Tôi vẫn đợi cha từ dốc đê làng

Khác với rất nhiều người già, cha tôi không làm thượng thọ khi ông tròn tuổi 80. Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi đi chùa để lễ bái, nhưng chưa bao giờ ông thù hận một ai.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều.

Với ông, bất cứ con người nào cũng phải được hưởng tình yêu thương từ đồng loại của mình. Ông đã thực hiện điều đó suốt cả cuộc đời mình mà không dựa vào bất cứ giáo lý nào.

Năm 2007, cha tôi lâm trọng bệnh. Nhưng ông quyết tâm chữa bệnh với một nghị lực lớn lao. Ông muốn nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ngày 19/8/2007, cha tôi làm lễ nhận huy hiệu 60 tuổi Đảng. Trong buổi lễ đó, cha tôi rút từ trong túi bốn trang A4 viết tay về cuộc đời mình và đọc.

Tôi hoàn toàn bất ngờ. Mang tiếng có một đứa con là nhà văn, nhưng cha tôi chưa bao giờ nhờ tôi viết bất cứ văn bản nào mà cha tôi phải viết. Hơn nữa, lúc nào ông cũng nghĩ tôi sẽ viết sai điều ông muốn. Ông vẫn coi tôi là một đứa con bé bỏng, quá nhiều dại dột và nhiều khiếm khuyết. Nhưng bài phát biểu đó lại làm cho tất cả những người đến dự nghĩ rằng tôi đã chấp bút cho cha mình.

Khi tôi bắt đầu in những bài thơ đầu tiên thì cũng là lúc cha tôi bắt đầu lo lắng hơn về tôi. Cha tôi đã thức dậy trong đêm đọc rất kỹ những bài thơ đầu đời của tôi. Sau đó, cha tôi tìm cách ngăn cản việc làm thơ của con trai mình. Đã có đôi lúc tôi không hiểu đúng ông. Mãi sau này tôi mới hiểu, ông yêu tôi và lo sợ cho số phận con trai mình.

Cha tôi là con trai của một người thợ mộc. Những người đàn ông trong gia đình ở các thế hệ trước cha tôi không bao giờ sống được qua tuổi 53. Khi cha tôi tròn 70 tuổi, ông mừng lắm. Nhưng ông cương quyết không làm thượng thọ. Ông bảo làng xóm còn nghèo mà mình lại cỗ bàn ăn uống thì thật không nên. Rồi ông chỉ cho tôi ba chữ Nho trong nhà do ông nội tôi viết và bảo nghĩa của ba chữ đó là "vui trong tĩnh lặng". Lúc đó, tôi chưa thấm được tinh thần của ba chữ đó.

Phải ngoài tuổi 40 tôi mới thấu được lẽ đời ấy. Ông nội tôi đã hình dung ngôi nhà trong mười năm và cuối cùng dựng lên ngôi nhà đó. Trước khi mất, ông nội dặn cha tôi hai điều: Không bao giờ được làm bất cứ điều gì ác và không được bán ngôi nhà dù nghèo đói đến đâu. Cha tôi đã thực hiện được hai điều đó. Trước khi mất, cha tôi lại dặn anh em tôi đừng bán bất cứ một mẩu đất nào mà ông cha để lại. Cha tôi bảo con người đã bán đất để ăn thì sẽ chẳng bao giờ làm nổi việc gì nữa, và như vậy là đến thời mạt vận.

Tôi còn nhớ nhiều năm về trước, trong một đêm trăng khuya khoắt của làng quê, hai cha con tôi ngồi uống trà ngoài sân. Trong những cơn gió thổi về, tôi nghe tiếng cuốc từ cánh đồng xa buồn bã. Lâu lắm rồi tôi mới lại nghe tiếng cuốc.

Có những năm tháng dài, những con cuốc không biết đi đâu. Tôi hỏi thì cha tôi bảo người ta săn bắn chim chóc nhiều quá đến chẳng còn một con nào. Nhưng đêm ấy, tôi lại được nghe cuốc kêu. Tiếng cuốc kêu đều đều suốt đêm. Kêu như lời của một kẻ tri âm. Kêu như một nỗi buồn đau dằng dặc. Kêu như đang xé từng mảnh phổi của mình. Kêu như những bước chân tiến dần về cái chết. Kêu như nỗi oan ức của mọi thời đại. Và kêu…

Hai cha con tôi ngồi im lặng trong đêm trăng của làng quê. Bỗng cha tôi nói: Nếu hai anh em con có tiền thì xây một chái nhà lên 2-3 tầng, thành phố loạn lạc thì vợ chồng con cái về làng mà ở, nếu nước lớn thì có nơi mà chạy nước. Hai anh em cố mà làm sớm, con ạ. Tôi cảm thấy một luồng khí lạnh tràn qua người tôi. Cha tôi đã tham gia cách mạng nhiều năm nhưng bản chất ông vẫn là một người nông dân. Cha tôi không có ngôn ngữ ấy.

Cái ông thường xuyên nói, nói cả đời một cách giản dị, là đạo làm người. Những gì ông nói từ trước tới giờ không ngoài những việc cụ thể hàng ngày và với những người cụ thể trong làng, trong họ và trong gia đình. Câu nói của cha tôi đêm ấy là một thông điệp. Ai đó từ chốn cao xanh đã mượn cha tôi, một người già 80 tuổi, để truyền đi thông điệp ấy chăng? Sẽ có một thay đổi lớn lao hay một sự bất trắc khủng khiếp trong đời sống của chúng ta chăng? Có, tôi tin là có. Con người sẽ phải chịu những hậu họa khủng khiếp do chính con người gây ra.

Sau mấy chục năm đi làm Cách mạng, cha tôi về hưu với một tài sản mà thời nay không ai có thể tưởng tượng nổi: không đất cát, không nhà cửa, không tài khoản mà chỉ có một chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kỹ được mua phân phối và một chiếc tủ gỗ được cơ quan tặng.

Chiếc tủ đựng quần áo đánh véc-ni vàng như bôi nghệ. Ba năm sau chiếc tủ ấy sụp xuống vì mọt. Trong thời gian còn làm việc, cha tôi được phân một căn hộ. Nhưng ông đã không nhận. Cha tôi đề nghị cơ quan dành căn hộ đó cho một đôi vợ chồng cùng cơ quan lấy nhau đã nhiều năm nhưng vẫn không có nhà ở.

Cha tôi ngủ mấy chục năm trên một chiếc giường một ngay trong phòng làm việc của mình với chiếc quạt tai voi mà anh cả tôi mua từ Liên Xô về để biếu ông. Mỗi lần tôi đến thăm cha, ông lại nhường chiếc giường và chiếc quạt duy nhất cho tôi, còn ông trải chiếu ngủ trên sàn xi măng với một chiếc quạt giấy…

Thời gian trước khi cha tôi ra đi, cha tôi thường chăm sóc mẹ tôi rất đặc biệt. Mỗi khi mẹ tôi ra khỏi nhà, ông lại sửa áo, vén tóc cho mẹ tôi. Ông làm công việc đó một cách yêu thương và cẩn thận lạ lùng. Mặc dù đã rất yếu nhưng cha vẫn bảo mẹ ngồi xuống bên ông để ông cắt móng tay cho bà. Đã nhiều lần, cha tôi nói với mọi người rằng ông mang ơn mẹ tôi suốt đời. Những năm tháng chiến tranh, cha tôi triền miên vắng nhà.

Mẹ tôi đã chăm sóc mẹ chồng và 5 đứa con. Bà nội tôi ốm đau nằm liệt trên giường bốn năm liền. Mỗi đêm, mẹ tôi phải thức dậy năm, bảy lần để giúp bà tôi giở mình hay đại, tiểu tiện. Đêm nào cũng vậy và không kể đến những ngày bà tôi trái gió trở trời. Mẹ tôi đã lặng lẽ chăm sóc mẹ chồng trong khoảng 1.500 ngày và đêm như thế không một lời than vãn. Trước khi mất, bà tôi cầm tay người con dâu duy nhất là mẹ tôi và giàn giụa nước mắt mãi rồi mới ra đi…

Hai tháng trước ngày cha tôi mất, ông đã viết cáo phó cho chính mình. Khi cha tôi đưa bản cáo phó viết tay để tôi đánh máy và đưa đi in, tôi thực sự hoảng sợ. Tôi đã không dám đánh máy một chữ nào. Trong bản cáo phó viết tay của cha tôi có đoạn: “Cụ Nguyễn Gia Thâu đã từ trần hồi 8 giờ sáng… thọ 88 tuổi”.

Và cha tôi mất lúc 8 giờ 5 phút sáng.

Từ trước đó, cha tôi đã sai các chị em tôi mua những thứ cần thiết cho tang lễ của ông như vải vóc, nến, bát đũa… và ông muốn tận mắt nhìn thấy và kiểm tra những thứ đó được chuẩn bị như thế nào. Cha tôi nhờ một người con rể mua sẵn cho ông cả khung ảnh thờ. Cha tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự ra đi của mình. Cha bảo: “Sống phải đàng hoàng và chết càng phải đàng hoàng hơn con ạ”. Cha tôi dặn tôi nhiều lần rằng nếu ai đó viết điếu văn cho ông thì không được viết những lời to tát. Và lần nào cha tôi cũng nói: “Phải khiêm tốn con ạ. Đã kiêu ngạo thì nghĩa là chưa hiểu biết đến nơi đến chốn”.

Giờ đây, cha tôi đã về đến cõi thiên thu. Trong thời gian bệnh nặng, cha tôi nói về cái chết một cách thanh thản như một chuyến đi công tác lâu ngày của ông trước kia. Cha tôi biết con cháu ông sợ hãi và đau đớn khi nghĩ đến ngày ông rời xa chúng tôi mãi mãi.

Bởi thế ông thường nói với tôi: “Bây giờ bố có thể chết được rồi. Bố đã làm xong phận sự của mình và không phải ân hận điều gì. Sống như thế mà chết thì sao lại phải đau buồn(?)”. Tôi hiểu được lời cha tôi - một người đã bước đến sát ranh giới của thế giới bên kia đang an ủi và dạy dỗ cho một người đang sống. Nhưng tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ đầy dại dột và đầy khiếm khuyết vẫn chiều chiều đợi cha tôi đạp chiếc xe đạp Thống Nhất tróc sơn trở về từ phía dốc đê làng.

NGUYỄN QUANG THIỀU

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/toi-van-doi-cha-tu-doc-de-lang-5720360.html