'Tôi chạy trên mặt Biển Đông': Ai cũng có quyền mơ ước

'Tôi chạy trên mặt Biển Đông' chắc chắn là một câu không thể chấp nhận (vì không thể xảy ra trong hiện thực). Tuy nhiên người nói hoàn toàn có thể biến câu này được chấp nhận nếu đưa vào một phát ngôn khác: 'Tôi mơ thấy mình chạy trên mặt Biển Đông'.

Một người bình thường, chạy bình thường (chạy: di chuyển thân thể bằng những bước nhanh, mạnh và liên tiếp) lại có thể “chạy” trên mặt nước bình thường (trên Biển Đông hay sông Hồng, chẳng hạn) (trừ trường hợp ai đó chạy trên sông Oder (ở Ba Lan) hay sông Thames (ở Anh) vào mùa băng giá).

Nhưng, theo GS. Nguyễn Đức Dân, người nói hoàn toàn có thể biến câu này được chấp nhận nếu đưa vào một phát ngôn khác: “Tôi mơ thấy mình chạy trên mặt Biển Đông”. Sở dĩ câu này hoàn toàn đúng (và hay nữa) về cấu trúc và ngữ nghĩa chính vì sự xuất hiện của từ “mơ”.

Một cảnh chạy trên mặt nước trong phim ảnh. Ảnh: TL

Một cảnh chạy trên mặt nước trong phim ảnh. Ảnh: TL

“Mơ” là một động từ, có 2 nghĩa: “1. thấy trong khi ngủ người hay việc mà thường ngày có thể nghĩ tới; 2. nghĩ tới và mong có được [những điều tốt đẹp ở trước mắt hoặc chưa hề có]” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Từ “mơ” cho phép chủ thể hành động nói một sự tình nào đó chưa xảy ra hoặc hoàn toàn chưa/ không thể xảy ra trong hiện thực: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ” (Lời bài hát “Em mơ gặp Bác Hồ” của Xuân Giao); “Cậu bảo: - Cũng không xa?/ – Nước Nga?/ - Ở nước ấy./ Và há mồm khoan khoái/ Lão ngồi mơ nước Nga.” (Tố Hữu), v.v.

“Mơ” có một tiền giả định từ vựng là “Trước đó chủ thể là người đang ngủ (nên mới chiêm bao) hay đang có một mục đích nào đó chưa thực hiện được (nên mới ước ao)”. Vì mơ nên người ta mong muốn về một sự thay đổi, một điều tốt đẹp, thậm chí một điều kỳ diệu (vượt quá sức tưởng tượng) đến với mình: mơ đỗ đại học điểm cao, mơ đạt huy chương vàng Olympic, “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới (Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ)” (Hồ Chí Minh)…

Vì vậy, có câu ngạn ngữ “Không ai đánh thuế giấc/ước mơ”. Ai cũng có quyền mơ ước về một điều lý tưởng hóa đối với mình. Đó cũng là hiện tượng bình thường, thường thấy trong cuộc sống con người.

Từ “mơ” được cho là đồng hành cùng từ “nếu”. “Nếu” là một từ trong cặp liên từ logic “nếu… thì…”. Nhiều khi người ta mong muốn một điều gì bằng một giả định có tính điều kiện:

Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng.

Nếu là hoa, tôi sẽ là một đóa hướng dương.

Nếu là mây, tôi sẽ là một vầng mây ấm.

Là người, tôi sẽ chết cho quê hương.

(Lời bài hát Tự nguyện – Trương Quốc Khánh)

Giả định theo logic kéo theo đó, có thể là một giả định hiện thực hoặc phi hiện thực. Trong bốn câu thơ trên, mỗi câu là một mong muốn (Nếu A thì B) và cả bốn câu đều nằm trong một lập luận đồng hướng: Nếu được là một cá thể (trong tập hợp cùng loại) nào đó (chim, hoa, mây, người) thì người nói muốn sẽ là một cá thể có phẩm chất, có giá trị (chim bồ câu trắng, hoa hướng dương, vầng mây ấm, người sẵn sàng chết cho quê hương).

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào một cái chai”. Chữ “nếu” cho phép người ta thể hiện một nguyện ước, giống như một ước mơ. Qua lời bài hát “Tự nguyện” (vừa dẫn trên), có thể thấy là người nói đang mong ước, đang “mơ” về việc thực hiện một ước nguyện cao cả (Đóng góp phần công sức của mình cho quê hương đang phải chịu cảnh lầm than, mất tự do độc lập).

Hay sao câu chuyện ngôn từ

Chữ “nếu” gần với chữ “mơ” đấy mà!

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/toi-chay-tren-mat-bien-dong-ai-cung-co-quyen-mo-uoc-39527.html