Tình thế nhạy cảm trên biển Đỏ

Các quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc các phương án đáp trả lực lượng Houthi ở Yemen, sau các vụ tấn công ngày một tăng của nhóm này trên biển Đỏ.

Tạp chí Politico dẫn 2 nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ Lầu Năm Góc vừa điều chuyển nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D. Eisenhower từ vịnh Ba Tư vào vịnh Aden, ngay ngoài khơi Yemen.

Tuần này, thêm 3 tàu khu trục Mỹ đến Địa Trung Hải, hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay Gerald R. Ford đã có mặt ở đây từ khi nhóm vũ trang Hamas bất ngờ tấn công Israel hôm 7-10.

Theo các nguồn tin, Mỹ vốn không muốn dùng vũ lực với Houthi vì ngại khiêu khích Iran, quốc gia hậu thuẫn cho cả 3 nhóm Houthi, Hezbollah (ở Lebanon) và Hamas (ở Dải Gaza). Tuy nhiên, việc Houthi leo thang tấn công tàu hàng những ngày gần đây có thể khiến Mỹ đổi ý.

Trong ngày 15-12, Houthi phóng máy bay không người lái (UAV) tấn công tàu hàng Motor Vessel Al Jasrah và bắn tên lửa đạn đạo trúng tàu Motor Vessel Palatium 3; cả 2 tàu treo cờ Liberia. Sang ngày 16-12, tàu khu trục USS Carney của Mỹ bắn hạ 14 UAV của Houthi, còn tàu khu trục Anh HMS Diamond hạ 1 chiếc.

Hãng vận chuyển hàng hải lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) cùng các hãng MSC (Thụy Sĩ), CMA CGM (Pháp) đã thông báo ngừng vận chuyển qua Bab el-Mandeb, eo biển trọng yếu nối biển Đỏ và vịnh Aden.

Tàu hàng Galaxy Leader bị các tàu của Houthi áp tải trên biển Đỏ hôm 20-11 Ảnh: REUTERS

Tàu hàng Galaxy Leader bị các tàu của Houthi áp tải trên biển Đỏ hôm 20-11 Ảnh: REUTERS

Một lý do nữa khiến Mỹ tới giờ vẫn chần chừ, đó là thỏa thuận hòa bình mà Ả Rập Saudi đã đàm phán suốt 18 tháng qua với Houthi để rút chân khỏi cuộc nội chiến kéo dài 8 năm ở Yemen.

Tương tự, Ai Cập cũng không muốn thấy cảnh giao tranh lan rộng trên biển Đỏ, bởi nước này cùng Ả Rập Saudi "phụ thuộc lớn vào dòng chảy thương mại và năng lượng qua đây".

Theo chuyên gia Camille Lons của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (Đức), tuy xem các vụ tấn công của Houthi là "cách gây áp lực lên Israel - Mỹ" nhưng Iran cũng không muốn xung đột lan ra toàn khu vực. Trong khi đó, Houthi đang muốn "mở rộng ảnh hưởng và tăng tính chính danh".

Chấm dứt xung đột ở Gaza dường như là giải pháp ít hậu quả hơn so với thổi bùng một cuộc xung đột khác với Houthi, theo các chuyên gia. Dường như đây cũng là tính toán của Washington khi hai quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Charles Q. Brown - đến Trung Đông tuần này.

Hy vọng ngừng bắn cũng nhen nhóm trở lại với thông tin các cuộc đàm phán mới giữa Israel và Hamas đang diễn ra, vẫn do Qatar làm trung gian.

Hải Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tinh-the-nhay-cam-tren-bien-do-196231217215734257.htm