Tổng thống D. Trump và 'cuộc chia tay' đầy dứt khoát với WHO
Ngày 8/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo với Quốc hội nước này về việc chấm dứt hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nói là làm
Thông tin trên được Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ Bob Menendez cho biết trên Twitter. Thượng nghị sĩ Menendez cho biết quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6/7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ).
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ - ông Stephane Dujarric xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác.Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ chính thức rời khỏi WHO vào ngày 6/7/2021.
Trước đó, Mỹ đã tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO mà ông Trump cho là “đáng thất bại” đối với đại dịch COVID-19. Còn trong bức thư đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO, Tổng thống Trump tuyên bố tổ chức này có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Vị trí của “ông lớn”
Trong số các quốc gia thành viên, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Sự đóng góp của Mỹ chiếm 14,67% tổng số tiền đóng góp tự nguyện trên toàn cầu cho WHO. Đứng thứ hai là Anh, với 434,8 triệu USD (cả lệ phí và khoản đóng góp tự nguyện). Tiếp đó là Đức và Nhật Bản. Số tiền đóng góp của Trung Quốc là 86 triệu USD.
Trong kỳ tài trợ 2 năm 2018 - 2019, Mỹ rót vào WHO số tiền là 893 triệu USD. Trong số này, có 237 triệu USD là khoản phí thành viên bắt buộc, và 656 triệu USD là khoản tiền tự nguyện. Hiện chưa rõ Mỹ sẽ cắt “khoản đóng góp được đánh giá” hay “đóng góp tự nguyện” cho WHO.
“Đá tảng” chặn đường chống lại đại dịch COVID-19
Động thái trên của Tổng thống Trump vấp phải sự chỉ trích của các nghị sĩ Dân chủ Mỹ, các quan chức Liên hợp quốc và nhiều chuyên gia y tế. Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer cho rằng ông Trump đã tự hại mình khi rút khỏi WHO. Chủ tịch - Giám đốc điều hành của Quỹ Liên hợp quốc Elizabeth Cousens thậm chí còn gọi quyết định của Tổng thống Mỹ là “suy nghĩ thiển cận, không hợp lý và nguy hiểm”.
Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Lamar Alexander, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Tennessee cho hay: “Tôi không đồng ý với quyết định này của Tổng thống”. Ông Alexander cảnh báo rằng, việc Mỹ rút khỏi WHO có thể gây cản trở quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị COVID-19 của thế giới.
“Việc Mỹ rút khỏi WHO có thể ảnh hưởng tới các thử nghiệm lâm sàng trong quá trình điều chế vắc-xin ngừa COVID-19 của Mỹ cũng như những quốc gia khác. Đồng thời, rời khỏi WHO có thể khiến việc hợp tác với các nước khác nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan trở nên khó khăn hơn” - ông Alexander nói. Thay vì rút khỏi WHO, ông Alexander đề nghị chính quyền Trump cung cấp cho Quốc hội các khuyến nghị cụ thể về cải cách cho WHO để Mỹ có thể cùng hợp tác và thực hiện những điều đó.
Ngay sau khi Liên hợp quốc thông báo Mỹ đã ấn định ngày rời khỏi WHO, ông Joe Biden - ứng viên chạy đua chức Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2020, viết trên Twitter: “Người Mỹ sẽ được an toàn hơn khi nước Mỹ tham gia vào việc nâng cao sức khỏe toàn cầu. Trong ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống, tôi sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập WHO và xác lập lại vị thế dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế”.
H.A
((Theo AP, CNN, The New York Times))