Tỉnh Ninh Bình gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ mai sau, kết nối các di sản trên toàn cầu cùng chung sức bảo vệ trái đất xanh, thế giới hòa bình, thịnh vượng (*)
Tối 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã long trọng tổ chức Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Báo Ninh Bình điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình Kỷ niệm.
Kính thưa đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!
Kính thưa bà Simona Mirela Miculescu, Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc!
Kính thưa các vị khách quốc tế, các vị đại biểu khách quý!
Kính thưa toàn thể nhân dân và du khách!
Hôm nay, trên vùng đất Cố đô lịch sử, trong không gian của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nơi ghi dấu dặm dài lịch sử nhân loại và dân tộc Việt Nam, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; bà Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO; các vị đại biểu khách quý cùng toàn thể nhân dân và du khách lời chào, lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân và du khách!
Tỉnh Ninh Bình tự hào có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc riêng có. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đặc biệt là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước các thời kỳ và các cơ quan Trung ương; từ năm 2001, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thực hiện mô hình kinh tế chuyển dịch từ "nâu" sang "xanh", trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ dựa trên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa-lịch sử, tự nhiên-sinh thái. Đã sớm nhận diện được tiềm năng và giá trị, tập trung nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đệ trình, để ngày 25/6/2014 Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, với những giá trị nổi trội toàn cầu về: (1) Quá trình tiến hóa địa chất, địa mạo đại diện cho sự hình thành và kiến tạo vỏ trái đất; (2) Thẩm mỹ của cảnh quan tự nhiên tồn tại qua hàng triệu năm; (3) Quá trình định cư, thích ứng liên tục của con người hơn 3 vạn năm lịch sử. Trở thành di sản "kép" đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ngay sau khi Tràng An trở thành Di sản thế giới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể, ban hành nhiều chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản trên cơ sở các quy định của Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên và pháp luật của Việt Nam; thực hiện mô hình phát triển gắn kết hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, bền vững; trong đó, chú trọng phát triển vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của người dân, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Do vậy, sau 10 năm được ghi danh là Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An được nhiều tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình về kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp; phát huy hiệu quả hợp tác công - tư.
Di sản Tràng An như "viên ngọc quý", đã trở thành trái tim, duy trì nhịp đập, khơi lại mạch nguồn quá khứ, được chắt lọc, bảo tồn những giá trị quý báu của thiên nhiên văn hóa và nhân văn. Những giá trị của Di sản này được phát huy mạnh mẽ, trở thành nguồn tài nguyên vô giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là nguồn lực nội sinh và động lực quan trọng để Ninh Bình vươn lên phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập và phát triển quốc tế; đưa Ninh Bình hội nhập vào mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; đồng thời, đóng vai trò hạt nhân, trung tâm, định hình phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo hướng đô thị di sản; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình theo đúng định hướng, đó là: Phát triển "Nhanh, Bền vững và Hài hòa", tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa-xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; Phát triển công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường; Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị; Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, chất lượng cao, gắn với các giá trị văn hóa-lịch sử-tự nhiên, nhất là truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An. Từ đó, Ninh Bình phát triển bứt phá, trở thành địa phương phát triển toàn diện, là tỉnh tự cân đối ngân sách từ năm 2022, có thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố của cả nước; là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư.
Tại buổi lễ trọng thể này, cho phép tôi thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình, xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; các Ban, Ủy ban, Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc; các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã quan tâm giúp đỡ, đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình trong quá trình quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, cũng như phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong suốt những giai đoạn vừa qua.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!
Kính thưa các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể nhân dân và du khách!
Chặng đường phía trước đang mở ra cho tỉnh Ninh Bình nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Với quyết tâm cao nhất, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, phát huy nội lực, truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo để gìn giữ và trao truyền Di sản vô giá này cho các thế hệ mai sau, kết nối các di sản trên toàn cầu cùng chung sức bảo vệ trái đất xanh, thế giới hòa bình, thịnh vượng; xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ trực thuộc Trung ương, trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản quốc gia, quốc tế; một trong những địa phương đi đầu đưa phát thải khí nhà kính về mức "0" của Việt Nam, tiêu biểu về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; có vị thế, giá trị thương hiệu cao trong mạng lưới di sản sở hữu danh hiệu UNESCO; xã hội phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.
Tỉnh Ninh Bình cũng mong muốn: Những kinh nghiệm thực tiễn tại Quần thể danh thắng Tràng An sẽ được các cơ quan Trung ương và UNESCO tổng kết, chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ hơn tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Một lần nữa, tôi xin được trân trọng cảm ơn và kính chúc đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bà Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc; các vị đại biểu, khách quý cùng toàn thể Nhân dân và du khách sức khỏe, hạnh phúc và thành công!