Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục hiệu quả

Chiều 5.9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Xã hội, Văn hóa – Giáo dục, Tư pháp; lãnh đạo các Bộ Tư pháp, Nội vụ, Xây dựng…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, từ tháng 10.2021 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Tính từ 1.10.2021 đến 1.8.2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 110 văn bản quy định chi tiết, song với các luật, nghị quyết có hiệu lực từ trước ngày 1.8.2022 thì hiện còn 11/70 văn bản nợ, chưa ban hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện. Bộ Tư pháp đã triển khai kiểm tra được 3.695 văn bản, trong đó có 473 văn bản do cấp bộ ban hành và 3.222 văn bản do địa phương ban hành. Kết quả đã phát hiện và kết luận 52 văn bản có quy định trái pháp luật (7 văn bản cấp bộ và 45 văn bản cấp tỉnh, thành phố), trong đó đã xử lý được 47 văn bản. Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định 380 thủ tục hành chính tại 46 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo, qua đó đề nghị không quy định 7 thủ tục hành chính, đề nghị sửa đổi 243 thủ tục. Từ ngày 1.10.2021 đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.742 quy định kinh doanh tại 125 văn bản.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo báo cáo của Chính phủ, sau hơn 10 năm thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, tổng số cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp chế trên toàn quốc là 8.524 người (tăng gấp 3,55 lần). Tuy nhiên, một số cơ quan có số lượng công chức làm công tác pháp chế ít, không ổn định do luân chuyển, điều động, chất lượng cán bộ còn hạn chế, do đó, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 338/2016/TT-BTC, trong đó điều chỉnh mức chi và định mức phân bổ kinh phí cho công tác pháp chế so với quy định hiện hành.

Các đại biểu tham dự phiên họp nhất trí cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã tích cực, chủ động trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Công tác này đã trở thành trọng tâm, thường xuyên với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới, dù chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lưu ý, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục hiệu quả, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Do đó, Chính phủ phải làm rõ đâu là nguyên nhân cơ bản để tập trung khắc phục vấn đề này. Một số ý kiến nhấn mạnh, trong kỳ báo cáo lần này không có tình trạng xin rút dự án luật ra khỏi Chương trình hàng năm, nhưng cần chú ý khắc phục tình trạng một số dự án luật xin lùi thời gian trình Quốc hội do chưa bảo đảm về chất lượng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lưu ý những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các năm trước đây nhưng chưa được khắc phục triệt để như: hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo đúng quy định; tính dự báo, “gối đầu” của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thấp; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian, tài liệu theo quy định.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoành Thanh Tùng đánh giá công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết trong năm 2022 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với thời gian trước, dù nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với sự chuyển biến tích cực từ Chính phủ, các bộ ngành, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều đổi mới trong thực hiện thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo “chuẩn bị từ sớm, từ xa” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, Bộ Tư pháp chủ động bổ sung một số thông tin như: tình hình chuẩn bị xây dựng các dự thảo văn bản quy định chi tiết nợ nhiều năm; bổ sung báo cáo các văn bản quy định chi tiết được phối hợp xây dựng, ban hành giữa Chính phủ và Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành sớm triển khai rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tinh-trang-cham-ban-hanh-van-ban-quy-dinh-chi-tiet-chua-duoc-khac-phuc-hieu-qua-i299927/