Tin thế giới 15/12: Donetsk rung chuyển vì đợt tấn công lớn, Trung Quốc sẽ đáp trả Anh
Tướng Ukraine nêu ý định của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nêu cơ chế ba bên về Syria, Iran chỉ trích Mỹ gây áp lực tại tổ chức quốc tế… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga tiếp tục cảnh báo Mỹ về việc gửi Patriot cho Ukraine: Ngày 15/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow đã khuyến nghị Washington có “kết luận đúng đắn” về viện trợ quân sự cho Kiev. Theo đó trang thiết bị, vũ khí do chính quyền Mỹ cung cấp, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot, sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho quân Nga tấn công.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow vẫn quyết định xem có nên sửa chữa các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc dưới biển vốn bị hư hại do vụ nổ hồi tháng 9 hay không. Ông cũng nêu rõ, hiện chưa có quyết định nào về bắt đầu xuất khẩu khí đốt qua phần nguyên vẹn của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2. Hiện Nga chưa có thông tin về kết quả cuộc điều tra do Thụy Điển và Đan Mạch tiến hành liên quan đến các vụ nổ đường ống trên. Theo Moscow, những vụ nổ nêu trên là hành động phá hoại của phương Tây. (Reuters)
* Nga: Ukraine thực hiện tấn công quy mô lớn vào Donetsk: Ngày 15/12, viết trên Telegram, Thị trưởng chính quyền Donetsk do Nga hậu thuẫn cho biết: “Vào đúng 7h sáng 15/12, trung tâm Donetsk hứng chịu cuộc tấn công lớn nhất kể từ năm 2014. Có 40 tên lửa từ bệ phóng tên lửa BM-21 Grad đã được bắn vào thành phố này”. (Reuters)
* Nga muốn đối đầu quân sự lâu dài ở Ukraine: Ngày 15/12, phát biểu tại họp báo, Chuẩn tướng Ukraine Oleksiy Gromov cho rằng Nga đang muốn biến xung đột ở Ukraine thành cuộc đối đầu quân sự lâu dài và đang huấn luyện sư đoàn mới trên lãnh thổ của láng giềng Belarus. Tuy nhiên, theo ông, Nga ít có khả năng phát động một chiến dịch quân sự từ lãnh thổ Belarus. Tướng Ukraine cũng loại bỏ khả năng đạt thỏa thuận ngừng bắn với Nga dịp Năm mới. (Reuters)
Đông Nam Á
* Campuchia: ASEAN-EU sẽ hợp tác chặt chẽ để bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ: Ngày 15/12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen dự và phát biểu trong Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels (Bỉ).
Nhận định chủ nghĩa đa phương đang chịu sức ép lớn, ông nhấn mạnh: “Đáng ngại hơn, hòa bình toàn cầu cũng bị đe dọa bởi hành động của một số nước công khai vi phạm luật pháp, chuẩn mực và nguyên tắc được quốc tế công nhận.... Trên chặng đường phía trước, tôi tin rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ hợp tác chặt chẽ, bảo đảm trật tự quốc tế dựa trên thượng tôn pháp luật, cởi mở, minh bạch và cùng có lợi”.
Đồng thời, Thủ tướng Hun Sen cho biết ASEAN và EU sẽ dốc sức bảo vệ và thúc đẩy thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc. (Tân Hoa xã)
Đông Bắc Á
* Hàn Quốc kêu gọi IAEA ủng hộ phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Ngày 15/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol tiếp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đang có chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.
Trong cuộc gặp tại Phủ Tổng thống ở Seoul, ông Yoon Suk Yeol bày tỏ quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời đề nghị IAEA tham gia tiến trình phi hạt nhân hóa quốc gia Đông Bắc Á này thông qua chính sách tăng cường giám sát và sẵn sàng thanh tra các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Về phần mình, ông Grossi nhấn mạnh IAEA sẽ nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên và bảo đảm mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Hàn Quốc từ ngày 14/12, ông Grossi cũng sẽ hội đàm với các quan chức nước chủ nhà về một loạt vấn đề, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên đến kế hoạch của Nhật Bản về xả nước phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương trong mùa Xuân tới. (Yonhap)
Trung Á
* Nhật Bản sắp họp cấp Bộ trưởng với các nước Trung Á: Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đối thoại “Trung Á + Nhật Bản” lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Tokyo ngày 24/12. Thông báo nêu rõ: “Tại cuộc họp có sự tham dự của các bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á, cuộc thảo luận về phát triển bền vững trong khu vực sẽ được tổ chức giữa Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa và ngoại trưởng các nước Trung Á, vốn là những đối tác duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền trong bối cảnh quốc tế khắc nghiệt hiện nay”. Ngoài ra, hai bên còn có kế hoạch thảo luận về các biện pháp trước xung đột Nga-Ukraine, tình hình an ninh tại Afghanistan và các vấn đề quốc tế cùng quan tâm khác. (Kyodo)
* Nga nêu quan điểm về hành lang Lachin: Ngày 15/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã nêu quan ngại về việc phong tỏa Hành lang Lachin nối Armenia với vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, bày tỏ hy vọng hành lang sẽ sớm được khơi thông.
Lachin là tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan giữa Armenia và khu vực Nagorno-Karabakh. Armenia đã cáo buộc Azerbaijan phong tỏa tuyến đường này, trong khi Baku phủ nhận. (Reuters)
Nam Á-Nam Thái Bình Dương
* Ấn Độ và Sri Lanka thảo luận về hợp tác quốc phòng: Ngày 14/12, Tư lệnh hải quân Ấn Độ (CNS), Đô đốc Radhakrishnan Hari Kumar đã gặp Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe và Thủ tướng Dinesh Gunawardena tại thủ đô Colombo để thảo luận về tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.
Viết trên Twitter, Phái bộ Ấn Độ tại Sri Lanka nêu rõ: “Trong chuyến thăm Tổng thống (Sri Lanka) Ranil Wickremesinghe, Tư lệnh CNS đã tập trung thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng đồng thời củng cố quan hệ song phương. Vai trò của Sri Lanka trong việc điều Hội nghị an ninh Colombo hướng tới bảo đảm hòa bình và an ninh trong khu vực đã được ghi nhận”.
Thông tin trên cho biết trong cuộc gặp Thủ tướng Gunawardena, “hai bên đã thảo luận về tầm quan trọng của mối quan hệ quốc phòng bền chặt giữa hai bên và các phương tiện nhằm tăng cường hơn nữa mối liên kết hiện có giữa các lực lượng vũ trang hai nước”.
Hiện Đô đốc Hải quân Ấn Độ Hari Kumar đang có chuyến thăm chính thức Sri Lanka kéo dài 4 ngày từ ngày 12/12, theo lời mời của Phó Đô đốc Nishantha Ulugetenne, Tư lệnh Hải quân Sri Lanka. (TTXVN)
Châu Âu
* EU bất đồng về gói trừng phạt thứ 9 với Nga: Một nhà ngoại giao EU cho hay, các nước thành viên đã tiến gần hơn đến một thỏa thuận về vấn đề này trong ngày 14/12, nhưng Ba Lan và một số quốc gia khác vẫn phản đối. Dự kiến một dự thảo mới sẽ được đưa ra vào tối 15/12, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của khối trong năm 2022 trong cùng ngày.
Có ý kiến cho rằng các hạn chế của EU làm dấy lên nguy cơ an ninh lương thực đối với các nước đang phát triển. Trong khi đó, những người khác lại lập luận rằng việc nới lỏng chúng sẽ cho phép các tỷ phú Nga sở hữu các doanh nghiệp phân bón tránh được các lệnh trừng phạt của EU đối với họ.
Nguồn tin trên cũng cho biết Ba Lan và các quốc gia Baltic cảnh báo các nước khác rằng họ “đang tự lừa dối” nếu tin tưởng việc nới lỏng hạn chế liên quan phân bón sẽ không bị lạm dụng bị giới tỷ phú của Nga lợi dụng. (Reuters)
* Thủ tướng Đan Mạch công bố danh sách nội các mới: Ngày 15/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã giới thiệu nội các mới. Theo đó, người tiền nhiệm của bà, lãnh đạo đảng Ôn hòa Lars Lokke Rasmussen đã được bổ nhiệm vị trí Ngoại trưởng.
Lãnh đạo phe đối lập Jakob Ellemann-Jensen thuộc đảng Tự do sẽ trở thành Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, còn ông Nicolai Wammen của đảng Dân chủ Xã hội sẽ làm Bộ trưởng Tài chính. (Reuters)
* Trung Quốc sẽ đáp trả cứng rắn vụ Manchester: Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả cứng rắn sau khi cáo buộc Anh không bảo vệ nhân viên Trung Quốc tại lãnh sự quán của Bắc Kinh ở Manchester trong thời gian xảy ra biểu tình vào tháng 10.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Vương quốc Anh... ngừng thao túng chính trị và bảo đảm hoạt động bình thường của tổng lãnh sự quán của chúng tôi tại nước này”.
Hiện cảnh sát Anh đang điều tra cáo buộc hành hung một người biểu tình. Theo đó, người này đã bị một vài người đàn ông kéo vào trong khuôn viên lãnh sự quán Trung Quốc đánh đập sau khi tham gia một cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh. Cảnh sát xứ sở sương mù cũng muốn thẩm vấn sáu quan chức tại phái bộ ngoại giao này, bao gồm cả tổng lãnh sự, nhưng sau đó Trung Quốc đã đưa họ rời khỏi Anh. (Reuters)
Châu Mỹ
* Liên hợp quốc tiếp tục tài trợ cho công cuộc tái thiết hòa bình tại Colombia: Thông báo của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 14/12 cho biết Quỹ tài trợ đa quốc gia của tổ chức này sẽ dành khoản quyên góp 55 triệu USD để hỗ trợ tái thiết hòa bình ở Colombia năm 2023. Khoản hỗ trợ này sẽ tập trung hỗ trợ cho các chương trình cải cách nông thôn, cũng như những người chịu ảnh hưởng của xung đột.
Phát biểu ngày 14/12, điều phối viên của LHQ tại Colombia, bà Mireia Villar Forner nhấn mạnh: “Từ LHQ và với sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, chúng tôi cam kết hỗ trợ người dân Colombia trên con đường hướng tới hòa binh”. Trong khi đó, Ủy viên cấp cao về hòa bình của Colombia, ông Danilo Rueda cũng cho biết các nguồn lực tài chính sẽ được đầu tư một cách hiệu quả và minh bạch.
Được thành lập năm 2016, quỹ tài trợ đa quốc gia nói trên nhằm mục đích hỗ trợ thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC). Tính đến nay, quỹ này đã đầu tư 181 triệu USD cho các nỗ lực tái thiết hòa bình tại Colombia. Trong số các quốc gia ủng hộ tài chính cho quỹ này có Na Uy, Chile, Hàn Quốc và Anh.
Ngoài ra, ngân sách của Colombia cho năm 2023 hiện dự kiến ở mức 405.600 tỷ Peso (84,6 tỷ USD), cũng sẽ được sử dụng tập trung vào các dự án xã hội hướng tới thiết lập hòa bình tại nước này.
Sau khi nhậm chức và trở thành Tổng thống cánh tả đầu tiên của Colombia hồi tháng 8, ông Gustavo Petro cam kết sẽ thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình năm 2016 nhằm chấm dứt xung đột kéo dài 6 thập kỷ với FARC, đồng thời xúc tiến đàm phán hòa bình với nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN). (TTXVN)
Trung Đông-châu Phi
* Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đề xuất cơ chế ba bên với Nga, Syria: Ngày 15/12, đài Haberturk (Thổ Nhĩ Kỳ) dẫn phát biểu của Tổng thống Tayyip Erdogan sau chuyến công du Turkmenistan nêu rõ ông đã đề nghị người đồng cấp Nga Vladimir Putin khởi xướng các cuộc gặp giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng lâu nay giữa Ankara với Damascus.
Ông Erdogan nói: “Trước tiên là các cơ quan tình báo, tiếp đến là các bộ trưởng quốc phòng, và sau đó là các bộ trưởng ngoại giao (của ba nước) có thể gặp nhau. Sau những cuộc họp này, chúng tôi với tư cách là các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau. Tôi đã đề nghị với ông Putin và ông ấy thể hiện quan điểm tích cực về điều đó”. (Reuters)
* Tehran nói Mỹ dàn xếp để loại Iran khỏi tổ chức quốc tế: Ngày 15/12, Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc Mỹ cố tình dàn xếp để loại Iran khỏi Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc (CSW) nhiệm kỳ 2022-2026. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani nêu rõ: “Hành động một phía của Mỹ… là nhằm áp đặt các yêu sách chính trị đơn phương và bỏ qua các thủ tục bầu bán trong các tổ chức quốc tế…, đồng thời tạo tiền lệ đơn phương cho việc lạm dụng các tổ chức quốc tế trong tương lai”.
Trước đó, Hội đồng Kinh tế-Xã hội của LHQ (ECOSOC) gồm 54 thành viên đã thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo với nội dung “loại ngay lập tức Iran ra khỏi Ủy ban Địa vị Phụ nữ của LHQ (CSW) nhiệm kỳ 2022-2026”, với 29 phiếu ủng hộ, 8 phiếu chống và 16 phiếu trắng. CSW là ủy ban với sự góp mặt của 45 thành viên, với mục tiêu hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Đây là lần đầu tiên một nước bị loại như vậy thông qua bỏ phiếu tại LHQ.
Phát biểu về nghị quyết này, Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield cho rằng việc Iran tham gia CSW “là một vết nhơ đối với uy tín của ủy ban này”, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đoàn kết ủng hộ “phụ nữ, cuộc sống, tự do” - khẩu hiệu chính của các cuộc biểu tình tại Iran trong nhiều tháng qua. (TTXVN)