Tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi
Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn nhiều dư địa để phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao và chuỗi khép kín.
Trang trại chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa tại huyện Thạch Thành.
Những tín hiệu tích cực về thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực này trong thời gian qua đã và đang mở ra những triển vọng mới, hướng đến một ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiện đại và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Những ngày giữa tháng 3–2020, Công ty TNHH hai thành viên Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ - đơn vị thành viên của Tập đoàn TH đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng cho việc xây dựng trang trại bò sữa tập trung, quy mô lớn tại huyện Nông Cống. Dự án được khởi động mang theo kỳ vọng về sự phát triển của ngành chăn nuôi địa phương; từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ với những vật nuôi truyền thống sang chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và đầu tư phát triển những đối tượng vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao. Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo UBND huyện Nông Cống: Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa được khởi động chính là tín hiệu tích cực, đánh thức, phát huy những tiềm năng lợi thế về đất đai, con người tại vùng bán sơn địa của huyện Nông Cống. Đồng thời, là bước đệm để địa phương và những vùng lân cận giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện nhiều khâu liên kết, dịch vụ với doanh nghiệp trong chăn nuôi bò sữa và dần chuyển dịch sang một nền sản xuất chăn nuôi hiện đại, văn minh và hiệu quả cao.
Những tín hiệu tích cực trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, không chỉ thể hiện ở việc thu hút những dự án mới mà ngay cả ở những dự án được chấp thuận chủ trương từ những năm trước cũng tạo được những đột phá, mở ra những kỳ vọng mới. Tiêu biểu như: dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn ngoại Ao Trời tại thôn Đồng Mưa, xã Xuân Khang (Như Thanh) do Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức đầu tư. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương năm 2019, quy mô gần 30 ha, với 21 dãy chuồng nuôi, công suất của trang trại có thể đạt 3,6 nghìn con lợn nái, 6 nghìn con lợn thịt. Sau thời gian khẩn trương thi công, hệ thống hạ tầng cơ sở đã hoàn thiện. Tháng 6 vừa qua đã đón 320 cá thể lợn bố mẹ nhập từ Thái Lan. Đây là một trong những dự án chăn nuôi lợn được áp dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Việc nhập khẩu đàn lợn giống được kiểm tra lâm sàng và thực hiện đầy đủ các thủ tục nhập khẩu lợn giống theo quy định của Luật Thú y. Đồng thời, định hướng cho người chăn nuôi trong tỉnh về bảo đảm nguồn giống vật nuôi khi thực hiện tái đàn và chăn nuôi an toàn sinh học.
Xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đó là, nhóm cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có tác động lớn nhất đến hình thành và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là chính sách hỗ trợ hạ tầng trang trại tập trung quy mô lớn. 5 năm qua, chính sách đã hỗ trợ 117 tỷ đồng xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào cho 34 khu trang trại chăn nuôi tập trung, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển ổn định và tạo sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án chăn nuôi, tổng mức đầu tư là 911,16 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, có 16 doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hình thành 34 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung với 1.912 trang trại trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2015, UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập 70 trang trại chăn nuôi; gồm 42 trang trại chăn nuôi lợn, 15 trang trại chăn nuôi gà, 10 trang trại chăn nuôi bò và 3 trang trại chăn nuôi tổng hợp. Ngoài ra, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án chăn nuôi gắn với phát triển công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, như: chuỗi chăn nuôi lợn của Công ty CP Nông sản thực phẩm Việt Hưng tại xã Thành Tâm (Thạch Thành); dự án chăn nuôi bò Úc của Công ty CP Chăn nuôi Bá Thước tại xã Lương Trung; dự án “Ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi lợn giống, sản xuất thức ăn lên men và sản xuất phân bón” của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương tại xã Minh Tiến (Ngọc Lặc)... Hiện tại, những dự án đầu tư và những trang trại chăn nuôi được đầu tư xây dựng đều hoạt động hiệu quả. Không chỉ góp phần nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi mà còn là bước đi vững chắc để thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, hướng đến quy mô sản xuất tập trung, bền vững gắn với chuỗi giá trị.