Tổ chức giao thông tổng thể tại hai tuyến cửa ngõ đang là 'bài toán' khó

'Việc tổ chức giao thông trên hai tuyến phố, gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (từ Ngã Tư Sở xuống cầu Mới - Hà Đông) và Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông) là 'bài toán' khó, cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp tối ưu!' - lãnh đạo Hội Cầu đường Hà Nội nhấn mạnh khi đóng góp ý kiến với Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) về công tác tổ chức giao thông trên hai tuyến phố cửa ngõ này.

Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông

Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông

Theo Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân, cả hai tuyến phố trên đều là trục giao thông chính cửa ngõ phía Tây - Nam Thủ đô; hội tụ đầy đủ các loại hình phương tiện tham gia giao thông (tàu điện trên cao, buýt nhanh BRT, buýt thường, ô tô, xe máy, xe đạp) với mật độ giao thông lớn. Đây cũng là hai trục giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc và va chạm giao thông do lưu lượng phương tiện vượt quá tiết diện mặt đường.

Việc tổ chức giao thông của khu vực này là "bài toán" khó bởi mật độ giao thông lớn, mặt đường các tuyến phố tuy đủ rộng nhưng độ rộng mặt đường các tuyến cắt ngang chưa tương thích (trừ Vành đai 3, nút giao Nguyễn Trãi, nút giao Lê Trọng Tấn). Loại hình tàu điện trên cao, buýt nhanh BRT là loại hình vận tải tiên tiến nhưng ở Hà Nội mới chỉ là đơn tuyến, chưa có các tuyến khác kết nối nên chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, trong tương lai không xa, chính loại hình vận tải này sẽ giúp giải quyết "bài toán" vận tải hành khách công cộng trong một đô thị phát triển. Do đó, vẫn cần tôn trọng và dành sự ưu tiên cao độ cho loại hình vận tải công cộng này trong công tác tổ chức giao thông. Từ đó, việc thiết kế, tổ chức giao thông phải được cân nhắc với các giải pháp ưu tiên cho phát triển tàu điện trên cao, buýt nhanh BRT và buýt thường; hạn chế phương tiện cá nhân. Mặt khác, việc thiết kế, tổ chức giao thông phải trên cơ sở khai thác tốt nhất diện tích đường hiện có, kể cả vỉa hè và không gian phụ cận, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Từ những vấn đề cần quan tâm nói trên, Hội Cầu đường Hà Nội đề xuất, với tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, đơn vị tư vấn cần nghiên cứu tách dòng phương tiện theo hướng ưu tiên dòng phương tiện đi thẳng và chỉ cho rẽ trái tại các nút có đèn tín hiệu (dòng rẽ trái và quay đầu đi chung nhịp đèn). Các nút không có đèn tín hiệu, nghiên cứu cho đi thẳng và quay đầu tại nút có đèn. Dòng phương tiện di chuyển ngắn muốn rẽ phải bắt buộc phải đi làn ngoài phía phải; điều chỉnh lại nhịp đèn tín hiệu cho phù hợp lưu lượng thực tế nhưng vẫn tuân thủ ưu tiên đi thẳng. Riêng hướng rẽ trái tại đường Khuất Duy Tiến, cần ưu tiên cho hướng từ nội đô đi ra; dành các bãi đỗ xe cho khách đi tàu điện trên cao.

Với tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình - Lê Trọng Tấn - Quang Trung (Hà Đông), vẫn phải duy trì sự ưu tiên cho tuyến buýt nhanh BRT. Làm tốt công tác này sẽ tạo nền nếp tham gia giao thông tốt cho người lái xe; hạn chế dần các tuyến buýt đi trùng và cấm taxi (kể cả taxi công nghệ) đi vào tuyến này để dành khách cho buýt nhanh BRT, đồng thời góp phần hạn chế ùn tắc.

Đồng thời, nghiên cứu đầu tư mở rộng các tuyến ngang để hỗ trợ tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú, tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long. Về lâu dài, phải mở thêm các tuyến dọc chạy song song với tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu; có giải pháp hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các tuyến phố này để bán hàng rong, lập bãi đỗ xe trái phép tại các công trình giao thông...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1036729/to-chuc-giao-thong-tong-the-tai-hai-tuyen-cua-ngo-dang-la-bai-toan-kho