Tôi là Trần Văn Dương (30 tuổi) cùng vợ là Nguyễn Thị Hồng Hạnh (27 tuổi). Chúng tôi đã kết hôn cách đây 7 năm nhưng chưa thể có con. Hôm nay, chúng tôi từ Ninh Bình tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thăm khám với hy vọng có “tin vui” trong thời gian tới.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chúng tôi phải khai báo y tế trước khi vào bệnh viện. Từ 2014 đến nay, với mong mỏi có con, hai vợ chồng tìm đủ mọi cách điều trị nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với chúng tôi.
Tại bệnh viện, chúng tôi được bác sĩ Phạm Thị Mỹ thăm khám. Trong quá khứ, tôi từng mắc bệnh quai bị. Các bác sĩ nhận định di chứng của căn bệnh này có thể là nguyên nhân khiến tôi rất khó có con.
Chúng tôi được chỉ định làm một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, siêu âm,… Kết quả trong ngày cho thấy tôi xuất tinh không có tinh trùng, tinh hoàn bị teo nhỏ. Bác sĩ tư vấn tôi cần mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng (Micro TESE) để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Sau khi quyết định phương pháp can thiệp và hoàn thành hồ sơ bệnh án theo hướng dẫn, chúng tôi trở về nhà để chuẩn bị sức khỏe cũng như tâm lý. Đến ngày hẹn, vợ tôi bắt đầu được tiêm thuốc nhằm kích thích buồng trứng theo chỉ định của bác sĩ. Tùy phác đồ, công đoạn này sẽ được thực hiện liên tục từ 8-12 ngày. Trong thời gian này, vợ tôi có thể đến bệnh viện hoặc tự tiêm tại nhà theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
36 giờ sau mũi tiêm cuối cùng, tôi đưa vợ quay trở lại bệnh viện để các bác sĩ chọc trứng.
Cùng lúc đó, tôi được thực hiện mổ vi phẫu tinh hoàn để tìm và lấy tinh trùng tốt nhất.
Trứng của vợ và tinh trùng của tôi được đưa vào phòng thí nghiệm Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện để chuyên viên phôi học thực hiện thụ tinh.
Lúc này, thông qua hệ thống vi thao tác cùng độ phóng đại khoảng 200-300 lần, các kỹ thuật viên khéo léo tiêm một tinh trùng tốt nhất vào bào tương trứng để tạo phôi. Cách làm này cũng giúp tăng tỷ lệ thụ tinh thành công.
Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, phôi được chuyên viên phôi học nuôi cấy, theo dõi sự phát triển của phôi.
Vài ngày sau, chúng tôi nghe báo phôi và nhận tin phôi phát triển bình thường từ bệnh viện. Tôi cùng vợ mừng rỡ quay lại bệnh viện để chuẩn bị chuyển phôi. Đây là thủ thuật đưa phôi vào buồng tử cung, giúp phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi.
Bên cạnh phôi được chuyển, chúng tôi có thể yêu cầu lưu trữ đông lạnh những phôi còn lại nếu có nhu cầu sinh con trong tương lai. Việc này có thể giúp chúng tôi tiết kiệm khá nhiều chi phí cho lần sinh sau.
Trong 14 ngày tiếp theo, vợ tôi được hướng dẫn vận động nhẹ nhàng và hỗ trợ giai đoạn hoàng thể bằng một số loại thuốc. Sau thời gian này, tôi đưa vợ tới bệnh viện kiểm tra theo hẹn khám của bác sĩ. Chúng tôi vỡ òa khi xét nghiệm máu, kết quả Beta hCG cho thấy vợ tôi đã có dấu hiệu mang thai. Lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, tôi biết mình có thể được làm bố.
21 ngày sau chuyển phôi, tôi đưa vợ tới bệnh viện siêu âm xác định vị trí phôi làm tổ. Phôi của chúng tôi đã an toàn. Lần đầu tiên được thấy con giúp chúng tôi xóa tan mọi áp lực và khó khăn trong 7 năm qua.
Ở lần khám thai tiếp theo, chúng tôi rất vui khi được thấy những cử chỉ, hành động đầu tiên của con. Đây là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng.
Trở về nhà trong niềm vui khó tả, chúng tôi vẫn còn hành trình dài sắp tới để dưỡng thai và chuẩn bị cho sự xuất hiện đặc biệt của thiên thần nhỏ mà vợ chồng chờ đợi bấy lâu nay.
Phạm Thắng - Quốc Toàn