Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tạo đồng thuận trong cung cấp và sử dụng thông tin thống kê
Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị Thống kê toàn quốc “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả” tổ chức sáng 17/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, thông tin thống kê kinh tế - xã hội được công bố và cung cấp đầy đủ theo lịch phổ biến thông tin thống kê đến đông đảo đối tượng sử dụng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong quá trình cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.
“Đặc biệt, thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Theo đó, số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương….
Cùng với đó, hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành thống kê cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, thống kê Việt Nam cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế. Cụ thể, mặc dù, hệ thống văn bản pháp luật về thống kê đã tương đối hoàn thiện nhưng việc thực hiện chưa nghiêm dẫn tới hiệu lực, hiệu quả trong công tác thống kê chưa được như mong muốn. Tổ chức, bộ máy chưa đáp ứng việc phục vụ điều hành của cấp huyện, đặc biệt ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp và quy mô dân số mỗi quận, huyện xấp xỉ quy mô của 1 tỉnh.
Không những thế, nhân lực làm công tác thống kê còn thiếu về số lượng và hạn chế về chuyên môn. Công tác chuyên môn thống kê vẫn còn một số bất cập gây khó khăn trong tổng hợp, tính toán các chỉ tiêu thống kê. Cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê chưa được đầu tư tương ứng với nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu và sản phẩm thống kê; chưa có các chỉ tiêu thống kê phù hợp cho các thành phố lớn theo mô hình “thành phố trong thành phố”.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, những hạn chế và bất cập trong hoạt động thống kê của hệ thống thống kê nhà nước do một số nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò của công tác thống kê còn chưa đầy đủ, có lúc, có nơi còn xem nhẹ. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến nghiệp vụ thống kê, chưa thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hệ thống chỉ tiêu, chế độ báo cáo thống kê.
Một số bộ, ngành và địa phương chưa thường xuyên quan tâm và sử dụng số liệu thống kê, chỉ quan tâm khi đánh giá cuối năm hoặc cuối nhiệm kỳ nên ảnh hưởng đến chất lượng công tác thống kê, số liệu và thông tin thống kê. Phương pháp luận thống kê chưa theo kịp sự đổi mới và nhu cầu thực tế trong quá trình chỉ đạo, điều hành ở các cấp.
Cùng với đó, tổ chức, bộ máy thống kê ở một số bộ, ngành chưa được hoàn thiện. Nhân lực làm công tác thống kê mỏng, không ổn định, chủ yếu kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí cho công tác thống kê còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc
Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thống kê nhà nước trong thời gian tới, người đứng đầu ngành thống kê cho rằng, thống kê Việt Nam cần hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Đồng thời, hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê
“Thống kê Việt Nam cũng xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê. Đồng thời, hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê…”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.