Tin Xây dựng - bất động sản ngày 6/7: TP HCM thu hồi 3,14 ha đất thực hiện 13 dự án

Hơn 2.400 lô đất dân cư dịch vụ chưa giao ở TP Bắc Ninh;Tuyên án loạt lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn;TP HCM thu hồi 3,14 ha đất thực hiện 13 dự án…là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý

TP HCM thu hồi 3,14 ha đất thực hiện 13 dự án

UBND TPHCM vừa trình HĐND TP HCM danh mục 13 dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, tại 4 quận, huyện.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, thành phố cần thu hồi 3,14 ha đất để thực hiện 13 dự án tại quận 7, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Nhà Bè.

Trong đó, 12 dự án trên địa bàn quận 7, Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của địa phương.

Cụ thể, tại quận 7 gồm 9 dự án nâng cấp, mở rộng hẻm; quận Bình Tân là 2 dự án giáo dục gồm trường THPT Bình Trị Đông B và mở rộng Trường tiểu học An Lạc 3.

Huyện Bình Chánh thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở bò sông Cần Giuộc (từ cầu ông Thìn về thượng lưu). Thu hồi đất tại huyện Nhà Bè xây dựng kè chống sạt lở rạch Tắc Mương lớn (từ rạch Mương Dựa đến tiếp giáp rạch Giồng Chốn).

Sau khi được HĐND TPHCM thông qua, UBND TP HCM sẽ chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh, bổ sung các dự án nêu trên vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cấp huyện đã được phê duyệt.

HoREA đề xuất sửa đổi nghị định để gỡ nút thắt thủ tục đầu tư nhà ở

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi công văn số 85/2024/CV-HoREA tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất bổ sung sửa đổi điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP vào khoản 5 Điều 68 dự thảo Nghị định quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

HoREA nhấn mạnh việc sửa đổi này là cần thiết và cấp bách nhằm gỡ nút thắt về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư cho tất cả các dự án nhà ở xã hội và nhiều dự án nhà ở thương mại. Hiện tại, các quy định hiện hành đang gây ách tắc thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án mà doanh nghiệp tự thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo HoREA, sự ách tắc này cản trở quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và các thủ tục tiếp theo liên quan đến giao đất, cho thuê đất và tính tiền sử dụng đất. Nếu không được chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp không thể tiếp tục các thủ tục cần thiết để triển khai dự án.

Do đó, Hiệp hội đề nghị bổ sung trở lại nội dung sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP vào khoản 5 Điều 68 Dự thảo Nghị định, đảm bảo rằng các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu, đồng thời đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung trong trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu được phê duyệt.

Hơn 2.400 lô đất dân cư dịch vụ chưa giao ở TP Bắc Ninh

Hiện 11/19 phường của TP Bắc Ninh còn quỹ đất ở đủ điều kiện để giao đất dân cư dịch vụ (DCDV), đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, quỹ đất DCDV còn 2.406 lô đất chưa giao (1952 lô giao DCDV; 442 lô để đấu giá quyền sử dụng đất; 12 lô giao đất tái định cư); 22 lô đất xen kẹp trên địa bàn các phường; 123 lô đấu giá quyền sử dụng đất tại các dự án.

Theo đó, với 49 dự án đất DCDV có 20 dự án thực hiện xong; 9 dự án có Quyết định giao đất của UBND tỉnh Bắc Ninh, xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, cơ bản hoàn thành việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 17 dự án có Quyết định giao đất của UBND tỉnh Bắc Ninh, đang xây dựng kỹ thuật hạ tầng, xét duyệt đối tượng; 3 dự án chưa có Quyết định giao đất của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Hiện tại, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về các dự án giao đất dân cư dịch vụ và Kết luận số 739 của BTV Tỉnh ủy Bắc Ninh về xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền; sử dụng đất lấn chiếm; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Đồng thời rà soát, báo cáo công tác quản lý đất công ích, đất thuê, đất nông nghiệp; Phòng Tài Nguyên môi trường thành phố Bắc Ninh hướng dẫn quy trình 7 bước trong việc thực hiện đất giao trái thẩm quyền, để các địa phương làm cơ sở thực hiện, gửi hồ sơ phân loại trình UBND thành phố; phấn đấu đến hết tháng 11/2024 trình hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ đủ điều kiện…

Tuyên án loạt lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

Sáng 5/7, sau hai ngày xét xử, TAND TP HCM đã tuyên phạt 8 bị cáo là các cựu lãnh đạo và cán bộ của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Công ty Resco) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các bị cáo bị tuyên án bao gồm:

Nguyễn Tín Trung (cựu Chủ tịch HĐTV Resco): 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Phước Ngọc (cựu Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV Resco): 4 năm 6 tháng tù;Đỗ Văn Phúc và Trần Công Đức (cựu thành viên HĐTV Resco): mỗi người 3 năm 6 tháng tù; Võ Hữu Hải (cựu thành viên HĐTV Resco) và Hoàng Hải Đăng (cựu Phó tổng giám đốc Resco): 3 năm tù nhưng hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm; Nguyễn Thị Thúy Hằng và Nguyễn Đình Phú (cựu thành viên HĐTV Resco): 2 năm tù nhưng hưởng án treo, thời gian thử thách 4 năm

Theo bản án cho thấy Công ty Resco đã vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đối với ba mặt bằng tại Lý Thường Kiệt, Hồng Bàng, và Bình Đăng, gây thất thoát hơn 45 tỉ đồng, trong đó Bình Đăng chiếm hơn 41,4 tỉ đồng. Các mặt bằng này không được thẩm định giá theo giá thị trường trước khi chuyển nhượng và vi phạm quy định khi chuyển nhượng không thông qua đấu giá.

Tại tòa, Công ty Địa ốc 5 (đơn vị nhận chuyển nhượng mặt bằng Bình Đăng từ Công ty Resco) đã xin nộp toàn bộ số tiền thất thoát tại mặt bằng Bình Đăng. HĐXX đánh giá thiệt hại của vụ án gần như được khắc phục toàn bộ (các bị cáo và gia đình các bị cáo nộp gần 3,5 tỉ đồng).

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-67-tp-hcm-thu-hoi-314-ha-dat-thuc-hien-13-du-an-713850.html