Tín dụng chính sách 20 năm đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách ở Na Rì

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, trên địa bàn huyện Na Rì đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì tổ chức giải ngân tại thị trấn Yến Lạc.

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì tổ chức giải ngân tại thị trấn Yến Lạc.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Na Rì đã đặt điểm giao dịch tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn. Tại các điểm giao dịch thực hiện niêm yết công khai các chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, hòm thư góp ý, số điện thoại "đường dây nóng"… khách hàng giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng vào ngày giao dịch cố định hằng tháng để gửi tiền tiết kiệm, vay vốn và trả nợ trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị xã hội, tổ trưởng tổ TK&VV và chính quyền địa phương.

Việc đặt lịch giao dịch vào những ngày cố định trong tháng tại các xã, thị trấn, giúp cho người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tín dụng chính sách, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại; đồng thời, hoạt động tín dụng chính sách được công khai, gần dân hơn. Cách thức hoạt động “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” thực sự mang lại lợi ích cho người dân, được cấp ủy, chính quyền các cấp ủng hộ.

Người dân nhận tiền vay diện HS, SV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì.

Người dân nhận tiền vay diện HS, SV để mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Na Rì.

Toàn huyện hiện có 245 tổ TK&VV, trong đó, Hội Phụ nữ có 70 tổ, Hội Nông dân có 68 tổ, Hội Cựu chiến binh có 55 tổ, Đoàn Thanh niên có 52 tổ; bình quân 01 tổ TK&VV có 24 tổ viên; dư nợ bình quân hơn 1,4 tỷ đồng/tổ. Theo đánh giá của Phòng giao dịch NHCSXH huyện, có 217 tổ TK&VV xếp loại tốt, 23 tổ TK&VV xếp loại khá, 05 tổ TK&VV có chất lượng trung bình, không có tổ TK&VV hoạt động yếu kém.

Ông Hoàng Văn Thái- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Khi mới thành lập, đơn vị nhận bàn giao 02 chương trình tín dụng, gồm: Cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện (Ngân hàng Phục vụ người nghèo) là hơn 6,1 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước huyện là hơn 2,2 tỷ đồng. Đến nay đã có 17 chương trình tín dụng được triển khai đến khắp các thôn, bản trên địa bàn huyện.

Tổng doanh số cho vay trong 20 năm là hơn 1.120 tỷ đồng với hơn 48.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Cùng với công tác cho vay, tổng doanh số thu nợ trong 20 năm là hơn 740 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đến hết 6/2022 là hơn 355 tỷ đồng, tăng hơn 346 tỷ đồng so với ngày đầu thành lập. Dư nợ tăng trưởng bình quân trên 18 tỷ đồng/năm, tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm đạt 23,2%. Dư nợ tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - chiếm trên 93%. Hiện nay có gần 6.000 hộ còn dư nợ, mức dư nợ bình quân là 59,9 triệu đồng/hộ.

Nhiều hộ dân đã vươn lên ổn định đời sống từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Có thể kể đến như: Hộ anh Hoàng Văn Thảo ở thôn Pác Ban, xã Văn Minh, năm 2020 vay 100 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả, đến nay gia đình có thu nhập khá ổn định. Hay như hộ chị Bàn Thị Keo ở thôn Khuổi Nằn I, thị trấn Yến Lạc, năm 2017 vay 50 triệu đồng mua 02 con trâu, đến nay đàn trâu của gia đình đã lên đến 12 con, gia đình cũng cải tạo được 2.000m2 ao cá, tạo thu nhập khá...

Theo ông Hoàng Văn Thái- Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3.000 hộ thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ hơn 56% vào năm 2005 (theo tiêu chí cũ) xuống còn 18,2% vào năm 2021 (theo tiêu chí mới), tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm trên 3%; giúp trên 600 hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống; giúp 1.288 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn không lãi suất và lãi suất thấp để phát triển sản xuất, ổn định đời sống; trên 9.000 lượt hộ có điều kiện sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt; giúp trên 3.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp tục theo học.../.

H.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202207/tai-chinh-ngan-hang-tin-dung-chinh-sach-20-nam-dong-hanh-cung-nguoi-ngheo-va-doi-tuong-chinh-sach-o-na-ri-ef62de1/