Tính kế động binh tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vô tình 'chọc giận' Nga
Cuộc đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện, đe dọa phá vỡ liên minh Nga-Thổ.
Các cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Syria trong bối cảnh chính phủ Syria tiến hành chiến dịch tấn công vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại tỉnh Idlib, có nguy cơ leo thang thành chiến tranh toàn diện giữa hai nước láng giềng và đe dọa phá vỡ liên minh Nga-Thổ.
Thay đổi chiến lược đối phó với quân đội Syria
Với ý định ngăn chặn đà tiến của quân đội Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ thực hiện hành động quân sự “ở mọi nơi trên lãnh thổ Syria” nếu bất cứ binh sỹ nào của nước này bị giết hoặc bị thương. Trước đó, ông Erdogan đã gửi tối hậu thư yêu cầu các lực lượng của chính phủ Syria phải rút lui khỏi các địa điểm trong khu vực giảm xung đột tại Idlib trước cuối tháng 2.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã đưa ra cảnh báo bất thường với các nhóm vũ trang đang nắm ảnh hưởng tại Idlib. “Chúng tôi đang điều thêm quân để đảm bảo duy trì lệnh ngừng bắn ở Idlib. Chúng tôi sẽ kiểm soát khu vực này. Lực lượng này sẽ được điều động để chống lại những kẻ không tuân thủ lệnh ngừng bắn, trong đó có cả những kẻ cực đoan. Tất cả các biện pháp sẽ được thực thi”.
Tuyên bố này đã khiến giới phân tích đặt câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đang cố gắng thay đổi chiến lược để đối phó với quân đội Syria hay không. Cảnh báo được đưa ra khi quân tiếp viện của Thổ Nhỉ Kỳ liên tục đổ vào Idlib, Mỹ thì khích lệ Ankara tiếp tục thực thi hành động quân sự trong khi Nga lại kỳ vọng một bước lùi. Giới quan sát cho rằng, tuyên bố của ông Akar tiết lộ một số chi tiết trong chiến lược mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi.
Trước hết, đây có thể xem như tín hiệu của sự quay trở lại đối với thỏa thuận Sochi giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Với 10 trong số 12 trạm quan sát đang bị quân đội Syria bao vây, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vẽ một ranh giới ngừng bắn mới với Nga và buộc quân đội Syria phải rút lui trong cuộc đụng độ có nguy cơ biến thành cuộc chiến tranh toàn diện. Các cuộc đàm phán Nga-Thổ tại Ankara và cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo 2 nước đến nay không mang lại kết quả, nhưng nó được coi như một dấu hiệu tích cực làm giảm nguy cơ đối đầu. Tuy vậy, tình hình trên mặt đất vẫn có thể vượt khỏi tầm kiểm soát bất cứ lúc nào khi mà Moscow thể hiện ít sự linh hoạt còn Damascus thì tỏ ra thực sự quyết tâm trong chiến dịch quân sự.
Thư hai, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Akar có thể xem là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trực diện và sẽ tìm cách kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn hơn ở Syria thay vì chỉ nắm giữ một số địa điểm nhất định. Điều này đòi hỏi phải giảm thiểu vai trò của các lực lượng phiến quân hoặc nhóm Hồi giáo do Ankara hậu thuẫn và điều động thêm nhiều binh sỹ trong quân đội ra chiến trường. Tuy nhiên, động thái này không có nghĩa là Ankara sẽ từ bỏ các lực lượng nổi dậy. Các phe phái mà Thổ Nhĩ Kỳ tập hợp được dưới tên gọi Quân đội Quốc gia Syria (SNA) vẫn là một trụ cột chính trong chính sách của Ankara về Syria. Tương tự, không có dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ từ bỏ Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF), gồm các cựu chiến binh al Qaeda và nhiều tay súng thánh chiến.
Thứ 3, tuyên bố của Ankara cũng có thể coi là nỗ lực nhằm bác bỏ cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang che chắn cho các nhóm khủng bố. Đến thời điểm hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa cô lập được các nhóm cực đoan như thỏa thuận Sochi yêu cầu.
Nguy cơ liên minh Nga-Thổ tan rã
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vừa là đồng minh lại vừa là đối thủ trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông, trong đó có Syria và Libya. Hai bên có chung lợi ích khi nói đến vấn đề cung cấp khí đốt và buôn bán vũ khí, ngay cả khi họ bảo trợ cho các phe phái đối đầu nhau trong cuộc chiến ủy nhiệm tại Syria. Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có mối quan tâm chung trong việc thách thức ảnh hưởng của Mỹ ở Syria.
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng phối hợp với nhau để giữ bình ổn tại Idlib, thúc đẩy đàm phán thỏa thuận ngừng bắn giữa chính phủ Syria và phe đối lập. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đến nay vẫn chưa tháo gỡ được thế bế tắc tại Idlib. Khi các lực lượng chính phủ Syria tăng cường chiến dịch quân sự với sự hỗ trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối rời bỏ các đồn điền quân sự ở Idlib, đồng thời đe dọa gây sức ép buộc quân đội Syria phải rút lui. Một số ý kiến cho rằng với hành động này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự “dồn mình vào chân tường”, khó có lựa chọn nào khác ngoài khả năng đối đầu quân sự với cả Nga và Iran.
Cuộc khủng hoảng tại Idlib, tây bắc Syria xảy ra khi Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng suy thoái kinh tế và ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Ở khu vực phía đông Địa Trung Hải, Cộng hòa Síp, Ai Cập, Hy Lạp và Israel đã đạt được thỏa thuận về thăm dò hydrocarbon, mà không có Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải đạt được các thỏa thuận an ninh và hàng hải vốn bị chỉ trích rộng rãi, với chính phủ Libya được Liên Hợp Quốc công nhận. Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Marmara ở Istanbul đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bị ràng buộc vào một tình thế là phải “tăng cường sức mạnh” trước khi họ đạt được thỏa thuận mới về Idlib, điều mà ông cho là “không thể tránh khỏi”.
“Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng mới với Nga như năm 2015”, ông Ersen nói, đề cập đến các lệnh trừng phạt của Nga đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga trên không phận Syria.
Lời đe dọa của ông Erdogan ngay lập tức vấp phải phản ứng từ Moscow. Các quan chức Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ gây leo thang căng thẳng, đồng thời cho rằng chiến dịch tấn công của Syria tại Idlib là rất cần thiết vì Ankara không thực hiện nghĩa vụ của nước này ngăn chặn phiến quân liên hệ với al Qaeda thực hiện các cuộc tấn công quân đội Syria và căn cứ của Nga tại Syria.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Căng thẳng leo thang xuất phát từ các cuộc tấn công phối hợp do khủng bố thực hiện tại những khu vực lân cận của Syria, buộc các lực lượng chính phủ Syria phải hành động đáp trả”. Bộ này cáo buộc phiến quân tại Idlib đã sử dụng dân thường làm lá chắn, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn bằng cách điều động thêm quân đội và vũ khí.
Vẫn chưa rõ liệu Thổ Nhĩ Kỳ có mạo hiểm sử dụng tất cả sức mạnh quân sự của mình chống lại Syria hay không. “Tổng thống Erdogan không nói suông. Bất cứ khi nào ông ấy đe dọa thực hiện hành động quân sự, ông ấy sẽ thực hiện ngay”, Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall của Đức tại Ankara nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết, ông không nghĩ là Syria sẽ đáp trả động thái quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quân đội lớn thứ 2 NATO ngay cả khi họ được sự yểm trợ hỏa lực từ trên không của Nga.
Theo chuyên gia Unluhisarcikli, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã được khích lệ bởi những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo – người lên án cuộc tấn công của quân đội Syria tại Idlib và James Jeffrey, đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Syria. Về phía chính phủ Syria, nhờ sự giúp đỡ của Nga về mặt quân sự Tổng thống Bashar Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn đất nước, và giờ đây ông muốn mở rộng quyền kiểm soát tới Idlib.
Lo sợ mất tiếng nói với tương lai của Syria
Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi Idib là khu vực chiến lược quan trọng, quyết tâm duy trì sự hiện diện tại đây để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về biên giới của nước này. Việc hiện diện quân sự tại Idlib cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ có đòn bẩy trong các cuộc đàm phán về tương lai của Syria, giúp giảm thiểu mối đe dọa về an ninh từ quốc gia láng giềng ở phía nam.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay cho rằng chính phủ Syria đang cố tình chuyển hướng dòng người tị nạn về phía biên giới với nước này như một biện pháp trả đũa. Bên cạnh đó, Ankara cũng lo ngại sau khi giành quyền kiểm soát Idlib, quân đội Syria sẽ tiến tới “các vùng an toàn” do nước này kiểm soát dọc biên giới, nơi mà Ankara có kế hoạch tái định cư người tị nạn. Ngoài ra, Ankara còn lo lắng đà tiến của chính phủ Syria tại Idlib sẽ chấm dứt các nỗ lực ngoại giao của Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã bước sang năm thứ 9 tại Syria.
“Mọi thứ diễn ra trên chiến trường cho thấy, trở ngại duy nhất đối với các lực lượng của chính phủ Syria chính là binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ đang gửi đi thông điệp rằng họ sẽ không rời Syria bởi vì nếu rời đi họ sẽ không có tiếng nói đối với tương lai của Syria”, cây bút Barcin Yinanc của tờ nhật báo Hurriyet cho biết./.