Tinh hoa nghề thêu thổ cẩm ở Đồng Khuân
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của những người phụ nữ Dao Quần chẹt, thôn Đồng Khuân, xã Phú Lương (Sơn Dương) đã tồn tại từ rất lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Người dân Đồng Khuân luôn có ý thức trong việc truyền dạy nghề thêu thổ cẩm cho con cháu.
Độc đáo nghề thêu thổ cẩm
Đến Đồng Khuân, vào thăm gia đình bà Triệu Thị Nhất năm nay 72 tuổi, tôi được chiêm ngưỡng những bộ trang phục của đồng bào dân tộc Dao Quần chẹt, với những đường nét hoa văn tinh tế, phong phú và đa dạng. Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm, chúng tôi cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những đường nét hoa văn trên mảnh vải thổ cẩm thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, sự tinh tế của người phụ nữ Dao.
Bà Phùng Thị Sinh thôn Đồng Khuân, xã Phú Lương (Sơn Dương) đang truyền dạy nghề thêu cho chị em phụ nữ thôn.
Bà Nhất nói, nghề thêu thổ cẩm nơi đây đã có từ rất lâu đời. Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, được dùng để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình, hơn nữa những bộ trang phục này là của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Vì vậy, ngay từ lúc nhỏ, bà đã được bà ngoại dạy cho cách thêu thùa, từ những công đoạn đơn giản đến phức tạp. Sau đó, bà có thể tự tay thêu những bộ quần áo để mặc ở nhà, đi chợ, đi đám cưới, chơi hội.
Nhâm nhi tách trà, chúng tôi được bà Sinh kể cho nghe về sự tích tấm vải chàm của người Dao Quần chẹt. Truyền thuyết xưa kể rằng, vào một năm hạn hán, cây cỏ, vạn vật đều héo úa, trồng cây gì, nuôi con gì cũng không sống được. Dân bản hàng ngày chăm chỉ lên nương làm rẫy nhưng không nhà nào có đủ bữa ăn. Vào một đêm mùa thu, có một người con gái ăn mặc rách rưới vào xin dân làng ngủ nhờ, dân làng thương tình mời vào nhà sưởi ấm và cho cơm ăn… Cảm động trước tấm lòng của bà con, người con gái ấy đã chỉ cho người dân cách trồng bông, dệt vải, thêu thùa… Rồi tặng lại cho bản 10 hạt giống để trả ơn dân bản. Người con gái ấy dặn rằng: “Đợi khi cây mọc lên, lấy sợi bông dệt thành vải rồi thêu lên đó những mong ước của mình. Thêu hình bông lúa mùa màng sẽ bội thu, hình hoa lá thì cây cối quanh năm tươi tốt, đâm chồi nảy lộc… ” Người dân trong bản tin và làm theo lời cô gái, từ đó nhà nhà đều có thói quen trồng bông, dệt vải, thêu nhuộm áo.
Bao đời nay, tấm vải chàm đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào Dao Quần chẹt, trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao nơi này. Tấm vải chàm còn là sợi dây kết nối những mối lương duyên cho các đôi trai gái.
Bà Sinh bảo, ngày nay những người phụ nữ Dao đều chọn mua những chiếc váy in, dập họa tiết bán sẵn bởi giá thành rẻ, chất liệu nhẹ, mát, mặc trong sinh hoạt thường ngày tiện dụng hơn. Vì thế mà nghề thêu thổ cầm đang dần bị mai một.
Truyền dạy nghề cho lớp trẻ
Để giữ gìn nghề thêu thổ cẩm truyền thống, bằng sự tâm huyết, nhiệt tình, các cụ cao niên trong thôn đang từng ngày truyền dạy nghề thêu thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Gắn bó với nghề hơn 50 năm bà Phùng Thị Thanh chia sẻ, công đoạn thêu là khó nhất, nó đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo. Chỉ cần nhìn vào những hoa văn trên trang phục là biết ngay người con gái đó có khéo léo, đảm đang hay không. Từ mảnh vải nhuộm chàm thô ráp, qua đôi tay người phụ nữ Dao trở nên rực rỡ với những hình hoa văn nhiều màu sắc. Chỉ thêu có nhiều phong phú như: Trắng, đỏ, vàng nhạt, vàng đậm, hồng, xanh... Trong đó, màu trắng, đỏ, vàng là màu chủ đạo. Trang phục của dân tộc người Dao Quần chẹt được thêu hoa văn ở tà áo, lưng áo, gấu áo, cổ áo. Người thêu không thêu theo hình mẫu có sẵn mà thêu theo trí tưởng tượng, có khi là cả một vạt rừng, có khi là những vựa lúa, nương ngô, hay hình cỏ cây hoa lá... Những họa tiết này được kết hợp một cách khéo léo, cân đối và mang đặc trưng tính cách, thẩm mỹ và tài nghệ của từng người làm ra. Hoa văn trên thổ cẩm diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên, khao khát có cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa nhất định, qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được khắc họa sinh động, rồi chính những trang phục ấy lại phục vụ cuộc sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Dao nơi đây.
Chị Dương Thị Hằng nói, để hoàn thành một bộ trang phục của đồng bào Dao Quần chẹt gồm quần, áo, khăn vấn đầu, yếm, thắt lưng bằng hoa văn thì người phụ nữ phải làm qua nhiều công đoạn từ trồng bông, dệt, nhuộm vải, đến may, thêu, in họa tiết, cũng mất từ 6-7 tháng, bán với giá trên 2 triệu đồng/1 bộ.
Đối với thế hệ trẻ, học thêu không chỉ là sự đam mê, mà còn là trách nhiệm trong việc gìn giữ nghề truyền thống, nên phải học kiên trì chịu khó thì mới có hiệu quả. Em Triệu Thị Kim Loan, 12 tuổi chia sẻ, vào buổi tối, em thường được bà nội truyền dạy cho nghề thêu. Nhờ bà hướng dẫn tỉ mỉ, nên đến giờ em đã thêu được một số đường nét đơn giản như các đường thẳng, đường vắt chéo. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học để có thể thêu được những đồ dùng truyền thống của dân tộc mình. Em thấy, học thêu không quá khó, ai cũng có thể học được, chỉ cần sự kiên trì. Còn em Phùng Thị Hương tâm sự, em học nghề thêu truyền thống là muốn tìm hiểu những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc mình, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình không bị mai một.
Nhìn các bà, các mẹ, các chị đang chăm chú thêu thùa, may vá, miệt mài bên từng ô vuông của tấm vài chàm, chúng tôi tin nghề thêu thổ cẩm của người Dao Quần chẹt nơi đây sẽ luôn được bảo tồn, gìn giữ cho lớp lớp con cháu.