Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tiến thêm một bước dài tới trật tự đa cực

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vừa khép lại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 tại Astana, Kazakhstan với những bước tiến dài quan trọng của quá trình hội nhập Á - Âu cả về kinh tế lẫn an ninh.

Nguồn: Asia Times

Nguồn: Asia Times

Hội nghị Thượng đỉnh SCO năm nay với khẩu hiệu “Tăng cường đối thoại đa phương - Phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững”, tập hợp các nhà lãnh đạo của các quốc gia đại diện cho 80% diện tích đất liền Á - Âu, 40% dân số toàn cầu và gần 30% GDP thế giới. Thành quả của hơn hai thập kỷ ngoại giao liên Á - Âu, SCO đã mở rộng ra 10 thành viên chính thức (Belarus gia nhập tại Hội nghị Thượng đỉnh) và 14 "đối tác đối thoại" từ châu Á và Trung Đông, bao gồm cả Ảrập Xêút.

Tham gia hội nghị lần này có các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên gồm Kazakhstan, Iran, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và Ngoại trưởng Ấn Độ, đi thay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người vắng mặt vì có chuyến công du Liên bang Nga.

Đây là Hội nghị thượng đỉnh SCO đầu tiên được tổ chức theo hình thức “cuộc họp của Hội đồng Nguyên thủ các nước thành viên SCO” và cuộc họp “SCO Plus” với các khách mời quan trọng. Các cuộc thảo luận của hội nghị không chỉ có sự tham gia của nguyên thủ các quốc gia thành viên mà còn có các khách mời như Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tiểu vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani, Người đứng đầu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Sergei Lebedev và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) Imangali Tasmagambetov. Khách mời danh dự là Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Thông qua 25 văn kiện chiến lược

Hội nghị có hơn 140 sự kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau được tổ chức. Một trong những sự kiện quan trọng của hội nghị thượng đỉnh Astana là lễ ký kết các văn kiện liên quan đến việc Belarus gia nhập SCO, trở thành thành viên chính thức thứ 10 của tổ chức này.

Bên cạnh đó, nguyên thủ các nước thành viên SCO đã thông qua 25 văn kiện chiến lược bao trùm các lĩnh vực bao gồm năng lượng, an ninh, thương mại, môi trường và tài chính.

Đặc biệt, Sáng kiến "Thống nhất toàn cầu vì công bằng, hòa hợp và phát triển" được coi là một bước tiến tới một trật tự đa cực. Sáng kiến này nhằm phát triển các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực ổn định và an ninh, chủ yếu ở khu vực Á - Âu, đảm bảo điều kiện tăng trưởng bền vững cho tất cả các nước, bất chấp sự khác biệt về hệ thống chính tri, tôn giáo và văn hóa.

Ngoài ra, Hội nghị cũng thông qua Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035; Chiến lược chống ma túy giai đoạn 2024 - 2029; Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan giai đoạn 2025 - 2027 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế SCO đến năm 2030.

Trong khuôn khổ Hội nghị, chiến lược phát triển hợp tác năng lượng đến năm 2030 do người đứng đầu các cơ quan năng lượng nhất trí tại cuộc họp SCO ở thủ đô Kazakhstan vào tháng 6, đã được phê duyệt. Theo quyết định của Hội đồng Nguyên thủ SCO, thành phố Thanh Đảo của Trung Quốc được tuyên bố là Thủ đô du lịch và văn hóa của Tổ chức trong giai đoạn 2024 - 2025.

Kết thúc hội nghị, các bên tham gia đã ký Tuyên bố Astana về các nguyên tắc láng giềng tốt đẹp, tin cậy và hợp tác; Tuyên bố về nước uống an toàn và vệ sinh, Tuyên bố về quản lý chất thải hiệu quả, Thỏa thuận giữa Chính phủ các nước SCO về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác.

Củng cố khái niệm an ninh Á - Âu

Một trong những bước đi quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh lần này là các nước Á - Âu đang có động thái thiết lập một khuôn khổ an ninh tập thể không thể chia cắt, lấy Á - Âu làm trung tâm, có thể hoạt động song song với cấu trúc an ninh quốc tế khác.

Như đã nêu trong Tuyên bố Astana, tất cả các bên tham gia SCO nhấn mạnh cam kết trong việc hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng dựa trên vai trò trung tâm của LHQ, luật pháp quốc tế và mong muốn của các quốc gia có chủ quyền về quan hệ đối tác cùng có lợi. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị cũng kêu gọi phi quân sự hóa không gian, tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, tuân thủ nghiêm ngặt Công ước cấm phát triển và sản xuất vũ khí sinh học và độc hại, đồng thời cải cách toàn diện cơ chế hệ thống LHQ nhằm tăng cường quyền lực của tổ chức này.

“Các quốc gia thành viên coi những nỗ lực được của từng quốc gia hoặc nhóm quốc gia nhằm đảm bảo an ninh cho riêng mình bằng cách gây tổn hại đến an ninh của các quốc gia khác là không thể chấp nhận được”, Tuyên bố có đoạn.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan - một khách mời tại Hội nghị bày tỏ: “Bất chấp mọi trở ngại, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng một hệ thống quốc tế hiệu quả, nơi mà quyền lực tạo nên sức mạnh - chứ không phải ngược lại - và bao trùm toàn thể nhân loại, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, giải quyết chênh lệch kinh tế và xóa bỏ bất công toàn cầu”.

Các quốc gia thành viên sẽ hoan nghênh bất kỳ quốc gia Á - Âu nào tham gia SCO, tùy thuộc vào các tiêu chí gia nhập thông thường. Danh sách những nước nộp đơn ngày càng được mở rộng. Điều này giải thích một phần lý do tại sao có sự hiện diện của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Quốc vương Sheikh Saud bin Saqr Al Qasimi, Thành viên Hội đồng Tối cao và là Tiểu vương của Ras Al Khaimah thuộc UAE tại Hội nghị thượng đỉnh.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, đang chuẩn bị đăng ký trở thành thành viên chính thức, theo bước chân của Iran. "Chúng tôi muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ với Nga và Trung Quốc trong SCO. Chúng tôi tin rằng SCO sẽ chấp nhận chúng tôi không chỉ với tư cách là “đối tác đối thoại” mà còn là một thành viên”, ông Erdogan phát biểu.

Chủ tịch SCO và chủ trì hội nghị, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev, đã nhấn mạnh trọng tâm cơ bản của hội nghị thượng đỉnh về an ninh: “Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng do những mâu thuẫn địa chính trị chưa từng có và tiềm năng xung đột ngày càng gia tăng. Cấu trúc an ninh quốc tế đang bị đe dọa, có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho toàn thể nhân loại. Trong giai đoạn quan trọng như vậy, chúng ta có trách nhiệm to lớn trong việc củng cố hòa bình, ổn định và an ninh thông qua các nỗ lực chung ở cấp độ khu vực và toàn cầu”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nêu quan điểm tương tự: “Bất kể bối cảnh quốc tế thay đổi như thế nào, SCO phải duy trì một hệ thống an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững. An ninh thực sự được xây dựng trên cơ sở an ninh của tất cả các quốc gia”.

Tổng thống Mirziyoyev của Uzbekistan tuyên bố rằng các thành viên SCO nên “tăng cường nỗ lực chung để củng cố bầu không khí tin cậy và hữu nghị trong SCO, xóa bỏ mọi rào cản hợp tác. Trước tiên, cần phải tiến hành đánh giá lại toàn diện nền tảng khái niệm hỗ trợ các hoạt động an ninh của SCO”.

Thúc đẩy hệ thống thanh toán nội bộ

Tại Hội nghị, các thành viên SCO tái khẳng định ý định tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong giao dịch giữa các quốc gia và kêu gọi mở rộng các hệ thống thanh toán không thuộc SWIFT.

“Quá trình chuyển đổi sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia đã đạt được động lực tích cực”, Tổng thống nước chủ nhà nêu rõ. Còn Tuyên bố Astana có đoạn: “Các quốc gia thành viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia quan tâm tiếp tục thực hiện SCO để tăng dần tỷ trọng tiền tệ quốc gia”.

Tuyên bố Astana 2024 không phải là bản sao chép đơn giản của Tuyên bố Samarkand 2022. Theo cơ chế SCO plus, Tuyên bố Astana đại diện cho một tập hợp các tuyên bố và nguyên tắc chu đáo về sáng kiến và chính sách của các thành viên. Mục tiêu của SCO là tạo ra một khuôn khổ an ninh tập thể mới lấy Á - Âu làm trung tâm, công nhận quyền tự chủ của các quốc gia độc lập trong một thế giới đa cực và nguyên tắc "hòa bình sẽ được củng cố tốt nhất thông qua chính sách đối ngoại vì lợi ích chung".

Quỳnh Vũ (Theo Asia Times, Astana Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/to-chuc-hop-tac-thuong-hai-tien-them-mot-buoc-dai-toi-trat-tu-da-cuc-i380158/