Tổng cục Hải quan: Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa Ngành

Thời gian qua, Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục Hải quan nói riêng luôn nỗ lực thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan nhằm góp phần tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ DN phát triển. Năm 2018 đánh dấu những kết quả nổi bật trong cải cách hành chính, hiện đại hóa của ngành Hải quan Việt Nam.

Cải cách thủ tục hành chính là bước đột phá của ngành Hải quan.

Cải cách hành chính đối với ngành Hải quan là nhiệm vụ chính trị, thuộc trách nhiệm của tất cả các đơn vị, cá nhân trong ngành, được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đó, trọng tâm là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan nhằm phấn đấu đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu cải cách hành chính đã được Tổng cục Hải quan đề ra.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Trong giai đoạn vừa qua, ngành Hải quan quyết liệt ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, thực hiện thủ tục hải quan. Từ năm 2014, ngành Hải quan đã triển khai quản lý, vận hành có hiệu quả Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS với 100% Chi cục Hải quan thực hiện, bảo đảm vận hành 24/7 với 99% thủ tục hải quan được thực hiện qua Hệ thống này.

Ngành đã triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi theo Điều 41 Luật Hải quan. Theo đó, thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi… Hệ thống quản lý hải quan tự động đã tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của DN kinh doanh kho bãi cảng, hạn chế được rủi ro trong quản lý (Ví dụ: Việc giả mạo chứng từ đủ điều kiện qua khu vực giám sát, nhầm lẫn số liệu trong quá trình thao tác…), thông tin giao hàng chính xác, tăng chất lượng dịch vụ của cảng, kho, bãi; giảm chi phí quản lý hành chính. Đến nay, hệ thống đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố, 65 Chi cục, 276 DN kinh doanh kho/bãi/cảng biển, kho ngoại quan, kho hàng không.

Song song là triển khai, nâng cấp, cập nhật các hệ thống CNTT (như Hệ thống Ecustoms5; Hệ thống gia công, sản xuất xuất khẩu; Hệ thống quản lý hải quan tự động VASSCM…) đáp ứng các quy định hiện hành của Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.

Thêm vào đó, thực hiện thu, nộp thuế, phí, lệ phí điện tử: Ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, số thu chiếm 90% số thu ngân sách của ngành Hải quan, giảm thời gian từ 2 ngày xuống còn 15 phút; triển khai chính thức Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 từ 23/10/2017 với 13 ngân hàng thương mại tham gia triển khai đề án. Việc triển khai thành công đề án nộp thuế 24/7 mở thêm một phương thức thanh toán thuế mới cho DN, theo đó người nộp thuế có thể nộp thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện.

Kết quả đạt được đã tạo điều kiện cho DN chủ động hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí đối với Nhà nước trong hoạt động xuất nhập khẩu. Việc triển khai thành công đề án nộp thuế 24/7 cùng với hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACCS/VCIS), cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và quản lý, giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng… đã cơ bản tạo điều kiện thận lợi cho DN thực hiện thủ tục hải quan “Mọi nơi - mọi lúc - mọi phương tiện”.

Định hướng cải cách thủ tục hành chính trong năm 2019

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển thực hiện Kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó tập trung nguồn lực hoàn thành các hoạt động của Kế hoạch, trên cơ sở đó kiểm soát đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cũng như nhiệm vụ trọng tâm và các mục đích chiến lược tại Kế hoạch.

Cải cách thể chế và quy trình thủ tục đảm bảo hành lang pháp lý cho việc triển khai các hiệp định tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA…), triển khai Chính phủ điện tử trong ngành Hải quan.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong ngành theo hướng: Nghiên cứu hoàn thiện các hệ thống CNTT trên nguyên tắc các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động điều hành, quản lý được thực hiện trên hệ thống; trong đó các hệ thống có sự liên thông, kết nối thông suốt với nhau trong trao đổi dữ liệu. Tích hợp các hệ thống CNTT hiện tại vào một hệ thống thống nhất được xây dựng theo kiến trúc hướng dịch vụ; xử lý theo mô hình tập trung cấp Tổng cục; có chức năng quản lý, giám sát việc truy cập hệ thống đối với tất cả đối tượng tham gia; Cung cấp mọi loại giao diện (cho PC, cho thiết bị di động, cho kết nối hệ thống - hệ thống và các thiết bị khác). Từng bước triển khai mô hình kiến trúc Hải quan điện tử theo kiến trúc cơ quan Tài chính điện tử.

Tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế 24/7, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn, tạo thuận lợi cho DN trong hoạt động xuất - nhập khẩu; Nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình cải cách, phát triển hiện đại hóa thành công.

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, đến 24/12, có 145 thủ tục hành chính của các bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia. 5 thủ tục mới chính thức kết nối thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Đáng chú ý, số lượng thủ tục kết nối trong năm 2018 lên đến 98 thủ tục, trong khi từ năm 2017 trở về trước mới 47 thủ tục được kết nối. Cập nhật từ thời điểm triển khai 12/11/2014 - 07/12/2018, có trên 1,7 triệu hồ sơ của khoảng 26.000 DN được xử lý qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Khánh Hòa

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tong-cuc-hai-quan-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-hien-dai-hoa-nganh-247499.html