Tổng thống Ecuador giải tán Quốc hội để tránh bị luận tội
Hôm 17-5, khi thấy Quốc hội có vẻ sẵn sàng luận tội mình, ông Guillermo Lasso - Tổng thống Ecuador, đã sử dụng một quy tắc của Hiến pháp chưa từng được áp dụng trước đây để giải tán cơ quan này. 'Tôi có nghĩa vụ phải ứng phó với cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước đang sa lầy' - ông Lasso phát biểu trước toàn dân.
Tổng thống Ecuador - một cựu giám đốc ngân hàng giàu có, nổi tiếng trong giới đầu tư - đã tìm ra cách để chống lại sự luận tội gần như chắc chắn của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đó là giải tán cơ quan này. Quyết định này dựa trên Điều 148 Hiến pháp (còn được gọi là “cái chết chung”) cho phép giải tán Quốc hội nhưng phải kích hoạt cả cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội mới. Điều khoản được đưa ra vào năm 2008 dưới thời Tổng thống Rafael Correa khiến việc luận tội trở nên phức tạp hơn và để tránh tình trạng tê liệt chính trị kéo dài trong nước. Ông Lasso đã cam kết tuân thủ Hiến pháp và đã yêu cầu cơ quan bầu cử ấn định ngày bầu cử Tổng thống và Quốc hội mới, dự kiến là ngày 20-8.
Tổng thống Guillermo Lasso (67 tuổi) cáo buộc Quốc hội có một “dự án chính trị nhằm gây bất ổn cho chính phủ, nền dân chủ và nhà nước”. Sự đối đầu giữa ông Lasso và Quốc hội chỉ là diễn biến mới nhất của cuộc đấu tranh quyền lực giữa ngành hành pháp và lập pháp, vốn thường xuyên gây bất ổn cho nền chính trị Ecuador. Từ năm 1997 đến năm 2005, không có Tổng thống dân cử nào ở nước này hoàn thành hết nhiệm kỳ.
Vậy có giới hạn nào đối với quyền lực của Tổng thống Lasso hiện nay hay không? Cho đến khi tổ chức bầu cử, nhà lãnh đạo Ecuador sẽ vận hành chính phủ bằng sắc lệnh hành pháp, nhưng các mệnh lệnh của ông phải được Tòa án Hiến pháp phê chuẩn. Văn phòng Tổng thống hoạt động giống như một cơ quan lập pháp lâm thời và Tổng thống chỉ có thẩm quyền đối với các vấn đề kinh tế, chẳng hạn như cải cách thuế mà ông đã ký làm sắc lệnh đầu tiên sau khi giải tán Quốc hội. Ông cho rằng, việc cải cách thuế này sẽ có lợi cho khoảng 500.000 gia đình.
Vụ luận tội Tổng thống Lasso liên quan đến cáo buộc ông đã không ngăn chặn được vụ tham nhũng tại doanh nghiệp vận chuyển dầu do nhà nước điều hành. Những người tố cáo cho rằng, tổn thất do kinh doanh dầu mỏ gây ra là do tham ô và biển thủ tài sản. Ông Lasso bác bỏ các cáo buộc và cho biết, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đang tìm cách lật đổ ông. Ông cũng cho biết, hợp đồng được đề cập đã được ký vào năm 2018, tức là 3 năm trước khi ông nhậm chức. Tình hình trở nên căng thẳng khi phe đối lập giữ quyền kiểm soát Quốc hội từ ngày 14-5 và 88 nhà lập pháp vào ngày 10-5 bỏ phiếu tiếp tục phiên tòa luận tội ông.
Vị lãnh đạo của Ecuador cho biết, ông cam kết sẽ tái tranh cử. Các ứng cử viên khác được cho là ông Yaku Perez (người mà ông Lasso đã loại trong vòng đầu tiên của cuộc bầu cử năm 2021) và ông Fernando Villavicencio (cựu nghị sĩ độc lập kiêm nhà báo điều tra). Một lực lượng đáng chú ý khác là các đồng minh của cựu Tổng thống Rafael Correa - người bị kết tội tham nhũng và đang sống lưu vong ở Bỉ.
Dư luận Ecuador cho đến nay vẫn bình tĩnh. Các tổ chức xã hội đã bác bỏ quan điểm cho rằng việc giải tán Quốc hội của Tổng thống Lasso mang tính độc tài. Nhóm CONAIE đứng sau các cuộc biểu tình làm tê liệt nhiều vùng rộng lớn và gián đoạn hoạt động sản xuất dầu trên lãnh thổ Amazon vào tháng 6-2022 đã kêu gọi Tòa án Hiến pháp xem xét tính hợp pháp trong quyết định của ông Lasso, nhưng không có ý định mở một đợt biểu tình mới.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư rất nhạy cảm với sự bất ổn chính trị ở Ecuador. Họ thường rời bỏ quốc gia này trong thời kỳ biến động chính trị. Hơn thế, Ecuador còn có một lịch sử tài chính đầy sóng gió. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1830, nước này đã 11 lần không trả được nợ nước ngoài, lần gần đây nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Dưới thời cầm quyền của ông Lasso, dự trữ quốc tế của Ecuador đang ở gần mức cao kỷ lục. Nhưng nếu phe đối lập cánh tả lên cầm quyền, Ecuador có thể tiếp tục là một môi trường khó khăn đối với các nhà đầu tư vẫn còn nguyên ký ức về vụ vỡ nợ của đất nước dưới thời Tổng thống Correa năm 2008.
Theo Bloomberg