Tòa án có nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ hay không?

Một nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận khi cho ý kiến với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là tòa án có nhiệm vụ thu thập tài liệu, chứng cứ hay không? Có ý kiến cho rằng, tòa án thu thập chứng cứ dẫn đến một số hệ lụy như tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán, khiến cá nhân và tổ chức quên nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân. Nếu cứ giữ vai trò Tòa án thu thập chứng cứ tức là bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người dân.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình trước Quốc hội

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình trước Quốc hội

Đề cao vai trò của đương sự trong chứng minh vụ việc

Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là quy định hoàn toàn mới so với Luật hiện hành. Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), quy định này phù hợp với thực tiễn và xu thế hiện nay, phù hợp với các nguyên tắc pháp luật và các quy định về tố tụng hiện hành. Tòa án thu thập tài liệu cho đương sự vô hình trung đã làm thay việc cho đương sự, khiến họ trông chờ vào tòa án, lâu dần dẫn đến tình trạng quá tải trong công việc. Hơn nữa, việc đương sự tự thu thập, giao nộp chứng cứ phù hợp với thông lệ quốc tế hiện nay. Một số nước tiên tiến trên thế giới đã đề cao vai trò đương sự trong việc chứng minh sự việc. Như vậy, theo dự thảo Luật, đương sự được tạo điều kiện thuận lợi hơn so với Luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, trong thực tiễn, có một số trường hợp, khi tòa án yêu cầu án yêu cầu thu thập, giao nộp tài liệu liên quan đến một số cơ quan nhà nước và tổ chức còn gặp nhiều khó khăn. Nếu đương sự tự mình thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến cơ quan, tổ chức thì sẽ gặp khó khăn hơn nữa. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính đề nghị, bổ sung quy định tòa án hỗ trợ đương sự trong việc xác minh, thu thập tài liệu do các cơ quan nhà nước, tổ chức đang lưu giữ, quản lý hồ sơ.

Dùng quyền tranh luận, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, người dân không có hiểu biết sâu, do vậy cần thiết quy định Tòa án thực hiện thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, Việt Nam theo hệ dân luật, trong đó, Tòa án và thẩm phán chủ trì trong việc xem xét và cần thiết thì thu thập chứng cứ. Hơn nữa, tên gọi Tòa án nhân dân chỉ có ở Việt Nam, trong khi ở các nước không có tên là Tòa án nhân dân; điều kiện của Việt Nam có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, dân trí, văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó, rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu "khoán" cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

“Tòa án chủ trì việc thu thập chứng cứ không mâu thuẫn với các bên tự thu thập chứng cứ, nhưng mỗi bên đều thu thập những chứng cứ có lợi cho mình và giấu đi những chứng cứ bất lợi cho mình. Vì các bên không giải quyết được, nên phải tìm đến tòa án và tìm đến tòa án là tìm đến “ông bao công” để ra phán quyết công bằng cho các bên”. Nêu vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, sửa luật là để thuận lợi hơn cho người dân, bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn hay để thuận lợi hơn cho tòa án? Nếu để thuận lợi hơn cho người dân thì không nên bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của tòa án.

Không đẩy cái khó cho người dân

Cho rằng, hiện nay chưa có một văn bản chính thức xác định mô hình tố tụng của nước ta là theo dân luật hay thông luật, mà trong quá trình nghiên cứu đổi mới theo xu thế quốc tế chúng ta áp dụng những tinh hoa, những vấn đề có lợi và phù hợp với thực tiễn trong nước. Nêu vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) chỉ ra, hiện nay, Nghị quyết số 49 - NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định rõ: xét xử và nâng cao tính tranh tụng và lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa là cơ sở để phán quyết tiếp. Kết luận số 84 - KL/TW của Bộ Chính trị ngày 29.7.2020 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp cũng khẳng định tiếp tục cải cách pháp theo hướng tranh tụng. Gần đây nhất, Nghị quyết số 27 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cũng đã nêu: tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Phong (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Hướng tới Nhà nước pháp quyền XHCN, thì người dân phải thực hiện theo đúng các quy định pháp luật. Và bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức của Nhà nước phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý để bảo vệ cho quyền lợi của mình. Đây là một sự đổi mới căn cơ, phải mạnh dạn áp dụng, đại biểu Lê Thanh Phong nói. Theo đại biểu, đây không phải là việc đẩy khó cho người dân, mà là một cơ chế tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình trong điều kiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Thực thế, trong quá trình xét xử Tòa án cũng dựa trên các chứng cứ của các bên đương sự thu thập để đi thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ của các bên đương sự cung cấp, lời bào chữa của luật sư, kết quả tranh tụng… "Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của thẩm phán, hội đồng xét xử phải làm, không thể nhầm lẫn là tòa án thu thập chứng cứ để xử, mà tòa án chỉ thẩm tra, xác minh chứng cứ của các bên đưa ra".

Đại biểu Quốc hội Mai Khanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Mai Khanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Từ thực tiễn công tác tại ngành tòa án, ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) cho biết thêm,khi các đương sự gửi đơn đến Tòa án, đa phần việc thu thập chứng cứ đều dựa vào Tòa án. Điều này dẫn đến một số hệ lụy như: tình trạng nghi ngờ việc thu thập chứng cứ của thẩm phán; khiến cá nhân và tổ chức "quên" nhiệm vụ cung cấp chứng cứ cho các đương sự, người dân, dẫn tới các cơ quan, đơn vị trên lấy lý do khi Tòa án yêu cầu mới cung cấp chứng cứ cho người dân. Vì vậy, đại biểu khẳng định, đây là thời điểm rất cần thiết và phù hợp để thay đổi vấn đề này. Nếu cứ giữ vai trò Tòa án thu thập chứng cứ tức là bỏ qua vai trò của các cơ quan khác nắm giữ chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho người dân.

Giải trình trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế, “khi chúng tôi thu thập chứng cứ có lợi cho bên nguyên, thì bên Viện cho rằng, chúng tôi đã nghiêng về bên nguyên. Chúng tôi thu thập chứng cứ có lợi cho bên bị thì bên Viện cho rằng ủng hộ bên bị. Nhân dân chờ đợi phán quyết công tâm, khách quan, công bằng, chứ không phải chờ đợi ở việc thu thập chứng cứ, song xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ chứng cứ của các bên khác”.

Đối với lo ngại người yếu thế làm thế nào để thu thập chứng cứ, Chánh án khẳng định, "sẽ hỗ trợ người dân bằng các quyết định giao nộp chứng cứ và các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ cung cấp cho người dân, kể cả bên nguyên và bên bị. Ai không chấp hành quyết định này, thì theo Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tòa án có quyền xử phạt".

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu giải trình, lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổng hợp xử lý kỹ lưỡng, thận trọng, toàn diện dự án Luật, nhất là những nội dung mới, còn ý kiến khác nhau, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 27 - NQ/TW, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để cho ý kiến vào dự án Luật trước khi tiếp thu hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/toa-an-co-nhiem-vu-thu-thap-tai-lieu-chung-cu-hay-khong--i351125/