Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúcMạnh mẽ vì người yếu thếLàm đẹp đường quê

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Mạnh mẽ vì người yếu thế

Bước ra từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một nách nuôi 3 con nhỏ, không tiền, không đất sản xuất, không nơi nương tựa... cứ tưởng cuộc đời sẽ xô ngã người phụ nữ bé nhỏ ấy. Nhưng không, chị đã mạnh mẽ đứng lên, chăm lo chu toàn chuyện con cái. Ðặc biệt, chị còn là chỗ dựa cho hơn 25 chị em khuyết tật, kém may mắn. Người chúng tôi nhắc đến là chị Lê Thị Hồng Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Nguyễn Huế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khuyết tật xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.

Tuyến đường do chị Phương vận động chị em trong ấp trồng cây cảnh, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo không gian sạch - đẹp quanh nhà.

Tuyến đường do chị Phương vận động chị em trong ấp trồng cây cảnh, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo không gian sạch - đẹp quanh nhà.

Cách đây hơn 5 năm, tôi có dịp gặp chị và viết bài về sinh kế cho phụ nữ nông thôn. Giờ gặp lại, vẫn dáng người nhỏ nhắn ấy, nhưng gương mặt chị đã hằn thêm những vết chân chim. Chị Phương cười hiền và luôn miệng kể về những chị em trong CLB: “Giờ các chị giỏi nghề rồi nên nhận nguyên liệu về nhà làm để tiện chăm sóc gia đình. Chị nào khỏe thì tự mang hàng ra cho tôi, còn chị nào khó khăn thì tôi vào tận nơi chở giúp. Khi cần đan mẫu mới thì mọi người tập hợp lại để người của công ty đến hướng dẫn”.

Nhớ lại những ngày mới thành lập CLB, chị Phương phải đến từng nhà để vận động thành viên. Ða phần các chị bị khuyết tật do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, nhiều chị đi lại khó khăn nên rất ngại đến chỗ đông người. Thế nhưng, bằng sự chân thành, chị Phương đã làm được điều tưởng chừng không thể. Lúc đầu các chị tập làm các sản phẩm kết hoa đá pha lê, thêu tranh đính đá. Về sau, khi hợp đồng được với công ty, các chị bắt đầu đan các sản phẩm bằng dây lục bình để xuất khẩu...

Chị Phương trân quý chiếc tủ trưng bày các sản phẩm của CLB.

Chị Phương trân quý chiếc tủ trưng bày các sản phẩm của CLB.

Hoàn cảnh nào đi lại khó khăn, chị Phương tình nguyện đưa rước ngày 2 bận để giúp các chị đến lớp đều đặn. Theo thời gian, các chị trở nên thân thiết, cởi mở tâm lý, CLB lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Chị Lê Thị Mười chia sẻ: “Tôi bị khuyết tật ở đôi chân, kinh tế phụ thuộc vào thu nhập của người chồng làm thuê, cuộc sống vô vàn khó khăn. Hồi mới học nghề, tôi cũng gặp trở ngại, mặc cảm, nhờ chị Phương và mọi người động viên nên đã không bỏ cuộc. Giờ mỗi tháng tôi kiếm được từ 2-3 triệu đồng, cuộc sống dần khởi sắc hơn”.

Chị Phương (bên phải) đến thăm các gia đình khó khăn về điều kiện đi lại, để giúp họ chở hàng giao cho khách.

Chị Phương (bên phải) đến thăm các gia đình khó khăn về điều kiện đi lại, để giúp họ chở hàng giao cho khách.

Ðiểm chung của các thành viên khi đến với CLB đều bắt đầu bằng con số không. Có lẽ vì thế mà giữa chị Phương và các chị có sự đồng cảm. Ngày ấy, để có được sản phẩm, chị Phương phải bỏ tiền túi mua nguyên liệu và hướng dẫn các chị học nghề. Rồi cũng chính chị Phương chạy đôn chạy đáo đi tìm đầu ra, để có tiền trả công cho chị em. Qua gần 8 năm hoạt động, CLB Phụ nữ khuyết tật xã Tân Bằng đã thu hút được gần 100 người tham gia, trở thành điểm sáng giúp phụ nữ khuyết tật vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài 25 chị khuyết tật, CLB còn mở rộng thêm các thành viên mới, là những phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Trong năm qua, thành viên CLB đã tạo ra hơn 25 ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, với tổng giá trị gần 500 triệu đồng.

Chị em trong CLB Người khuyết tật nhận tiền hỗ trợ của Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật”.

Chị em trong CLB Người khuyết tật nhận tiền hỗ trợ của Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật”.

Trong vai trò Chi ủy viên Chi bộ ấp Nguyễn Huế, chị Phương đề xuất cùng tập thể các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, nhất là phụ nữ. Chị Phương khởi xướng thành lập Tổ hợp tác cắt dây trói cua, đứng ra nhận hàng rồi phân phát lại cho chị em cùng làm, tăng thêm thu nhập. Mới đây, CLB có 10 người đủ điều kiện nhận nguồn vốn hỗ trợ sinh kế của tổ chức Hỗ trợ Người khuyết tật Việt Nam. Chị Phương lại tiếp tục hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn hiệu quả, vươn lên, tự tin trong cuộc sống.

Làm đẹp đường quê

Mỗi khi hay tin ở đâu có những đoạn đường bị hư hỏng, xuống cấp, là các cựu chiến binh (CCB) xã Trí Phải, huyện Thới Bình kịp thời đưa phương tiện, vật tư đến để giặm vá, giúp người dân đi lại thuận tiện, đường quê thêm thông thoáng, sạch - đẹp.

Hội CCB xã Trí Phải có 7 chi hội, với 180 hội viên. Mỗi chi hội cử từ 2-3 hội viên, phối hợp với công chức địa chính - xây dựng của xã đi kiểm tra thực tế các tuyến đường, xác định những nơi cần vá. Sau đó họp bàn kế hoạch, tính toán kinh phí, vật tư, nhân lực thực hiện.

Hình ảnh những CCB vất vả giặm, vá các tuyến lộ khiến nhiều người thán phục.

Hình ảnh những CCB vất vả giặm, vá các tuyến lộ khiến nhiều người thán phục.

Ông Bùi Văn Kiệt, Chủ tịch Hội CCB xã, bộc bạch: “Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc vá lộ được duy trì, khơi dậy thành phong trào tại địa phương”.

Hình ảnh những CCB tuổi ngoài 70 bất chấp nắng nóng, vất vả khiêng từng bao xi măng, cát đá để giặm vá đường trên các tuyến giao thông nông thôn khiến nhiều người thán phục. Từ lối sống đẹp của các CCB, nhiều hộ dân trên địa bàn đồng lòng hưởng ứng, người góp đá, xi măng, người cho mượn dụng cụ, góp tiền, góp công cùng vá lộ.

Ði qua chiến tranh, hơn ai hết, những người lính Cụ Hồ luôn trân quý giá trị của hòa bình, đổi mới quê hương. Họ tiếp nối hành trình dựng xây bằng trách nhiệm và nghĩa cử nhân văn.

Ông Trần Văn Dư, Trưởng Ấp 4, bộc bạch: “Thấy các chú lom khom lấp vá từng chỗ lộ hư hỏng, tôi và bà con rất cảm phục, chúng tôi vận động bà con cùng góp tiền, góp sức, để công việc vá lộ được thuận lợi, nhanh chóng. Chúng tôi hy vọng mọi người nâng cao ý thức tự bảo quản con lộ qua nhà mình, thường xuyên dọn cỏ, trồng cây cảnh ven đường để tạo cảnh quan nông thôn sạch, đẹp”.

Kinh phí để giặm vá một phần được UBND xã cấp, phần còn lại vận động trong hội viên, Nhân dân đóng góp. Sau gần 3 năm mô hình vá lộ của Hội CCB xã Trí Phải đi vào hoạt động, đến nay đã huy động được trên 30 triệu đồng để vá hơn 7 km đường nông thôn. Hơn hết là lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, người dân thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ các công trình giao thông, chung tay cùng xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Mỗi người, dù nơi ở, hoàn cảnh, công việc khác nhau, song họ đều gặp nhau ở tấm lòng nhân ái và hành động tử tế vì cộng đồng. Ở Cà Mau, vẫn còn biết bao người ngày ngày thầm lặng với công tác thiện nguyện, giúp đỡ trẻ bất hạnh, người bệnh tật... lan tỏa nét đẹp tình người giữa cuộc sống bộn bề./.

Mộng Thường - Kim Cương

Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/to-tham-vuon-hoa-tu-te-bai-2-nguoi-gieo-hanh-phuc-a35379.html