Tìm thấy thành phố bí ẩn của người Maya giữa rừng rậm

Hàng chục ngàn công trình kiến trúc cổ của người Maya vừa được phát hiện bên dưới lớp rừng già ở vùng Peten, Guatemala, CBC đưa tin.

Các nhà nghiên cứu đã dùng công nghệ cao, được gọi là LIDAR để khảo sát và tìm thấy được khoảng vài chục ngàn công trình được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của người Maya. Quần thể kiến trúc bao gồm 60.000 ngôi nhà, bốn trung tâm cúng tế và một kim tự tháp cao 30 m ẩn sâu trong khu rừng ở vùng Peten, Guatemala. Họ ước tính khoảng 10 triệu người Maya từng sống tại khu vực này.

Những pháo đài, những đền thờ hùng vĩ minh chứng cho một thời hoàng kim của nền văn minh Maya dường như đã bị thời gian chôn vùi dưới những lớp đất đá, nằm giữa cánh rừng già.

Quần thể kiến trúc được tìm thấy thông qua hệ thống quét tiên tiến nhất. Ảnh: AP

Quần thể kiến trúc được tìm thấy thông qua hệ thống quét tiên tiến nhất. Ảnh: AP

Nghiên cứu này vừa được công bố vào hôm 1-2 bởi một nhóm nhà khảo cổ đến từ châu Âu, Mỹ và Quỹ Di sản văn hóa Maya ở Guatemala. Theo giới khảo cổ học, phát hiện này là một trong những tiến bộ lớn nhất trong hơn 150 năm khảo cổ học về nền văn minh Maya và có thể khiến chúng ta phải viết lại lịch sử loài người.

Các nhà nghiên cứu cho biết công nghệ LIDAR, viết tắt của Light Detection And Ranging (vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser), cho phép quét được những vật thể nằm bên dưới lớp đá dày đặc.

Ước tính, toàn bộ khu di tích cổ vừa được phát hiện rộng 2.100 km2 và có từ khoảng năm 1.000-900 năm trước công nguyên, thời điểm mà nền văn minh Maya phát triển mạnh mẽ nhất ở khu vực.

Theo nghiên cứu, có khoảng 10 triệu người từng sống ở đây, đồng nghĩa với việc nhiều ngành cung cấp lương thực thực phẩm cũng từng xuất hiện ở đây. Các nhà nghiên cứu ước tính, có thể 95% diện tích trống xung quanh quần thể kiến trúc được dùng để canh tác. Chưa kể, những vết tích còn lại cho thấy người Maya cổ ở đây đã áp dụng nhiều phương pháp trồng trọt tiên tiến, cũng như hệ thống mương và kênh đào tưới cho thấy nông nghiệp vào thời đó cũng đã được nâng cao.

Nhà khảo cổ Tom Garrison cho biết rừng rậm gây khó khăn đối với hoạt động khám phá, song là một công cụ bảo vệ tuyệt vời: “Chúng ta biết rằng người Maya biết làm nông nghiệp, biết cách lấy nước để tưới tiêu. Nhưng chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng được quy mô mà họ đã làm. Vậy nên bây giờ chúng ta mới nhận ra rằng những hiểu biết của chúng ta về người Maya còn rất hạn chế.”

Hình ảnh 3D phác họa công trình cổ của người Maya ở Guatemala. Ảnh: Pacunam

Hình ảnh 3D phác họa công trình cổ của người Maya ở Guatemala. Ảnh: Pacunam

Trước đây, giới học giả cho rằng nền văn minh Maya tồn tại cách đây khoảng 1.500 năm, có diện tích gấp đôi Trung Quốc thời Trung cổ với dân số ước tính khoảng 5 triệu người. Thế nhưng hệ thống kiến trúc mới được phát hiện cho thấy dân số Maya lớn hơn con số đưa ra trước đó nhiều lần. Và với dân số đông đúc này, người Maya đã xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc “đáng kinh ngạc” và có thể đã tham gia những cuộc chiến quy mô lớn.

Chưa kể, tia laser cũng phát hiện một hệ thống đường lớn nối các hệ thống phòng thủ, tạo thành một mạng lưới phức tạp, giúp hoạt động đi lại luôn được bảo đảm ngay cả trong mùa mưa ngập lụt. Ngoài ra, một kim tự tháp cao bảy tầng, bị rừng già che phủ hoàn toàn cũng được phát hiện.

Tuy nhiên, các nhà khảo cổ ước tính phải mất nhiều năm nữa mới có thể khai quật và nghiên cứu những di chỉ này. Trong khi đó, nhiều câu hỏi mới xung quanh nền văn minh Maya lại được đặt ra.

Không giống một số nền văn hóa cổ xưa khác, thế hệ sau thường phá hủy công trình kiến trúc của thế hệ trước, những phát hiện về nền văn minh Maya cho thấy hệ thống kiến trúc này bị bỏ hoang và có thể đã được che giấu. Vậy, vì sao người Maya cổ đại thực hiện điều này? Đây vẫn còn là một bí ẩn lớn đối với giới khảo cổ học quốc tế.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/the-gioi/muon-mat/tim-thay-thanh-pho-bi-an-cua-nguoi-maya-giua-rung-ram-754897.html