Tin thị trường: Áo, Đức phản đối kế hoạch 'dán nhãn xanh' của EU

OPEC+ dự báo dư cung ít hơn trong quý I, Mỹ tiếp tục xả kho SPR, sản lượng dầu của Libya tiếp tục giảm...

OPEC+ dự báo dư cung ít hơn trong quý I

OPEC+ dự báo tình trạng dư cung trên thị trường dầu trong quý đầu tiên của năm 2022 là 1,4 triệu thùng/ngày, tức là thấp hơn khoảng 25% so với dự báo vào đầu tháng 12, Bloomberg đưa tin hôm thứ Hai, trích dẫn nghiên cứu nội bộ của OPEC+ một ngày trước khi nhóm sẽ công bố chính sách khai thác của mình cho tháng 2.

Nguồn cung dầu dự kiến thấp hơn từ các quốc gia sản xuất ngoài OPEC+ là nguyên nhân chính khiến ước tính thừa cung giảm xuống, theo Bloomberg.

Kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ trong năm nay cũng dẫn đến dự báo dư cung thấp hơn cho cả năm 2022, theo tài liệu nội bộ mà Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) đang xem xét, trước cuộc họp bộ trưởng OPEC+ vào ngày 4/1.

OPEC+ hiện nhận định tình trạng dư cung cho cả năm 2022 ở mức 1,4 triệu thùng/ngày, giảm so với ước tính đầu tháng 12 là dư 1,7 triệu thùng/ngày.

Mỹ tiếp tục giải phóng dầu từ kho SPR

Mỹ tiếp tục đưa 2 triệu thùng dầu thô ra thị trường thông qua ExxonMobil như một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm giảm giá xăng dầu.

Đây là lần thứ ba Mỹ giải phóng dầu từ kho dự trữ chiến lược SPR. Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, nước này đã cung cấp cho các công ty hơn 7 triệu thùng dầu thô SPR, bao gồm cả hai lần được thực hiện trước đó vào tháng 12.

Các công ty nhận dầu thô SPR thông qua sàn giao dịch sẽ hoàn trả lượng dầu thô tương ứng cộng với khối lượng bổ sung tùy thuộc vào thời gian họ sử dụng dầu này.

Ông Biden cho rằng quyết định bán một phần dầu từ SPR đã giúp giảm giá xăng trên thị trường Mỹ, và giá xăng đang đi xuống. Tổng thống Mỹ dẫn chứng chi phí xăng dầu hiện ở mức trung bình trong lịch sử tại 21 bang nước Mỹ.

Áo, Đức phản đối "dán nhãn xanh" cho hạt nhân, khí đốt

Ủy ban châu Âu đã bắt đầu tham vấn chuyên gia vào cuối tuần này về việc liệu năng lượng hạt nhân và một số dự án khí đốt tự nhiên có thể được coi là đầu tư "bền vững" hay không. Điều này ngay lập tực nhận được phản ứng dữ dội từ Đức và Áo, vốn cáo buộc ngành hành pháp của EU đang cố gắng "tẩy rửa xanh".

"Ủy ban coi khí đốt tự nhiên và hạt nhân có vai trò như một phương tiện để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo”, cơ quan điều hành EU cho biết trong một tuyên bố hôm 1/1.

Đức, nền kinh tế lớn nhất của EU và Áo là những nước đầu tiên phản ứng với ý tưởng dán nhãn xanh cho năng lượng hạt nhân. Đức dự kiến loại bỏ tất cả các lò phản ứng hạt nhân vào cuối năm 2022 đang thiết lập một cuộc chiến với một nền kinh tế lớn khác là Pháp, nước mà hầu hết sản lượng điện được tạo ra từ năng lượng hạt nhân và ủng hộ mạnh mẽ việc dán nhãn hạt nhân như một hình thức đầu tư "bền vững".

Sản lượng dầu của Libya tiếp tục giảm

Hồi cuối tuần vừa qua, Tổng công ty Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC) cho biết sản lượng dầu của Libya sẽ giảm thêm 200.000 thùng/ngày do phải sửa chữa khẩn cấp một đường ống dẫn dầu.

Thông tin được đưa ra sau vụ ngừng khai thác mới nhất tại mỏ dầu Sharara do Lực lượng bảo vệ các cơ sở dầu khí (PFG) gây ra.

Sharara có thể sản xuất khoảng 300.000 thùng/ngày, khiến nó trở thành mục tiêu thường xuyên của những người biểu tình. Ngoài Sharara, hai mỏ khác cũng đã bị đóng cửa trong bối cảnh rạn nứt mới nhất giữa PFG và NOC.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-ao-duc-phan-doi-ke-hoach-dan-nhan-xanh-cua-eu-638016.html