Tin thế giới 25/9: Ukraine 'tiêu diệt' chỉ huy Hạm đội Biển Đen, Nga lo ngại về tình hình ở quốc gia này
Budapest ra điều kiện để ủng hộ Kiev, diễn biến mới ở Nagorno-Karabakh… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga bắn hạ máy bay Mi-8, đánh chặn tên lửa ở DPR: Ngày 21/9, Bộ Quốc phòng nước này nêu rõ: “Các hệ thống phòng không gần khu định cư Kleshcheyevka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng đã bắn hạ trực thăng Mi-8 của Không quân Ukraine”. Hệ thống phòng không Nga cũng đánh chặn 3 tên lửa chống radar Tên lửa tốc độ cao chống bức xạ (HARM) cùng với 8 tên lửa từ hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Ngoài ra, Các lực lượng vũ trang Nga (VS RF) hạ 15 máy bay không người lái (UAV) tại Samoilovka, Lyubimovka ở Nga; Gorlovka và Stepnoye ở DPR; Kuzemovka ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng, Chervonohirka, Lyubimovka và Ocheretovatoye ở Zaporizhzhia và Kazachy Lagerya tại Kherson. (TASS)
* Ukraine tuyên bố tiêu diệt Chỉ huy hạm đội Biển Đen: Ngày 25/9, viết trên mạng xã hội, Lực lượng đặc nhiệm của Ukraine cho hay: “34 sĩ quan đã thiệt mạng, trong đó có Chỉ huy hạm đội Biển Đen. 105 người khác bị thương. Trụ sở chính của hải quân Nga không thể sửa chữa được nữa”. Trước đó, quân đội Ukraine đã tập kích trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea bằng tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow và Scalp, khiến Moscow "không thể chống đỡ”.
Cùng ngày, Không quân Ukraine cho biết, các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 11/12 tên lửa hành trình và toàn bộ 19 UAV Shahed Nga triển khai đêm qua. Nga cũng đã tấn công bằng hai tên lửa chống hạm.
Trong khi đó, Thống đốc tỉnh Kursk (Nga), ông Roman Starovoyt, cho biết tại thành phố cùng tên, các đợt tấn công sử dụng UAV của Ukraine đã gây hư hại một số căn hộ gia đình, mái của một tòa nhà hành chính đã bị hư hại, gây cỡ kính của một tòa chung cư, song không xảy ra thương vong. Trong 24 giờ qua, tỉnh Kursk và thành phố Kursk đã hứng chịu ít nhất 4 cuộc tấn công bằng UAV.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo phòng không nước này đã phá hủy 4 UAV Ukraine ở Tây Bắc Biển Đen và bán đảo Crimea. (AFP/Reuters/TTXVN)
* Hungary ra điều kiện ủng hộ Ukraine trong các vấn đề quốc tế: Ngày 25/9, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết nước này sẽ không ủng hộ Ukraine trong bất kỳ vấn đề quốc tế nào, chừng nào “Ukraine không khôi phục các quyền trước đây của người Hungary trên lãnh thổ nước này”.
Trước đây, Hungary đã mâu thuẫn với Ukraine về những gì Budapest cho là hạn chế quyền của khoảng 150.000 người dân tộc thiểu số nước này sử dụng tiếng mẹ đẻ, đặc biệt trong giáo dục. Cáo buộc này được đưa ra sau khi năm 2017, Ukraine thông qua luật hạn chế việc sử dụng ngôn ngữ thiểu số ở các trường học. (Reuters)
* Mỹ hỗ trợ nửa tỷ USD để Ukraine khôi phục hệ thống năng lượng: Ngày 24/9, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cho biết Ukraine và Mỹ đã ký một bản ghi nhớ (MoU). Theo đó sẽ nhận được 422 triệu USD tiền hỗ trợ ngành năng lượng và 100 triệu USD nữa để thực hiện một số biện pháp nhất định bao gồm cải cách.
Một trong những mục đích chính của MoU này là giúp Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng quan trọng sau các cuộc không kích của Nga vào các nhà máy điện và máy biến thế khiến hàng triệu người mất điện vào mùa Đông năm ngoái. MoU này cũng nhằm mục đích giúp Ukraine hướng tới cải cách ngành năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng sau xung đột với Nga. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm Mỹ tuần vừa qua. (Reuters)
Đông Nam Á
* Indonesia kêu gọi LHQ ủng hộ vấn đề Palestine: Ngày 25/9, phát biểu tại kỳ họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh sự ủng hộ nhất quán đối với quy chế nhà nước của Palestine, phù hợp với nhiều thông số khác nhau đã được thống nhất.
Bà khẳng định: “Những thông số đó đã được thống nhất tại LHQ, vì vậy tôi đã hỏi các thành viên LHQ về cách chúng tôi thực hiện các nghị quyết hiện có”. Đồng thời, Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh Indonesia tiếp tục lên tiếng ủng hộ Palestine trên các diễn đàn của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Bà nêu rõ: “Tôi khuyến khích OIC và các nước thành viên tiếp tục hỗ trợ Palestine”.
Vấn đề Palestine là một trong các vấn đề được nhấn mạnh nhất tại Đại hội đồng LHQ năm nay, sau kế hoạch bình thường hóa Israel-Saudi Arabia. (TTXVN)
Nam Á
* Thủ tướng Modi đánh giá cao Hành lang Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu: Ngày 24/9, phát biểu trong chương trình phát sóng hàng tháng mang tên Mann ki Baat (Vấn đề đáng suy ngẫm) Thủ tướng Narendra Modi đã nhắc tới Con đường tơ lụa. Đây là một hành lang thương mại cổ xưa được Ấn Độ sử dụng khi nước này còn là một cường quốc thương mại thịnh vượng và lớn mạnh.
Ông cho biết New Delhi đã đề xuất mô hình hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây. Nhà lãnh đạo này khẳng định sáng kiến sẽ trở thành nền tảng của thương mại thế giới trong hàng trăm năm tới. Lịch sử sẽ ghi nhớ rằng hành lang này khởi nguồn từ Ấn Độ. (TTXVN)
Trung Á
* Lãnh đạo vùng Karabakh lên tiếng, Nga Thổ Nhĩ Kỳ có động thái mới: Ngày 25/9, lãnh đạo người Armenia tại khu vực ly khai Nagorno-Karabakh tuyên bố tất cả những người muốn đến Armenia đều sẽ có cơ hội. Cộng hòa Artsakh tự xưng cho hay đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên các con đường từ Karabakh tới Armenia. Đồng thời, cơ quan chức năng tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí nhiên liệu cho những người muốn rời đi. Trước đó, lãnh đạo khu vực này cho biết 120.000 người gốc Armenia tại đây có ý định di tản đến Armenia.
TASS (Nga) dẫn số liệu của Yerevan cho hay tính đến 5 giờ sáng (giờ địa phương), đã có hơn 2.900 người từ vùng Nagorno-Karabakh vượt biên sang Armenia.
Về phần mình, Điện Kremlin đã bác bỏ hoàn toàn chỉ trích với lực lượng gìn giữ hòa bình của mình ở Nagorno-Karabakh, sau khi Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Moscow không ngăn cản tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan tuần trước. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với nỗ lực đổ trách nhiệm lên phía Nga hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, những người đang thể hiện chủ nghĩa anh hùng thực sự khi thực hiện chức năng của mình... Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận những cáo buộc rằng họ đang làm điều gì đó sai trái”.
Trong khi đó, theo video được phát trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 25/9 đã đến dải Nakhichevan tại Azerbaijan, khu vực tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, để gặp người đồng cấp chủ nhà Ilham Aliyev.
Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm này nhằm chính thức khởi công công trình xây dựng một đường ống dẫn khí đốt. Tuy nhiên, hai Tổng thống được cho là sẽ thảo luận về Nagorno-Karabakh, cũng như mở cửa hành lang Zangezur của Armenia cho người Azerbaijan. Quá trình sáp nhập hành lang Zangezur dọc biên giới với Iran sẽ cho phép Azerbaijan thiết lập sự liền mạch lãnh thổ đến tận Nakhichevan và xa hơn nữa tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm của ông Erdogan cũng diễn ra sau khi Azerbaijan phát động chiến dịch tấn công chóng vánh vào Nagorno-Karabakh, trái ngược hoàn toàn việc Nga rõ ràng rút khỏi khu vực này.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) thông báo, Brussels sẽ tiếp đón các Đặc phái viên cấp cao của hai nước Azerbaijan và Armenia vào ngày 26/9. Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết, ông Simon Mordue, Cố vấn ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch EC, sẽ chủ trì cuộc đàm phán có sự tham dự của Cố vấn an ninh quốc gia Azerbaijan và Armenia cùng đại diện Pháp và Đức. Đại diện đặc biệt của EU tại Nam Caucasus, nhà ngoại giao người Estonia Toivo Klaar, cũng sẽ tham dự cuộc gặp này.
Cuộc họp ngày 26/9 sẽ là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau chiến dịch của Azerbaijan. Song theo lịch trình, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev có thể gặp gỡ khi cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu ở Granada, Tây Ban Nha ngày 5/10. (AFP/Reuters)
Châu Âu
* Nga đồng loạt phóng thử tên lửa ở 4 môi trường khác nhau: Ngày 25/9, bộ phận hỗ trợ thông tin Hạm đội Thái Bình Dương cho biết lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Nga, Moscow đã cùng lúc phóng thử tên lửa trên không, trên biển, trên bộ và dưới nước trong cuộc tập trận Finval-2023. Sự kiện này nhằm bảo vệ sự thông suốt của tuyến đường biển phía Bắc (tuyến hàng hải Bắc Băng Dương).
Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Evmenov, cuộc tập trận diễn ra ở vùng biển Chukchi và Bering, cũng như trên bán đảo Chukotka. Khoảng 10.000 quân nhân và hơn 50 thiết bị quân sự đã góp mặt, bao gồm cả tàu mặt nước và tàu hỗ trợ, tàu ngầm, máy bay của hải quân, trực thăng, hệ thống tên lửa bờ biển “Bal” và “Bastion” cũng như phương tiện bọc thép địa hình bánh hơi và bánh xích. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố kết thúc cuộc tập trận.
Bộ Quốc phòng Nga lưu ý cuộc tập trận mang tính chất phòng thủ, tăng cường công tác huấn luyện lực lượng và quân đội ở biên giới Đông Bắc. (Sputnik)
* Nga lo ngại về tình hình ở Kosovo: Ngày 25/9, phát biểu với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định: “Tình hình ở đó (Kosovo) rất căng thẳng và có khả năng nguy hiểm... Thực tế những hành động khiêu khích thường được tổ chức nhằm vào người Serbia không phải là điều bí mật đối với bất kỳ ai”. Theo ông, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình căng thẳng ở Kosovo.
Trước đó, đối đầu đã nổ ra tại tu viện gần biên giới với Serbia. Đây là một trong các vụ leo thang nghiêm trọng nhất ở Kosovo nhiều năm qua, sau căng thẳng gia tăng và đàm phán đình trệ giữa Kosovo và Serbia. (AFP/Reuters)
Châu Mỹ
* Đại sứ quán Cuba tại Mỹ bị tấn công: Ngày 25/9, viết trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla cho biết: “Chiều tối 24/9, Đại sứ quán Cuba tại Mỹ là mục tiêu tấn công khủng bố của một đối tượng, kẻ đã ném hai bom xăng vào tòa nhà sứ quán. Các nhân viên không bị tổn hại. Vụ việc đang được làm rõ”. Đây là vụ tấn công thứ hai vào Đại sứ quán Cuba tại Washington từ năm 2020, khi một kẻ dùng súng trường bắn vào cơ quan ngoại giao này. Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil đã lên án vụ tấn công. (Sputnik)
Trung Đông-Châu Phi
* Iran chặn đứng âm mưu khủng bố ở thủ đô: Ngày 24/9, Bộ Tình báo Iran cho biết cơ quan này đã chặn đứng một âm mưu khủng bố nhằm vào nhiều địa điểm tập trung đông người ở thủ đô Tehran và bắt giữ 28 đối tượng tình nghi.
Trong một thông cáo đăng tải trên trang web riêng, bộ trên cho biết 30 vụ nổ đồng thời đã được lên kế hoạch nhằm mục đích phá hoại an ninh quốc gia, gây ra nỗi sợ hãi trong dân chúng và gây bất ổn đánh dấu thời điểm diễn ra các cuộc bạo loạn vào mùa Thu năm ngoái. Thông cáo xác nhận: “Các lực lượng tình báo đã tấn công nơi ẩn náu và căn cứ của bọn khủng bố ở các tỉnh Tehran, Alborz và Tây Azarbaijan, đồng thời bắt giữ tất cả thành viên của mạng lưới khủng bố này”.
Thông cáo nhấn mạnh, những người bị bắt có liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với một số có liên hệ với những gì Iran tuyên bố là “kẻ khủng bố Takfiri” ở Syria, hoặc có hồ sơ du lịch tới Afghanistan, Pakistan và người Kurd ở Iraq.
Thông cáo liệt kê một số thiết bị và dụng cụ bị thu giữ như lượng lớn chất nổ, bom, vật liệu chế tạo chúng, 100 ngòi nổ, công cụ điện tử và thiết bị chế tạo bom hẹn giờ, 17 khẩu súng ngắn của Mỹ cùng với đạn, thiết bị liên lạc thông minh, thiết bị vệ tinh, trang phục quân sự, áo vest tự sát và tiền ngoại tệ. (Tân hoa xã)