Tin thế giới 4/3: Mỹ hé lộ một phần chính sách an ninh, gọi Trung Quốc là 'thử thách lớn nhất'; 'Ngày đẫm máu' ở Myanmar
Baoquocte.vn. Mỹ giới thiệu chính sách an ninh mới, tình hình Myanmar, Nga chặn âm mưu khủng bố, cạnh tranh Mỹ-Trung, Biển Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Mỹ công bố Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời
Ngày 3/3, Mỹ đã công bố Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời, được đưa ra nhằm truyền tải tầm nhìn của Tổng thống Joe Biden về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho các bộ, ngành, cơ quan của Mỹ thống nhất về hành động trong bối cảnh Washington đang xây dựng Chiến lược An ninh Quốc gia.
Thông cáo của Nhà Trắng cho thấy bản Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời này dày 24 trang, trong đó bao gồm hai phần, nội dung chính là Bối cảnh An ninh Toàn cầu và Các ưu tiên An ninh Quốc gia của Mỹ.
Bản chiến lược nêu rõ Mỹ phải làm mới lại các lợi thế lâu dài của mình để có thể đương đầu với những thách thức hiện nay ở vị thế hùng mạnh, trong đó có việc đẩy mạnh quan hệ với các liên minh cốt lõi tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, châu Âu và Tây Bán cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ làm sâu sắc quan hệ đối tác với Ấn Độ, hợp tác với New Zealand, Singapore, Việt Nam và các nước ASEAN để thúc đẩy mục tiêu chung.
Trong chiến lược, ông Biden cũng mô tả Đài Loan là một “đối tác kinh tế và an ninh tối quan trọng”. Mỹ sẽ tiếp tục "bảo vệ quyền tiếp cận chung toàn cầu, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, theo luật pháp quốc tế", ý nói hoạt động tự do hàng hải do Mỹ tiến hành ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. (Reuters/AP)
Mỹ gọi Trung Quốc là ‘thử thách lớn nhất’ trong thế kỷ XXI
Ngày 3/3, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có một bài phát biểu, trong đó nêu rõ các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trong đó, ông Blinken gọi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ đối mặt trong thế kỷ XXI. Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở. “Mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi cần thiết”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Bên cạnh phần trực tiếp đề cập tới Trung Quốc, bài phát biểu 30 phút cũng bao gồm nhiều ẩn ý nhằm tới Bắc Kinh. Đó là việc cần thiết phải chia sẻ thông tin nhanh chóng và đầy đủ về dịch Covid-19 và các căn bệnh trong tương lai - điều mà Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích bấy lâu nay - hay sự cần thiết của ứng phó biến đổi khí hậu, tầm quan trọng của Mỹ trong lãnh đạo hệ thống công nghệ.
Bài phát biểu đã tìm cách vẽ ra một ranh giới rõ ràng giữa phong cách và nội dung phương pháp tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền Biden và cách tiếp cận “Nước Mỹ trên hết” của cựu tổng thống Donald Trump. (Reuters)
Chính biến Myanmar và ‘ngày đẫm máu nhất’
Đó là nhận định của Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Myanmar Christine Schraner Burgener về ngày 3/3 ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo bà Burgener, ngày 3/3 ghi nhận 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, nâng tổng số người tử vong lên tới con số hơn 50.
Các nhân chứng cho biết, cảnh sát đã nổ súng và dùng hơi cay để giải tán biểu tình tại Yangon và thành phố Monywa, Pathein. Tại một số khu vực ở Yangon, người biểu tình treo ga trair giường và sarong trên đường phố nhằm che khuất tầm nhìn của cảnh sát.
Cùng ngày, ông Tin Maung Naing, nhà ngoại giao được chính phủ quân sự Myanmar bổ nhiệm làm trưởng phái đoàn đại diện tại LHQ đã nộp đơn từ chức, nhưng không nêu cụ thể nguyên nhân.
Trong thông báo, ông Tin Maung Naing khẳng định mình là người "công bộc tận tụy phục vụ đất nước mà ông yêu quý suốt 30 năm qua". Tuy nhiên, "vì hoàn cảnh không thể tránh khỏi", ông đã chọn từ chức.
Những nhà hoạt động phản đối chính phủ quân sự ở Myanmar đã lên tiếng ủng hộ quyết định của nhà ngoại giao này.
Theo kế hoạch, ngày mai (5/3), Hội đồng Bảo an LHQ sẽ thảo luận kín về tình hình Myanmar, giới ngoại giao tiết lộ. (AP)
Biển Đông: Đức lần đầu điều tàu chiến sau 19 năm, Mỹ hoan nghênh, Trung Quốc lên tiếng
Ngày 3/3, Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên ở Berlin cho biết Đức sẽ điều một tàu khu trục nhỏ đến châu Á vào tháng 8 và di chuyển qua Biển Đông trong hành trình trở về.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết con tàu sẽ không đi vào phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Phản ứng về vấn đề, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhưng “điều này không nên được sử dụng làm cái cớ gây nguy hại đến chủ quyền và an ninh của các nước ven biển”.
Trong khi đó , Mỹ hoan nghênh kế hoạch của Đức, gọi đó là sự ủng hộ đối với một “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trong khu vực, điều mà Washington cho rằng đang bị Trung Quốc đe dọa.
“Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ của Đức đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì một trật tự hàng hải rộng mở”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói. (Reuters/SCMP)
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông
Hôm 3/3, theo đài CCTV, quân đội Trung Quốc đã điều động lực lượng hải quân, lục quân và không quân tham gia diễn tập tác chiến xung quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam).
Theo đài này, cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng tác chiến, triển khai các chiến thuật trong tình huống có chiến tranh.
Video của CCTV cho thấy cuộc tập trận có sự tham gia của một số tàu đổ bộ đệm khí Type 726 (biệt danh Ngựa hoang, do Trung Quốc sản xuất) đang rời tàu đổ bộ Type 071 và lao vào một bãi biển. Mỗi tàu có một xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96A và binh sĩ hải quân trên tàu.
Đoạn video của quân đội Trung Quốc cũng được đưa ra khi cơ quan phòng vệ Đài Loan thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật quanh quần đảo Pratas (Đông Sa) vào hôm 1/3. Các hoạt động tương tự cũng đang được lên kế hoạch tổ chức vào tuần tới và cuối tháng này, trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. (CCTV)
Nga chặn âm mưu khủng bố ở Kaliningrad
Hãng Interfax đưa tin, ngày 4/3, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã chặn đứng một kế hoạch tấn công "khủng bố" nhằm vào trạm điện ở vùng Kaliningrad, bắt giữ 1 nghi can.
Cơ quan an ninh đã bắt giữ 1 nghi can trong kế hoạch tấn công này và thu giữ một quả bom tự chế. Theo tin trên, FSB cho hay nghi can tấn công nêu trên mang động cơ mà cơ quan này nói là sự căm thù đối với giới chức. (Interfax)
Nga phản ứng cáo buộc của Mỹ về vũ khí hóa học
Ngày 4/3, Điện Kremlin đã bác bỏ lời kêu gọi vô căn cứ và phi lý của Mỹ đòi Nga tiêu hủy vũ khí hóa học của nước này, đồng thời nhấn mạnh Moscow từ lâu đã phá hủy chúng theo công ước vũ khí hóa học.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, Mỹ là bên nên thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo công ước này. Ông cho rằng các tuyên bố của Washington giống như một nỗ lực khác hòng cản trở Nga. (Reuters)
Triều Tiên: Hàn Quốc-Mỹ giám sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 4/3 cho biết nước này và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các động thái tại các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên trong bối cảnh có tin về những động thái mới tại một trong những cơ sở này.
Vào tháng trước, Triều Tiên đã mở rộng các cơ sở phát triển tên lửa, song không có dấu hiệu bất thường tại bãi thử hạt nhân Punggyeri hoặc lò phản ứng hạt nhân dừng hoạt động tại Yongbyon.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, nước này sẽ trao quyền cho các nhà ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cũng như kề vai sát cánh với Hàn Quốc và Nhật Bản. (Yonhap)
Vaccine Covid-19: Trung Quốc, Nam Phi phát hiện vaccine giả
Cảnh sát Nam Phi và Trung Quốc thời gian qua đã phát hiện hàng nghìn liều vaccine Covid-19 giả được lưu hành.
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho biết, 400 lọ, tương đương 2.400 liều, chứa vaccine giả đã được tìm thấy ở một nhà kho ở Germiston, ngoại ô của Johannesburg, Nam Phi. Tại đây, nhà chức trách cũng tìm thấy nhiều khẩu trang giả và bắt giữ 3 công dân Trung Quốc, 1 người Zambia.
Tại Trung Quốc, cảnh sát cũng nhận diện thành công một mạng lưới bán vaccine Covid-19 giả khi tiến hành một cuộc điều tra được Interpol hỗ trợ. Cảnh sát đã đột kích khu vực sản xuất, bắt giữ khoảng 80 nghi phạm và thu giữ hơn 3.000 liều vaccine giả tại hiện trường.
Interpol cũng cảnh báo, số vaccine giả tại Nam Phi và Trung Quốc chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về những tội ác liên quan đến vaccine phòng Covid-19 và khẳng định, trên thế giới không có loại vaccine nào được bày bán trên mạng. (Guardian)