Tình Việt - Mỹ qua lời kể của cựu Tổng lãnh sự Việt Nam
Nhận nhiệm vụ làm Tổng lãnh sự Việt Nam ở San Francisco đúng vào thời gian đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, ông Nguyễn Trác Toàn được tận mắt chứng kiến mối giao bang, tình cảm và những hành động đẹp mà giới chức cùng nhân dân hai nước Việt - Mỹ dành cho nhau.
"Gian nan, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Rõ ràng, việc Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững đã phản ánh đúng thực tế quan hệ hai nước cũng như mong muốn, nguyện vọng của người dân hai bên", ông Nguyễn Trác Toàn nhấn mạnh.
1. Trò chuyện với chúng tôi vào một buổi chiều giữa tháng 9, khi tiết trời đã vào thu, ông Nguyễn Trác Toàn bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những lần tham dự lễ thượng cờ Việt Nam trước cửa Tòa Thị chính thành phố San Francisco. "Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 là Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và chính quyền thành phố lại trịnh trọng tổ chức lễ kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam treo lên mặt tiền Tòa Thị chính. Chứng kiến cờ Tổ quốc mình tung bay trên bầu trời nước Mỹ, tôi tự hào và xúc động. Dù đây là sự kiện chính trị thường niên nhưng nó cũng mang nhiều ý nghĩa trong việc vun đắp quan hệ hai nước, nhất là khi hai bên đang ngày càng triển khai nhiều hoạt động gắn kết, tương trợ nhau trên các lĩnh vực", ông Nguyễn Trác Toàn chia sẻ.
Đã về Việt Nam được gần 1 năm, ông vẫn luôn nhớ những câu chuyện đầy tình người ở xứ bạn. "Năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ ở Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Hôm đó, tôi đang ra sân bay sau chuyến công tác để từ Alaska về San Francisco thì nhận được thông tin bà con Việt kiều đã quyên góp được 250 máy trợ thở về đến kho. Tôi mừng lắm. Vì lúc đó, Mỹ đã qua đỉnh dịch COVID-19 và kinh nghiệm cho thấy, máy trợ thở cực kỳ quan trọng. 250 máy này nếu về Việt Nam sớm, sẽ góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân". Ngay lập tức, ông đã điện thoại yêu cầu Phó Lãnh sự cùng anh em trong cơ quan đại diện xin giấy phép, chuyển sớm máy trợ thở về nước.
Nhưng, ngày hôm đó đã là chiều muộn thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật, các cơ quan công quyền ở Mỹ đều nghỉ làm. Mà theo lịch, máy bay của Vietnam Airlines thứ hai sang sẽ bay về luôn. Các nhân viên ở Tổng lãnh sự quán đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vận dụng mọi mối quan hệ và nhờ cậy các nhân viên cũng như giới chức thành phố San Francisco...
"Thời gian gấp gáp, may mắn là chính quyền thành phố San Francisco đã tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, giúp chúng tôi làm việc với các cơ quan chức năng hàng không ở sân bay San Francisco. Chỉ trong một buổi sáng, gần sát đến giờ máy bay cất cánh, chúng tôi nhận được thông tin là các cơ quan chức năng Mỹ đã thông qua thủ tục. Sung sướng vô cùng. Tôi đã gửi lời cảm ơn chính quyền thành phố và cơ quan an ninh hàng không Mỹ. Nếu họ không thúc đẩy thủ tục nhanh chóng thì không biết bao giờ chúng tôi mới có thể chuyển được máy trợ thở về được".
2. Một nhiệm kỳ công tác ở San Francisco, quãng thời gian 3 năm không dài nhưng giúp ông Toàn hiểu hơn về nước Mỹ, con người Mỹ, bà con Việt kiều và mối quan hệ giữa hai nước. Có nhiều câu chuyện hết sức đời thường, diễn ra trong cuộc sống, trong mối quan hệ hai bên nhưng lại phản ánh đúng tình cảm mà người dân hai nước dành cho nhau, phản ánh đúng thực chất sự gắn bó ngày càng sâu đậm với mong muốn góp một phần nỗ lực hòa giải, gắn kết hai quốc gia.
Năm 2019, khi đến thăm bang Oregon, ông được Thống đốc bang Kate Brown kể rằng từng đến Việt Nam, rất có cảm tình với đất nước, con người Việt Nam và mong muốn được trở lại Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Cuối năm 2022, Thống đốc Kate Brown đã tới Việt Nam lần thứ 2 với sự tháp tùng của nhiều doanh nghiệp, nhấn mạnh bang Oregon đang trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam và hai bên đã triển khai tốt các lĩnh vực hợp tác trong Ý định thư hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và bang Oregon. Đặc biệt, Thống đốc Kate Brown còn nhân chuyến thăm của mình, thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ và các tình huống khẩn cấp; nhấn mạnh, đây là vì sự an toàn cho người dân.
Còn ở Utah, một bang đang rất mạnh về công nghệ cao, Thống đốc bang Spencer Cox luôn nhất quán khẳng định, quan hệ hợp tác giữa hai nước phát triển để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tháng 12/2021, mặc dù Mỹ và Việt Nam khác biệt lớn về múi giờ, Thống đốc Spencer Cox vẫn nhận lời mời tham gia trực tuyến (vào buổi đêm - theo giờ Mỹ) Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số" do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Và sau buổi dự họp hôm đó, cùng cuộc làm việc khác với các đoàn công tác của Việt Nam sang Mỹ, Thống đốc Spencer Cox đã có chỉ đạo tăng cường quan hệ với Việt Nam. Để rồi đến đầu năm 2023, một phái đoàn đầu tư lớn của bang Utah đã sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường…
Tháng 8/2020, khi Mỹ đang bị dịch COVID-19 nặng, TP Hồ Chí Minh tổ chức "Diễn đàn Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh - Hoa Kỳ với chủ đề "Thúc đẩy quan hệ đối tác, sáng tạo vì tương lai thịnh vượng", Giám đốc Kinh tế đối ngoại của thành phố San Francisco là ông Mark Chandler dù đang đi nghỉ cùng gia đình, vẫn sẵn lòng thay Thị trưởng tham dự diễn đàn để cùng đóng góp, đưa ra các định hướng hợp tác cụ thể giữa TP Hồ Chí Minh - Mỹ nói chung và TP Hồ Chí Minh - San Francisco nói riêng trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Thói quen của người Mỹ cũng như ở nhiều nước khác là vào ngày nghỉ, họ tạm gác hết công việc, hoàn toàn không tham gia bất cứ một việc gì. Kỳ nghỉ của họ là chỉ dành riêng cho họ và gia đình. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, ông Mark Chandler vẫn nhận lời tham gia để thể hiện sự ủng hộ Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với TP Hồ Chí Minh cũng như các đối tác khác ở Việt Nam. Một việc tuy nhỏ nhưng lại thể hiện sự chân tình, hữu nghị và đầy thiện chí.
3. Giao lưu nhân dân, cho đến nay vẫn luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ. Nhiều người bạn Mỹ khi gặp lại ông Toàn vẫn thường nhắc đến những chiếc khẩu trang nhỏ bé mà Việt Nam đã gửi tặng đúng lúc nước Mỹ "lâm nguy" vì COVID-19. Giá trị của những chiếc khẩu trang này rất nhỏ nhưng nó lại thể hiện tấm lòng vì bạn bè của người Việt. Trong thời điểm đó, cái mà người Mỹ cần chính là những vật dụng thiết yếu, giúp họ chống chọi với virus SARS-CoV-2 và sinh tồn. Và Việt Nam sát cánh cùng nước Mỹ vượt qua những năm tháng khó khăn ấy.
TP Hồ Chí Minh và San Francisco đã cùng thành lập Ủy ban kết nghĩa. Gần 30 năm qua, các thành viên trong ủy ban này đã tích cực hoạt động để đóng góp cho quan hệ hai thành phố nói riêng và hai nước nói chung. "Điều mà tôi trực tiếp thấy, chứng kiến là khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Việt Nam, Giám đốc điều hành của Ủy ban kết nghĩa San Francisco - TP Hồ Chí Minh tuy đã 80 tuổi, sức khỏe yếu nhưng vẫn cùng các đồng nghiệp tích cực hoạt động, vận động để làm sao Mỹ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn. Thật đáng trân trọng. Họ đã góp tiếng nói chung ủng hộ Việt Nam, thể hiện tình cảm với Việt Nam", ông Nguyễn Trác Toàn kể.
Hay như tổ chức phi chính phủ Root of Peace do bà Heidi Kuhn là người sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành với phương châm "Biến những bãi mìn thành trang trại". Tổ chức này hoạt động tại Việt Nam từ năm 2010 và đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao vai trò kinh tế cho người dân sống ở những vùng mà đất bị ô nhiễm bởi bom mìn. Không chỉ vận động, quyên góp, giúp đỡ rất nhiều nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân bom mìn, tổ chức này còn giúp người dân địa phương gây dựng các trang trại hồ tiêu.
Vùng đất mà Root of Peace lựa chọn là Quảng Trị một thời khói lửa. Bằng các quan hệ của mình, bà Heidi Kuhn đã làm việc với những người thu mua ở Mỹ và điều phối việc vận chuyển tiêu đen Quảng Trị lần đầu tiên qua Thái Bình Dương, bán cho Công ty Morton & Bassett Spice ở San Francisco để bày bán trên các kệ hàng ở Mỹ. Nhiều gia đình ở Quảng Trị đã có thu nhập ổn định hơn nhờ vào chương trình này. Một hoạt động đẹp, có ý nghĩa rất lớn về hàn gắn vết thương chiến tranh.
Từ con người đến con người, từ trái tim đến trái tim, rõ ràng, người dân hai nước Việt - Mỹ đang xích lại gần nhau hơn, cùng sẻ chia vì một tương lai mới, đem lại hòa bình, sự phồn thịnh cho tất cả mọi người.