Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Hội tụ sức mạnh đại đoàn kết, lan tỏa ý thức tự tôn dân tộc

Đền Hùng hội mở, tiếng trống đồng vang dậy non thiêng Nghĩa Lĩnh đón đồng bào khắp nơi về trẩy hội, thực hành tín ngưỡng thờ Tổ linh thiêng, độc đáo và có tầm ảnh hưởng sâu, rộng bậc nhất ở nước ta hiện nay. Hành trình về Đất Tổ Hùng Vương, tri ân công đức tiền nhân cũng là hành trình hội tụ niềm xác tín tâm linh để lan tỏa trong mỗi con Lạc, cháu Hồng sức mạnh tình đoàn kết đồng bào, thiết tha yêu nước, tự hào về cội nguồn dân tộc...

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 06/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trung tâm Lễ hội Đền Hùng

Trung tâm Lễ hội Đền Hùng

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các vua Hùng mở mang, bồi đắp, xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Kinh Dương vương là con của Đế Minh (cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông thị) là bậc thánh trí thông minh và được Đế Minh phong làm vương để trị đất phương Nam (nước Xích Quỷ). Kinh Dương vương lấy con gái Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra trăm con (tục truyền sinh ra trăm trứng) và được xem là thủy tổ của Bách Việt. Sau bởi “thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”, bèn chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về miền Nam Hải và phong con trưởng làm Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đóng đô ở Châu Phong, đặt quốc hiệu là nước Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, đặt chư hầu để làm phên dậu, ngôi vua đời đời cha truyền con nối. Tri ân công đức tổ tiên, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng ngàn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua thời gian, phong tục này đã trở thành Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Hùng Vương. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng của tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt tình đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc, các vua Hùng là những người có công dựng nước. Nghĩa “đồng bào”, dòng giống “con Lạc, cháu Hồng”, nguồn gốc “cha Rồng, mẹ Tiên” đã bồi đắp, tích tụ thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, luôn tương thân tương ái, chung sức đồng lòng bảo vệ, xây dựng non sông gấm vóc được trao truyền từ tổ tiên...

Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh

Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cổ nhân từng dạy, “vật gốc ở trời, người gốc ở tổ”; “đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, khởi đầu từ thời đại các vua Hùng cũng chính là “nguồn sâu”, nền móng vững chắc cho sự trường tồn của dân tộc. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng thực hành lễ nghi, tu bổ, tôn tạo đền miếu thờ cúng.

Truyền thống, di sản quý báu của ông cha đã được tiếp nối, trao truyền. Để khắp bốn phương trời, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người mang dòng máu Việt lại cùng nhau hành hương hoặc thành tâm hướng về Đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên để sâu thẳm trong tâm khảm nhân lên lòng tự hào rằng dân tộc ta có nguồn cội, lịch sử văn hóa từ lâu đời. Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước - cả nước hướng về Đền Hùng. Truyền thống lịch sử của cha ông tạo nền móng vững chắc, động lực nhân lên sức mạnh, niềm tin để dân tộc Việt phát triển hùng cường, trường tồn cùng thời gian./.

Hoàng Việt

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-hoi-tu-suc-manh-dai-doan-ket-lan-toa-y-thuc-tu-ton-dan-toc-a154164.html