Tình hình dịch COVID-19 tính đến tối 7-3

Tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc có nhiều biến chuyển khả quan, trong khi số ca nhiễm ở một số quốc gia khác tiếp tục tăng.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 19 giờ 10 phút ngày 7-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch COVID-19 là 3.506 (tăng 21 ca so với số liệu trưa cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 101.769. Có 56.875 ca được chữa khỏi.

Trong đó, Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 80.651 và 3.070.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 436 ca tử vong ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Cụ thể, Ý cao nhất với 197 ca, Iran 145 ca, Hàn Quốc 44 ca, Nhật Bản 12 ca, Pháp bảy ca, Tây Ban Nha năm ca, Mỹ 14 ca, Thụy Sĩ một ca, Anh hai ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Hà Lan một ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, San Marino một ca, và Philippines một ca.

1.777 tín đồ Tân Thiên Địa dương tính virus COVID-19 nhưng từ chối cách ly

Thị trưởng thành phố Daegu, Kwon Young Jin, hôm 6-3 đã tổ chức một cuộc họp báo và cho biết nhiều tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa vẫn từ chối nhập viện điều trị dù nhiễm virus COVID-19.

Nhà thờ Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu tiếp tục được khử trùng vào ngày 6-3 - Ảnh:YONHAP

Nhà thờ Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu tiếp tục được khử trùng vào ngày 6-3 - Ảnh:YONHAP

Tính đến ngày 6-3, 90% trong số 10.914 tín đồ Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu đã trải qua quá trình xét nghiệm virus và 3.617 người đã được xác nhận dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, 1.777 tín đồ trong số kể trên đã từ chối cách ly với các lý do như "không có phòng đơn thì không cách ly" và "thích ở nhà hơn".

Số còn lại thuộc tín đồ Tân Thiên Địa cố tình không nhận điện thoại của các nhà chức trách khi được yêu cầu xét nghiệm virus, hoặc vẫn nhận điện thoại nhưng vẫn từ chối xét nghiệm.

Tính đến chiều 7-3 giờ Việt Nam, số người nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên 7.041 ca, sau khi nước này báo cáo 274 ca nhiễm mới trong ngày. Số ca tử vong cũng tăng lên 42 ca và 118 người được xuất viện.

Hầu hết các ca nhiễm virus COVID-19 đều đến từ thành phố Daegu và tỉnh lân cận Gyeongsang Bắc.

Vũ Hán đóng cửa bệnh viện dã chiến thứ 2

Sau khi bệnh viện dã chiến đặt tại nhà thi đấu thể thao ở quận Kiều Khẩu đóng cửa hôm 1-3, đã có thêm một bệnh viện dã chiến ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đóng cửa sau khi hoàn thành sứ mệnh.

Chiều 6-3, 21 bệnh nhân của bệnh viện đã chiến đặt tại Trung tâm triển lãm công nghệ Quang Cốc, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc đã được xuất viện. Họ sẽ được đưa đến điểm cách ly 14 ngày, sau đó mới được về nhà.

Đây là những bệnh nhân cuối cùng xuất viện, còn 1 bệnh nhân được chuyển viện. Bệnh viện đã chiến Quang Cốc sẽ chính thức đóng cửa, không tiếp nhận thêm bệnh nhân mới.

Đây là bệnh viện dã chiến thứ 2 ở Vũ Hán đóng cửa khi tình hình dịch bệnh đang được khống chế theo chiều hướng tốt. Các đội y bác sĩ chi viện cho bệnh viện dã chiến này sẽ chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Hình dạng thật của virus COVID-19 dưới kính hiển vi

Các nhà nghiên cứu ở Thâm Quyến, Trung Quốc đã quan sát được hình dạng thật của virus COVID-19 dưới kính hiển vi sau khi bị bất hoạt, theo Tân Hoa Xã.

Nhóm nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử đông lạnh để quan sát hình dạng bất hoạt của virus. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn thu được một trạng thái trung gian quan trọng trong tế bào chủ bị nhiễm virus. Những hình ảnh vi mô này dùng để xác định và nghiên cứu lâm sàng về virus này.

Hình ảnh được coi là "hình dạng thật" của virus corona chủng mới sau khi bị bất hoạt, quan sát được dưới kính hiển vi công nghệ tiên tiến. Ảnh: Bệnh viện Thâm Quyến.

Hình ảnh được coi là "hình dạng thật" của virus corona chủng mới sau khi bị bất hoạt, quan sát được dưới kính hiển vi công nghệ tiên tiến. Ảnh: Bệnh viện Thâm Quyến.

Giáo sư Liu Chuang, thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Hình dạng của virus COVID-19 mà chúng ta thấy giống hệt với hình dạng trong tự nhiên. Phát hiện này sẽ giúp phát triển các loại thuốc và vắc-xin chống lại loại virus này.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm Nghiên cứu Y tế Lâm sàng Quốc gia Thâm Quyến về Bệnh truyền nhiễm cùng với Đại học Khoa học và Công nghệ miền Nam Trung Quốc đã thành lập một nhóm nghiên cứu chung để nghiên cứu sự phân lập của loại virus này, cũng như nuôi cấy, nhận dạng và xác định cấu trúc của chủng virus này.

Tháng 4 có thể có vaccine dùng khẩn cấp

Theo tờ South China Morning Post, tình hình chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc hiện đang diễn biến khá lạc quan. Các nhà khoa học của nước này cho biết nhiệm vụ nghiên cứu vaccine và thuốc chống virus đang diễn ra suôn sẻ.

Ông Trịnh Trung Vĩ - Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ y tế Quốc gia cho biết các nhóm nghiên cứu đang dồn toàn lực điều chế vaccine ngừa virus COVID-19. Theo ông, có thể sẽ có vaccine dùng trong trường hợp khẩn cấp vào tháng 4.

WHO: Đừng kỳ vọng COVID-19 tự hết vào mùa hè

Trong cuộc họp báo ngày 6-3, Giám đốc Chương trình Y tế Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới đừng kỳ vọng COVID-19 sẽ tự hết vào mùa hè, theo đài CNBC.

Theo ông, giới chuyên gia hiện vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn cơ chế hoạt động và khả năng lây lan của COVID-19 "dưới các điều kiện thời tiết khác nhau", do đó chưa có dữ liệu để khẳng định virus sẽ tự hết khi mùa hè đến.

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân đến xe cứu thương tại Trung tâm Y tế của Kirkland ở bang Washington. Ảnh: REUTERS

Nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân đến xe cứu thương tại Trung tâm Y tế của Kirkland ở bang Washington. Ảnh: REUTERS

"Chúng ta phải luôn cảnh giác rằng dịch sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới. Việc cho rằng COVID-19 sẽ tự mất như cúm mùa hoàn toàn là một hy vọng viển vông" - ông Ryan nhấn mạnh.

Theo ông Ryan, nhìn chung chính phủ các nước vẫn nên cẩn trọng trong mọi động thái liên quan đến phòng ngừa COVID-19, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các phương pháp điều trị mới và vaccine phòng bệnh.

TÚ QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-toi-73-894869.html