Tín dụng chính sách- Động lực quan trọng trong giảm nghèo bền vững

Tín dụng chính sách được xem là một trong những yếu tố quan trọng của tiến trình xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Từng đồng vốn đến với các đối tượng được thụ hưởng không chỉ mang lại sinh kế, tạo môi trường sống, sinh hoạt và học tập tốt hơn, mà còn giúp cho người dân tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước: không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển của xã hội. Điều này càng được khẳng định trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội'.

Đưa tín dụng chính sách đến với đối tượng thụ hưởng

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (Chỉ thị 40- CT/TW) là đòn bẩy quan trọng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong quá trình triển khai đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với cuộc sống, tạo động lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững ở khu vực đồng bào khó khăn, yếu thế.

Người dân nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH

Người dân nhận vốn vay ưu đãi ngay tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, trong suốt 30 năm đổi mới thì hoạt động tín dụng chính sách thông qua NHCSXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Có thể khẳng định đây là một điểm sáng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng đối với chương trình xóa đói, giảm nghèo Quốc gia cũng như chăm lo, phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Trong quá trình phát triển của hoạt động tín dụng chính sách thì nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động tín dụng chính sách. Với mục đích đó, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 nhằm kêu gọi sự vào cuộc, ý thức trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị toàn xã hội trong việc huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động tín dụng chính sách. Đến nay, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, chúng ta cũng đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng. Tổng số nguồn vốn tăng thêm cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 77 nghìn tỷ đồng; trong đó từ ngân sách Nhà nước đạt trên 10 nghìn tỷ đồng, từ chính quyền địa phương các cấp đạt trên 11 nghìn tỷ đồng và từ hỗ trợ thông qua tiền gửi các ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng thương mại quốc doanh của Nhà nước đạt trên 41 nghìn tỷ đồng và từ các tổ chức, doanh nghiệp khác trong xã hội đạt trên 21 nghìn tỷ đồng. “Những con số đó đã thể hiện sự vào cuộc hết sức quyết liệt của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 40 của Ban Bí thư“- ông Nguyễn Văn Bình khẳng định.

Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Chính phủ; sự tham mưu kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện Chỉ thị 40, từ các Bộ, ban ngành đến các cấp ủy, chính quyền địa phương đã đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành một nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch hoạt động của mình, để chỉ đạo cũng như giám sát thực thi. Mặt trận tổ quốc Việt Nam kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội làm tốt vai trò tuyên truyền, thực hiện và giám sát nguồn vốn chính sách. Cùng với đó là sự vào cuộc của hàng triệu đảng viên với vai trò cầu nối đưa chính sách vào cuộc sống.

Sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ban hành, ngày 14/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Quyết định đề ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là hoạt động thường xuyên. Các tỉnh, thành ủy đã ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tổ chức thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Việc thực hiện tốt các chủ trương huy động vốn đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/10/2019 đạt 211.757 tỷ đồng, tăng 77.085 tỷ đồng so với thời điểm trước ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đến thời điểm 31/10/2019 đạt 201.464.729 triệu đồng, tập trung chủ yếu vào 08 chương trình lớn (chiếm trên 96%/tổng dư nợ).

Giai đoạn 2014 - 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm tạo điều kiện bố trí đầy đủ nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý, cấp bổ sung vốn điều lệ, huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác phần nào đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.

Thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách

Thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua NHCSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là những vùng nông thôn; là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Khắc phục tồn tại để giảm nghèo bền vững

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, đến 30/6/2020, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng 14.666 tỷ đồng so với 31/12/2019; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 19.505 tỷ đồng, tăng 4.071 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 30/6/2020 đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng (+6,2%) so với cuối năm 2019, với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 189.499 tỷ đồng, tăng 9.495 tỷ đồng (+5%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 66% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,70% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%/tổng dư nợ.

Người dân đầu tư xây dựng công trình nước sạch từ vốn vay chính sách

Người dân đầu tư xây dựng công trình nước sạch từ vốn vay chính sách

Những “chiếc cần câu” từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng triệu hộ gia đình thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. “Con cá to” mà họ có được là cuộc sống ấm no hơn, là bộ mặt đổi thay của nhiều vùng đất, thôn bản và của toàn xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW cần được khắc phục, tháo gỡ. Cụ thể: Một số cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo còn chậm trễ; chưa đưa việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền; chưa sát sao, chỉ đạo thường xuyên rà soát bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đối với các trường hợp hộ bị rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai, có nguy cơ tái nghèo để có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội…Tại một số địa bàn, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác chưa thực hiện thường xuyên hoặc có kiểm tra nhưng chưa sâu, chất lượng kiểm tra chưa cao…

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ưu tiên về tín dụng chính sách xã hội chưa đủ mạnh để giúp các đối tượng chính sách phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập; Một số quy định về chương trình tín dụng ưu đãi ban hành nhưng thiếu nguồn lực bố trí dẫn đến hiệu quả chưa cao; một số quy định chậm được chỉnh sửa theo yêu cầu thực tiễn nên hạn chế hiệu quả.

Ngoài ra, nguồn lực thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách, một số chương trình mới ban hành nhưng chưa có hoặc chậm cấp vốn triển khai thực hiện; ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách tại một số thời điểm còn hạn chế, chưa kịp thời, ảnh hưởng ít nhiều đến việc thực hiện chương trình tín dụng và nhu cầu vay vốn của người dân…

Việc triển khai quyết liệt và có hiệu quả hơn Chỉ thị 40-CT/TW trong thời gian tới vẫn là điểm tựa quan trọng trong việc triển khai tín dụng chính sách xã hội để vừa tối đa hóa hiệu quả của từng đồng vốn, vừa tập hợp thêm nguồn lực từ con người đến nguồn vốn không chỉ của địa phương mà của cả doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và mỗi người dân trong công cuộc giảm nghèo bền vững.

Sáng ngày 15/7/2020, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-dung-chinh-sach-dong-luc-quan-trong-trong-giam-ngheo-ben-vung-140293.html