Tín hiệu tích cực từ thu hút, trao đổi giáo dục
Quốc tế hóa giáo dục ngày càng phổ biến ở các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Không chỉ sinh viên được trau dồi kiến thức chuyên ngành, trải nghiệm văn hóa mà các trường cũng nâng cao chất lượng giáo dục, vị thế trên các bảng xếp hạng thế giới.
Đến Việt Nam du học
Detvongsa Chanthana, 23 tuổi, là lưu học sinh (LHS) Lào đang theo học ngành Y Đa khoa tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP Hồ Chí Minh. Lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du học, Detvongsa Chanthana chia sẻ ấn tượng về văn hóa, thiên nhiên và con người Việt Nam.
Trước đó, nữ sinh đã tìm hiểu về chương trình đào tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và mong muốn được trau dồi kiến thức, kỹ năng y khoa ở môi trường này. Du học cũng mở rộng cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp cho LHS.
Theo Detvongsa Chanthana, quá trình chuẩn bị hồ sơ du học được Trường Đại học Nguyễn Tất Thành hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình. Thời gian học tập tại trường, thầy cô cũng quan tâm, chỉ bảo tận tình, bạn bè hỗ trợ trau dồi vốn tiếng Việt để thích nghi với cuộc sống mới.
“Chương trình dành cho LHS của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giúp em có cơ hội giao lưu với bạn bè Việt Nam và hòa nhập cùng môi trường học tập mới. Bên cạnh những kiến thức chuyên ngành, em được tìm hiểu thêm văn hóa, phong tục Việt Nam và tập sống tự lập”, Detvongsa Chanthana chia sẻ.
Nữ sinh người Lào hy vọng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Việt; đồng thời, củng cố kiến thức chuyên ngành cho LHS. Trước các kỳ thi hết môn, nhà trường có thể mở rộng ôn tập, xây dựng đề thi phù hợp với năng lực của LHS…
Detvongsa Chanthana là một trong hơn 45 nghìn LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đang học tập tại 155 cơ sở giáo dục tại Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021. Theo thông tin từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), LHS nước ngoài sang học tập tại Việt Nam được chia thành 2 diện: Hiệp định và ngoài Hiệp định. Trong đó, khoảng 12 nghìn LHS Hiệp định (chiếm 26,6% tổng số LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam) và 33 nghìn LHS ngoài Hiệp định (chiếm 73,4%).
Trung bình hàng năm, từ 4 nghìn đến trên 6 nghìn LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam. Trong 2 năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng LHS tại Việt Nam giảm nhiều, xuống khoảng 3 nghìn em mỗi năm.
LHS học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa học ngắn hạn. Số lượng LHS học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong đó, LHS nước ngoài theo học tại Việt Nam đến từ nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản...
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã và đang thực hiện chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học ở các nước trên thế giới. Tính đến tháng 12/2020, có 370 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, tạo cơ hội cho sinh viên học tập các chương trình quốc tế, được nhận bằng của các trường quốc tế.
Những trải nghiệm ý nghĩa
Đinh Nguyễn Quỳnh Châu, sinh viên chuyên ngành Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao, Hà Nội, vừa trở về Việt Nam sau 5 tháng học trao đổi tại Đại học Nữ Sungshin, Hàn Quốc. Quỳnh Châu là một trong những sinh viên đầu tiên tham gia chương trình học tập trao đổi của Học viện Ngoại giao.
“Khi trường thông báo về chương trình trao đổi, em lập tức đăng ký vì muốn có thêm những trải nghiệm đáng nhớ thời sinh viên. Năm tháng vừa qua không chỉ giúp em bồi đắp kiến thức chuyên ngành, mà còn được tìm hiểu về văn hóa Seoul và các vùng miền địa phương khác. Qua đó, em hiểu hơn về truyền thông và ngoại giao văn hóa...”, Quỳnh Châu chia sẻ.
Nữ sinh cho biết, ấn tượng về chương trình học tại Hàn Quốc chính là cơ hội kết nối với bạn bè đến từ các quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Nga... và nội dung đa dạng các môn học. Châu được học cả lý thuyết lẫn kỹ năng chuyên ngành Media Communication.
“Thầy cô tận tâm hỗ trợ sinh viên hoàn thành bài thi, thuyết trình một cách tốt nhất, truyền cho chúng em nhiều cảm hứng để đào sâu lĩnh vực truyền thông phương tiện và văn hóa khu vực, thế giới. Em còn tham gia chương trình ngoại khóa do trường tổ chức để học hỏi ngôn ngữ. Vậy nên, em vừa được trau dồi tiếng Hàn miễn phí, vừa thực hiện giao tiếp trong đời sống thường nhật”, Quỳnh Châu kể lại.
Để đăng ký tham gia chương trình trao đổi, Châu xét hồ sơ gồm điểm trung bình các môn học (GPA) và chứng chỉ IELTS. Ngoài 7.0 IELTS, trong quá trình học tại Hàn Quốc, Châu tiếp tục tích lũy GPA với điểm số tuyệt đối 4.5.
Tương tự Quỳnh Châu, Nguyễn Hà Thu, 25 tuổi, cựu sinh viên Trường Đại học Hà Nội từng có những kỷ niệm “không thể nào quên” khi học trao đổi tại Đại học Ca’Foscari, thành phố Venice, Italy. Không chỉ thế, hơn 7 tháng học trao đổi đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực để Thu săn học bổng chương trình thạc sĩ và quay lại Italy năm 2022.
Hà Thu chia sẻ: “Tại Ca’Foscari, tôi được học nhiều ở thực tế, làm dự án với sinh viên đến từ các nơi trên thế giới và tham gia hội thảo do nhà trường tổ chức mời diễn giả nổi tiếng. Ngoài ra, tôi đã tích lũy thêm trải nghiệm sống, văn hóa, lịch sử châu Âu trong quá trình tự lập, học tập và du lịch”.
Một trong những điều Thu nhớ mãi là những ngày sống giữa “tâm dịch” khi Italy phong tỏa hồi đầu năm 2020. Thu sang Italy học từ cuối năm 2019 nên dịch xuất hiện, cô chuyển sang học trực tuyến. Thời gian học trao đổi vì thế cũng kéo dài hơn dự kiến.
“Tôi may mắn vì các thầy cô Trường Đại học Hà Nội và Đại học Ca’Foscari đều nhiệt tình, quan tâm đến du học sinh. Thầy cô ở Việt Nam lập nhóm chat, mỗi ngày đều nhắn tin hỏi thăm tình hình sức khỏe, cập nhật thông tin về dịch bệnh tại 2 nước và động viên chúng tôi giữ vững tinh thần. Việc học bị kéo dài, nhà trường đã cố gắng đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thủ tục, làm việc với Đại sứ quán để chúng tôi sớm trở về Việt Nam”, Hà Thu chia sẻ.
Theo Thu, chương trình trao đổi có chi phí tương đối phù hợp với sinh viên Việt Nam. Quá trình chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục không gặp khó khăn. Thông thường, các chương trình sẽ dành cho sinh viên năm thứ 2 và 3 nên từ năm nhất, sinh viên nên xác định mục tiêu để trau dồi vốn ngoại ngữ và điểm học tập tại trường. Thu bày tỏ hy vọng các trường đại học tăng thời gian học trao đổi để sinh viên có những trải nghiệm phong phú, dày dặn hơn.
Để thu hút người học
ThS Nguyễn Thị Nhài, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Hà Nội, cho hay, các chương trình liên kết đào tạo giữa nhà trường với đối tác nước ngoài hiện nay thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam và quốc tế theo học. Ngoài ra, trường có các chương trình đào tạo chỉ dành riêng cho sinh viên quốc tế như cử nhân Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, tiếng Việt cho người nước ngoài, thạc sĩ Ngôn ngữ Việt Nam... Sinh viên quốc tế tập trung đông nhất, chiếm khoảng 85%, tại Khoa Việt Nam học – khoa chuyên đào tạo sinh viên quốc tế; tiếp đến là các chuyên ngành đào tạo bằng tiếng Anh, ngôn ngữ nước ngoài.
Để quản lý sinh viên quốc tế, nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BGDĐT về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Nhà trường đã xây dựng và thực hiện Quy định về quản lý người nước ngoài học tập tại Trường Đại học Hà Nội theo QĐ 1897/QĐ-ĐHHN.
Nhà trường cũng ghi nhận những khó khăn của LHS khi học tập trong môi trường mới như quản lý thị thực; khám, chữa bệnh; lưu trữ thông tin... Từ đó, thầy cô khoa chuyên môn, phòng Hợp tác quốc tế và Ban giám hiệu tìm cách giúp các em tháo gỡ, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý và đào tạo sinh viên quốc tế.
Còn PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến, Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng ban Quản lý LHS, Trường Đại học Y Dược Thái Bình (Thái Bình), cho biết bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Việt Nam, trường được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Lào, Campuchia, Mô-dăm-bích, Hàn Quốc.
Để thu hút LHS, hàng năm, nhà trường đăng tải thông tin đào tạo LHS trên trang web chính thức, gửi Bộ GD&ĐT để báo cáo và gửi Đại sứ quán nước bạn tại Việt Nam, các trường dạy dự bị tiếng Việt như Trường Hữu nghị T78, Trường Hữu nghị T80...
Nhấn mạnh việc nâng cao và giữ vững chất lượng đào tạo là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút LHS, PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến chia sẻ, khi tiếp nhận LHS, nhà trường thực hiện các thủ tục nhanh gọn, tạo cảm giác gần gũi, thân thiết từ những ngày đầu nhập học. LHS sẽ học chung với sinh viên Việt Nam.
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của các cựu LHS Lào và Campuchia, nhà trường đã biên soạn cuốn “Từ vựng chuyên ngành Y” bằng ngôn ngữ Việt - Anh - Lào và Việt - Anh - Khơme để hỗ trợ học tập. Trường cũng tổ chức giảng dạy tiếng Việt nâng cao thay thế các môn ngoại ngữ cho LHS. Với một số môn như Giải phẫu học, tổ chức dạy riêng để LHS lĩnh hội tốt kiến thức cùng kỹ năng được học.
Trong công tác quản lý LHS, trường phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán các nước, các vụ, bộ liên quan giải quyết những vấn đề nảy sinh; hằng năm, tổ chức định hướng học tập, giáo dục chính trị đầu khóa. Trường cũng đã biên soạn “Sổ tay dành cho LHS” bên cạnh “Sổ tay dành cho sinh viên” nhằm phổ biến quy chế, quy định về quản lý LHS.
Hiện nay, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhà trường phát động Chương trình “Đôi bạn học tập” giữa LHS và sinh viên Việt Nam giúp nâng cao trình độ tiếng Việt và kiến thức cho LHS.
Theo Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, quốc tế hóa giáo dục đại học là nhiệm vụ trọng tâm, thu hút sinh viên quốc tế là giải pháp quan trọng. Không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để thực hiện quốc tế hóa giáo dục, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa luôn quan tâm, chăm lo cho đời sống LHS.
Năm học 2022 - 2023, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tiếp nhận 214 LHS Lào. Cô Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Quan hệ Quốc tế, cho hay, song song với hoạt động giáo dục, hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa và thu hút sinh viên trong nước lẫn quốc tế tham gia.
Ngoài các hoạt động ngoại khóa dành cho sinh viên nói chung, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên quốc tế như: Tìm hiểu về Tết cổ truyền Việt Nam, chào mừng Tết cổ truyền Bunpimay của Lào... Các hoạt động trên không chỉ góp phần giới thiệu văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam, mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của thầy cô, bạn bè nhà trường với LHS, giúp các em yên tâm học tập.
“Trao đổi học tập là cơ hội tốt mở mang hiểu biết và học hỏi, giao lưu văn hóa. Chương trình trao đổi không quá tốn kém như du học toàn phần, mà vẫn mang lại những giá trị bổ ích. Em mong nhiều sinh viên tự tin đăng ký tham gia trao đổi và bồi đắp những trải nghiệm đáng nhớ”. - Đinh Nguyễn Quỳnh Châu, sinh viên Học viện Ngoại giao