Tổng kết chương trình tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng

Chiều 1/10, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện Tổng kết chương trình tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng.

Chương trình Tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng - Forest Ecopreneur 2024 thuộc khuôn khổ "Sáng kiến Bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng - SAFE Initiative" do Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc tài trợ, triển khai bởi Cơ quan Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thông qua Tổ chức Ươm tạo Bridge for Billions.

Toàn cảnh buổi Tổng kết chương trình tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng

Toàn cảnh buổi Tổng kết chương trình tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng

Đây là chương trình ươm tạo nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp/dự án kinh doanh liên quan đến bảo tồn và phục hồi sự đa dạng dưới tán rừng cũng như thúc đẩy sinh kế tại địa phương, được triển khai đồng loạt tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Mục tiêu chính của chương trình là nâng cao năng lực kinh doanh thông qua khóa đào tạo trực tuyến trên nền tảng Bridge for Billions. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức các sự kiện kết nối, hội thảo chuyên gia nhằm tạo cơ hội giao lưu mở rộng mạng lưới và cung cấp kiến thức liên quan đến các chủ đề doanh nghiệp quan tâm.

Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển (IID) là đơn vị triển khai chương trình tại Việt Nam. Quá trình tuyển chọn đã chọn ra 35 doanh nghiệp và 30 cố vấn tham gia. Sau 4 tháng triển khai từ tháng 5 - tháng 9/2024, dự án đã trải qua: 8 module đào tạo; 1 sự kiện khai mạc diễn ra tại Hà Nội; 4 phiên hội thảo chuyên gia; 3 phiên sự kiện kết nối tại các vùng miền: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Huế; 1 chương trình thực địa tại Kon Tum. Các phiên trao đổi, kết nối, hỗ trợ 1-1 khác dành cho doanh nghiệp và cố vấn 2.

Trải qua giai đoạn đào tạo trực tuyến cùng các sự kiện bên lề vô cùng hấp dẫn, chương trình Tăng trưởng doanh nghiệp sinh thái rừng - Forest Ecopreneur 2024 khép lại bằng sự kiện tổng Demo Day diễn ra chiều 1/10 tại Hà Nội.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp đã trình diễn kết quả học tập sau 4 tháng đào tạo; 7 doanh nghiệp thuyết trình kế hoạch kinh doanh và 3 doanh nhân nhận thưởng tiền mặt từ chương trình. Đồng thời, mang đến cơ hội kết nối kinh doanh, kết nối mạng lưới giữa doanh nghiệp, cố vấn và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, ghi nhận sự tham gia và đóng góp của cố vấn và doanh nghiệp đã nỗ lực hoàn chương trình, cũng như cơ hội cho các bên tổ chức nhìn lại, tổng kết và thảo luận về chương trình cho năm tiếp theo.

Doanh nghiệp thuyết trình kế hoạch kinh doanh phát triển hệ sinh thái rừng

Doanh nghiệp thuyết trình kế hoạch kinh doanh phát triển hệ sinh thái rừng

Phát biểu khai mạc tại sự kiện, ông Alexis Corblin - Cố vấn kỹ thuật Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, điều triển khai Sáng kiến SAFE – cho hay: “Tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam dẫn đầu và là quốc gia đầu tiên tổ chức Ngày trình diễn cho chu kỳ ươm tạo đầu tiên của dự án SAFE. Những kết quả đạt được là sự cam kết cao từ đối tác ươm tạo (Viện IID), từ cố vấn và doanh nhân thể hiện trong những tháng vừa qua đã thực sự truyền cảm hứng".

Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể trong phát triển 30 năm qua. Là một nước xuất khẩu lớn các mặt hàng nông sản toàn cầu và trung tâm toàn cầu về sản xuất và chuyển đổi gỗ ngành lâm nghiệp và đánh bắt cá đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời, diện tích rừng quốc gia đã tăng từ 23% năm 1993 lên hơn 45% hiện nay.

Ông Alexis Corblin tin tưởng rằng, với những nỗ lực chung, chúng ta có thể đóng góp vào những xu hướng tích cực này, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn và phục hồi rừng.

“Tôi vui mừng thông báo rằng, chương trình sẽ tiếp tục vào năm tới với các đối tác tương tự. Chúng tôi sẽ sớm tìm kiếm những người cố vấn, những doanh nghiệp có động lực trong việc xây dựng một hệ sinh thái doanh nhân mạnh mẽ có tác động tích cực đến rừng”, ông Alexis Corblin thông tin.

PGS. TS Trương Thị Nam Thắng - Nghiên cứu trưởng Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển - đơn vị triển khai chương trình tại Việt Nam – chia sẻ, từ các hoạt động kết nối chương trình đã giúp doanh nghiệp Hà Nội đã phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp miền Nam, miền Trung – Tây Nguyên mở cửa hàng ở Hà Nội và ngược lại.

Các doanh nghiệp sinh thái rừng sẽ được hưởng lợi từ toàn bộ hệ sinh thái hỗ trợ tác động xã hội của IID, đưa lên bản đồ số ImapVietnam.org của IID; tham gia cộng đồng zalo của các doanh nghiệp tác động xã hội Việt Nam,…

“Chương trình được kéo dài đến năm 2030, mỗi năm chúng tôi sẽ tuyển 35 doanh nghiệp cùng 35 cố vấn đồng hành. Viện IID với tư cách là tổ chức xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, chúng tôi luôn cam kết đồng hành và kết nối nguồn lực nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho những doanh nghiệp phát triển hệ sinh thái rừng. Bởi rừng không phải là những gì mà ông cha chúng ta để lại. Rừng là những gì mà chúng ta đang mượn của con cháu chúng ta ở tương lai”, PGS. TS Trương Thị Nam Thắng cho hay.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tong-ket-chuong-trinh-tang-truong-doanh-nghiep-sinh-thai-rung-349587.html