Tỉnh Hà Nam có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Theo báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Nam 9 tháng năm 2024, tỉnh này đã có thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và công nhận thêm 38 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.

Đến nay, tỉnh Hà Nam có 100% số xã (83/83 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện (6/6 huyện, thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 và có 130 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên (trong đó 17 sản phẩm hạng 4 sao).

Năm 2024, tỉnh này có 15 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng) và xã Đinh Xá (TP.Phủ Lý). Có 35 ý tưởng sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt tham gia Chương trình OCOP năm 2024, hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai thực hiện các bước tiếp theo của Chu trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2024.

Một trong những sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận đầu năm 2024 của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Báo Hà Nam

Một trong những sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận đầu năm 2024 của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Báo Hà Nam

Trong 9 tháng vừa qua, các xã đã huy động các nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới đưa vào sử dụng một số hạng mục công trình (trên 80 km đường giao thông nông thôn, 480 phòng học các cấp, 01 trụ sở UBND xã, 04 nhà văn hóa và sân thể thao xã, 15 nhà văn hóa thôn, 03 trạm y tế xã và hệ thống rãnh thoát nước); hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng, chống thiên tai; cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đảm bảo an toàn; tu sửa, nâng cấp chợ nông thôn.

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã đã đạt được nhiều kết quả, đến nay tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7% (trong đó nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt 90,56%). Công tác thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở khu vực nông thôn thường xuyên được quan tâm; đặc biệt công tác vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm định kỳ hàng tháng được các địa phương duy trì.

Các địa phương tiếp tục phát động và đầu tư lắp đặt hệ đường điện chiếu sáng, trồng bổ sung, chăm sóc hoa, cây xanh ven đường trục xã, trục thôn, trụ sở, trường học, khu dân cư tạo cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Triển khai và nhân rộng mô hình thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt, nước thải tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất trong tổ chức và hành động từ tỉnh đến cơ sở.

Bình Nghĩa là một trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Hà Nam. (Ảnh tư liệu)

Bình Nghĩa là một trong các xã đạt chuẩn nông thôn mới tại Hà Nam. (Ảnh tư liệu)

Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời, qua đó xác định nhiệm vụ để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Cấp ủy chính quyền địa phương đã có sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tuyên truyền, vận động đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm phối hợp triển khai thực hiện, đặc biệt các cấp Hội đã huy động được nhiều lực lượng tham gia trong công tác tuyên truyền, vận động nhân nhân cùng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nhiều mô hình được xây dựng và nhận rộng như: Mô hình thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình; mô hình tuyến đường hoa, cây xanh; mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp và một số phong trào được duy trì và triển khai rộng khắp như: vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp; phong trào xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng cổng làng, lắp camera an ninh và phong trào hiến đất làm đường.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kịp thời đề ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, làm mới tương đối đồng bộ; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được ổn định.

Đến nay cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới đã duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đồng thời đã, đang hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt một số xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024 đến nay cơ bản đáp ứng đầy đủ các điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm tra, xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như: Xã Hoàng Tây (huyện Kim Bảng); xã Tiên Ngoại và Tiên Sơn (thị xã Duy Tiên); xã Đinh Xá (TP.Phủ Lý).

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tinh-ha-nam-co-them-17-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-nang-cao-93904.html