các thị trường có giá trị gia tăng cao để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Thời gian qua, Bộ Công thương đã tích cực triển khai và hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt chú trọng đến thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU. Về phần mình, ngành hồ tiêu hiện đang duy trì diện tích trồng từ 100.000 ha - 120.000 ha, giữ sản lượng ổn định từ 237.000 tấn - 256.000 tấn từ nay đến năm 2030. Song song đó, DN khuyến khích nhà nông nâng cao chất lượng nguyên liệu hạt tiêu bằng cách thâm canh bền vững, giảm hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật), hướng tới các tiêu chuẩn chứng nhận về nông nghiệp sạch như VietGAP, GlobalGAP… để đưa hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi phân phối nông sản toàn cầu.

Thanh Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tim-huong-xuat-khau-ben-vung-cho-ho-tieu-93485.html