Tin thế giới 30/3: Nga ấm ức về sự xúc phạm chưa từng có; Đại sứ Mỹ sắp sang Đài Loan; Trung Quốc 'duyệt' thay đổi liên quan Hong Kong; Bố già sa lưới

Quan hệ Nga-Ukraine, Nga-Mỹ, vấn đề Hong Kong, Đài Loan, 'bóng hồng' Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc, tình hình Myanmar, ứng phó các đại dịch, 'bố già' Mafia ở Ý bị bắt... là một số sự kiện quốc tế nổi bật.

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày:

Nga-Mỹ: Moscow 'ấm ức' vì sự xúc phạm chưa từng có của Tổng thống Mỹ

Ngày 30/3, Người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin xem những chỉ trích mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm vào Tổng thống Nga Putin là sự xúc phạm đối với một nguyên thủ quốc gia chứ không phải đối với cá nhân ông Putin.

Theo ông Peskov, chỉ trích này là "tuyên bố gửi đến một nguyên thủ quốc gia. Đây đương nhiên là câu nói xúc phạm, tuyệt đối chưa từng có. Nhưng đáp lại, Tổng thống Nga đã chúc sức khỏe ông Biden, lời chúc mà theo tôi là khá chân thành”.

Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh, điều quan trọng lúc này là không để mối quan hệ song phương ngày càng xuống dốc, chúng cần được hồi sinh, tuy nhiên, lời đề nghị đối thoại của Nga vẫn chưa được Mỹ đáp lại. (TASS)

Nga-Ukraine

Điện Kremlin đổ lỗi cho Kiev về xung đột gia tăng tại Ukraine

Ngày 30/3, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov đã đổ lỗi cho Kiev không thực hiện được các thỏa thuận hòa bình tại miền Đông Ukraine.

“Với định dạng Normandy - gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức - mọi chuyện rất tệ. Có thể nói rằng dưới thời Tổng thống Zelensky, chưa hề đạt được tiến triển nào trong việc thực hiện cả gói biện pháp Minsk cũng như các thỏa thuận đạt được sau đó tại Paris”, ông Peskov chỉ trích.

Trước đó, ngày 29/3, Nhà Trắng thông báo, trong cuộc điện đàm với người đứng đầu Văn phòng Chính phủ Ukraine Andriy Yermak, Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Âu này là không thay đổi khi Kiev đối mặt với “hành vi xâm lược liên tục” - một sự ám chỉ tới Nga. (AFP, White House)

Nga phạt tù đối tượng bị cáo buộc làm gián điệp cho Ukraine

Tòa án ở Bán đảo Crimea do Nga kiểm soát đã tuyên án án 12 năm tù giam đối với một phụ nữ vì tội phản quốc tại một phiên tòa xét xử kín.

Người phụ nữ trên, được xác định là công dân hưu trí “D.”, đã bị kết tội làm gián điệp, thu thập thông tin về một trung đoàn không quân thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại Crimea cho tình báo quân đội Ukraine.

Phiên tòa được xét xử kín do các tài liệu liên quan đến vụ án được xác định là thông tin mật. Hiện chưa rõ về khả năng kháng cáo của bị can. (The Moscow Times)

Trung Quốc thông qua các sửa đổi trong phụ lục Luật Cơ bản Hong Kong

Ngày 30/3, sau 2 ngày nhóm họp, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua việc sửa đổi Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong, tức kế hoạch cải cách chế độ bầu cử ở đặc khu này với số phiếu tuyệt đối.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai phụ lục này liên quan đến cách thức lựa chọn Trưởng Khu hành chính đặc biệt và thành lập Hội đồng Lập pháp Hong Kong, cũng như các thủ tục bỏ phiếu của Hội đồng này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh ban hành để các biện pháp cải cách bầu cử ở Hong Kong chính thức có hiệu lực từ ngày 31/3.

Ngay lập tức, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã ra một tuyên bố ủng hộ nhiệt tình động thái trên, đồng thời khẳng định, bà và các quan chức đứng đầu Hong Kong sẽ nỗ lực hết mình để sửa đổi luật bầu cử địa phương liên quan phù hợp với Phụ lục I và II mới được sửa đổi. (THX)

Đại sứ Mỹ chuẩn bị sang Đài Loan

Mỹ đã cử đại sứ nước này tại Palau tham gia chuyến thăm của Tổng thống Palau Surangel Whipps tới Đài Loan trong tuần này. Đây là chuyến thăm hiếm thấy của một quan chức ngoại giao đương chức Mỹ tới Đài Loan. (AFP, AP)

Vấn đề Triều Tiên

Bị bóng hồng Triều Tiên chỉ trích, Hàn Quốc nói "đáng tiếc"

Ngày 30/3, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã chính thức bày tỏ lấy làm tiếc trước những lời chỉ trích thẳng thừng của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong đối với Tổng thống Moon Jae-in.

Một quan chức Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, "Triều Tiên nên thể hiện ý chí đối thoại".

Trước đó, bà Kim Yo-jong đã lên tiếng chỉ trích bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng, cho rằng, những ý kiến của ông gây ra tác dụng ngược và phản ánh “lô-gíc kẻ cướp” của Mỹ. (Yonhap)

Thủ tướng Nhật Bản sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên

Ngày 30/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu cho biết, Thủ tướng nước này Suga Yoshihide vẫn sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sau khi Nhà Trắng loại trừ cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tương lai gần.

Tuyên bố của ông Kato dường như phản ánh hy vọng của Tokyo về sự tiến triển trong nỗ lực bảo đảm sự trở về của các công dân Nhật Bản bị các điệp viên Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980, nhưng có thể được coi là một bước đi xa rời Washington. (Kyodo)

Mỹ không nao núng hợp tác với Hàn, Nhật dù Triều Tiên thử tên lửa

Ngày 29/3 (giờ Washington), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định: "Những gì chúng ta đang thấy từ các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng không ảnh hưởng đến quyết tâm của 3 nước chúng ta, cùng với các đồng minh và đối tác trên khắp thế giới, nhằm tiếp cận Triều Tiên với một quan điểm mạnh mẽ, qua đó giảm bớt mối đe dọa mà nước này gây ra trong khu vực và hơn thế nữa".

Ông Blinken nhấn mạnh, Mỹ và 2 đồng minh châu Á nhất trí chống lại những hành động khiêu khích như vậy và khẳng định cam kết chung trong việc đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. (Yonhap)

Mỹ-Nhật ấn định thời gian cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới

Ngày 30/3, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, nước này và Mỹ đang thu xếp để Thủ tướng Suga Yoshihide và Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp thượng đỉnh tại Washington vào ngày 9/4 tới.

Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Biden gặp trực tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 năm nay. (Kyodo)

Hàn Quốc-Nhật Bản: Seoul "lên án mạnh mẽ" Tokyo liên quan quần đảo tranh chấp

Ngày 3/0/3, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, nước này "lên án mạnh mẽ" việc chính phủ Nhật Bản cho phép xuất bản sách giáo khoa trung học trong đó tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima ở cực Đông nước này.

Trước đó, một ủy ban kiểm duyệt sách giáo khoa thuộc Bộ Giáo dục Nhật Bản đã phê duyệt bộ sách giáo khoa cho học sinh trung học đầu cấp, trong đó có 30 cuốn các môn xã hội, như lịch sử và địa lý đều có những chi tiết về quần đảo Dokdo/Takeshima.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc động thái trên. (Yonhap)

Nhật Bản-Indonesia thúc đẩy hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Sáng 30/3, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cùng Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (Đối thoại 2+2).

Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng Suga cho biết, Nhật Bản mong muốn thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể để hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các động thái trên biển gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc thực thi Luật Hải cảnh mới, cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu tuần tra của nước này.

Hai bên đã bày tỏ sự nhất trí cao khi đánh giá tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN thời gian tới. (The Japan Times)

Tình hình Myanmar: Philippines, Thái Lan tiếp tục lên tiếng, Mỹ đình chỉ hoạt động thương mại

Ngày 30/3, Philippines bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước điều mà Manila gọi là vũ lực quá mức, không cần thiết và không tương xứng của quân đội Myanmar nhằm vào dân thường, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự của nước này chấm dứt việc sử dụng vũ lực sát thương đối với người biểu tình.

Trong khi đó, theo truyền thông địa phương, Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, Bangkok đã đề nghị Myanmar giảm bạo lực sau khi hơn 100 dân thường thiệt mạng vào cuối tuần trước.

Ngoại trưởng Don nêu rõ, Myanmar đã nhận được thông điệp này, nhưng cho biết sẽ tùy thuộc vào tình hình.

Theo Ngoại trưởng Don, hòa bình ở Myanmar sẽ là mục tiêu chính của hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sắp tới.

Hiện Bộ Ngoại giao Thái Lan chưa đưa ra bình luận gì.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đình chỉ Thỏa thuận khung Đầu tư và Thương mại 2013 với Myanmar, sẽ có hiệu lực cho tới khi chính phủ dân sự nắm quyền trở lại. (Reuters, NY Times)

Nhật Bản tạm hoãn tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản

Theo hãng tin Jiji Press, chính phủ Nhật Bản dự kiến tạm hoãn tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản sau cuộc chính biến ở Myanmar hồi tháng trước.

Nhật Bản vẫn duy trì quan hệ với quân đội Myanmar. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết, "tình hình hiện nay khiến cho sự tham gia của Myanmar (vào Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản) trở nên khó khăn".

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói: "Vẫn chưa rõ khuôn khổ quan hệ Nhật Bản-Mekong sẽ tiến triển như thế nào". (Jiji Press)

Đập Đại Phục Hưng: Mỹ và EU sẵn sàng làm trung gian hòa giải

Ngày 29/3, Hội đồng Chủ quyền Sudan (SC)thông báo, trong cuộc hội kiến với Chủ tịch SC Abdel-Fattah Al-Burhan, Đặc phái viên Mỹ tại Sudan Donald Booth và Trưởng phái đoàn EU tại Sudan Robert van den Dool đã “bày tỏ sự sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong vấn đề GERD”.

Thông báo của SC nêu rõ: “Hai đặc phái viên nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được một giải pháp ngoại giao cho tranh chấp về GERD, dựa trên cách tiếp cận thỏa đáng để đảm bảo Ethiopia sử dụng điện, an toàn, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh cho các con đập của Sudan và quyền về nước của Ai Cập”. (THX)

Lãnh đạo 23 quốc gia ủng hộ ý tưởng về hiệp ước quốc tế chống các đại dịch

Ngày 30/3, lãnh đạo 23 quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ ý tưởng hình thành một hiệp ước quốc tế có thể giúp thế giới đối phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai, như đại dịch Covid-19 hiện đang hoành hành trên toàn cầu.

Ý tưởng về một hiệp ước như vậy, sẽ đảm bảo sự tiếp cận mang tính phổ biến và công bằng đối với vaccine, thuốc men và các chẩn đoán về các đại dịch do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 hồi tháng 11 năm ngoái. (Reuters)

'Bố già' Mafia Francesco Pelle sa lưới tại Bồ Đào Nha

Ngày 30/3, lực lượng vệ binh quốc gia Italy thông báo, "bố già" Francesco Pelle của tổ chức mafia khét tiếng Ndrangheta đã bị bắt tại Bồ Đào Nha.

Cảnh sát Bồ Đào Nha đã theo dõi và bắt giữ Pelle khi đối tượng này đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Sao José ở thủ đô Lisbon.

Vụ bắt giữ được thực hiện có sự phối hợp giữa lực lượng chống khủng bố của cảnh sát Bồ Đào Nha và cảnh sát vùng Calabria, miền Nam Italy.

Francesco Pelle, 44 tuổi, có biệt danh là “Ciccio Pakistan”, nằm trong số 30 tội phạm truy nã gắt gao nhất trên thế giới.

"Bố già" Pelle đã trốn khỏi Milan vào tháng 6/2019 sau khi bị Tòa án Tối cao Italy tuyên án chung thân với cáo buộc chủ mưu vụ thảm sát nói trên. (Sky News)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-303-nga-am-uc-ve-su-xuc-pham-chua-tung-co-dai-su-my-sap-sang-dai-loan-trung-quoc-duyet-thay-doi-lien-quan-hong-kong-bo-gia-sa-luoi-140789.html