Tổng thống Trump làm gì khi bạo loạn nổ ra ở quốc hội?
Một số trợ lý cho rằng ông Trump khá hài lòng khi chứng kiến cảnh bạo loạn ở quốc hội qua tivi. Tổng thống Mỹ cũng liên tục từ chối lên án việc đám đông sử dụng bạo lực hôm 6/1.
Vào ngày 6/1, trước khi rời Nhà Trắng để lên đường tới công viên Ellipse nằm gần đó, ông Trump đã nói chuyện với Phó tổng thống Mike Pence.
Ông Pence lặp lại những gì từng nói với Tổng thống Trump một ngày trước, rằng ông không có quyền làm theo ý muốn của tổng thống và lật ngược chiến thắng của ông Joe Biden trong phiên họp quốc hội.
Tổng thống Trump lắng nghe, rồi nghiêm khắc chỉ trích ông Pence, cho rằng ông nhu nhược.
Ông Trump cũng cáo buộc Chánh văn phòng Marc Short của phó tổng thống Mỹ phải chịu trách nhiệm về quan điểm của ông Pence. Tổng thống Trump còn nói với các trợ lý rằng ông Short "không được chào mừng" ở khuôn viên Nhà Trắng.
Ông Trump là người "châm mồi lửa"?
Khi bước lên xe đi tới công viên Ellipse để chuẩn bị phát biểu, ông Trump rất buồn bã.
Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 70 phút, tổng thống Mỹ cho biết ông rất tức giận với Phó tổng thống Pence. Ông kêu gọi người dân tập trung đến Điện Capitol ngay sau đó để phản đối kết quả của cuộc bầu cử "bị đánh cắp".
Trong mắt ông Trump lúc này, cấp phó Pence vốn trung thành đã không còn như trước. Trong khi đó, các nghị sĩ ở quốc hội lại sẵn sàng dành cả ngày để bác bỏ việc thay đổi kết quả bầu cử.
Trước tình thế ấy, tổng thống Mỹ kêu gọi những người ủng hộ ông tiến thêm một bước nữa.
"Chúng ta muốn thể hiện sự tôn trọng với mọi người. Và chúng ta phải chiến đấu nhiều hơn nữa. Mike Pence sẽ làm vậy vì chúng ta. Nhưng nếu ông ấy không làm được, đó sẽ là ngày buồn cho nước Mỹ", ông Trump nói.
Ông gọi kết quả bầu cử là "cuộc tấn công nghiêm trọng nhằm vào nền dân chủ của chúng ta", và kêu gọi những người ủng hộ ông nên "đi đến Điện Capitol".
Trên thực tế, ông Trump không đi cùng với những người ủng hộ. Sau bài phát biểu, tổng thống Mỹ quay trở lại Nhà Trắng và mắng mỏ các trợ lý, sau đó công kích ông Pence trên Twitter.
Theo New York Times, khi ông Trump thúc giục người ủng hộ phản đối quy trình chứng nhận kết quả bầu cử, ông đã góp phần đặt nền móng cho tình trạng bạo loạn nổ ra ở Điện Capitol hôm 6/1.
"Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng tổng thống là người tạo ra đám đông này. Tổng thống kích động họ. Ông ấy phát biểu trước đám đông và châm mồi lửa", hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Liz Cheney của bang Wyoming nói với Fox News.
Từ chối lên án bạo lực
Người biểu tình mang cờ in chữ Trump đến Điện Capitol. Một vài người mang theo súng và tràn vào tòa nhà quốc hội.
Họ đột nhập vào trong, treo cờ Trump trên ban công Điện Capitol, làm gián đoạn quá trình chứng nhận kết quả bầu cử.
Họ buộc các thành viên quốc hội, nhà báo và các quan chức khác phải tìm chỗ trú ẩn hoặc sơ tán khỏi tòa nhà.
Phó tổng thống Pence cùng với các nhà lập pháp được đưa đến nơi an toàn.
New York Times dẫn nguồn thạo tin ở Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump đã theo dõi cảnh tượng này trên truyền hình.
Viết trên Twitter, Maggie Haberman, phóng viên Nhà Trắng của New York Times, cho biết nhiều trợ lý mô tả ông Trump khá hài lòng khi chứng kiến cảnh bạo loạn ở Điện Capitol qua màn hình tivi.
Đồng thời, Tổng thống Trump cũng liên tục từ chối yêu cầu buộc ông phải lên tiếng để phản đối bạo lực.
Khi tòa nhà quốc hội đang bị bao vây, tổng thống Mỹ ở Phòng Bầu dục, nói chuyện với Cố vấn Nhà Trắng Pat A. Cipollone và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows.
Ông Meadows được cho rất bối rối trong ngày hôm đó.
Trên Twitter, Donald Trump Jr., con trai Tổng thống Trump, đăng tweet kêu gọi những người biểu tình chấm dứt bạo lực.
Ivanka Trump, con gái ông Trump và là cố vấn Nhà Trắng, cũng lên án bạo lực, dù trước đó cô gọi người biểu tình là "những người yêu nước".
Hai trong số các cựu chánh văn phòng của Tổng thống Trump cũng chỉ trích đám đông nổi loạn.
Nói trên kênh ABC News, cựu Cố vấn Tổng thống Kellyanne Conway cho rằng nhóm gây ra bạo lực là "những kẻ cực đoan".
Dù vậy, Tổng thống Trump liên tục từ chối những lời kêu gọi lên tiếng phản đối bạo lực từ các cố vấn.
Một số người nói trực tiếp với ông, trong khi số khác nhờ ông Meadows và các trợ lý chuyển lời.
New York Times dẫn nguồn thạo tin cho biết ông Trump từng từ chối yêu cầu điều động Vệ binh Quốc gia. Sau đó, Cố vấn Nhà Trắng Pat A. Cipollone và các quan chức phải can thiệp để thuyết phục ông Trump.
Cuối cùng, khoảng 1.750 lính Vệ binh Quốc gia từ thủ đô và Virginia được triển khai vào đêm 6/1, theo tuyên bố của phát ngôn viên Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Kiên quyết tiếp tục cuộc chiến
Khi các đồng minh của tổng thống bắt đầu công khai bày tỏ sự chán nản về tình trạng bạo loạn ở Điện Capitol, họ thúc giục ông Trump lên tiếng.
Cuối cùng, các trợ lý ở Nhà Trắng thuyết phục được ông Trump đăng một dòng tweet, nhưng nội dung không lên án bạo lực.
Sau đó, các trợ lý lại cố gắng thuyết phục tổng thống Mỹ đưa ra tuyên bố qua video.
Ông mở đầu bài nói bằng cáo buộc vô cớ về gian lận bầu cử: "Tôi biết các bạn đang chịu nhiều tổn thương. Cuộc bầu cử của chúng ta đã bị đánh cắp. Kết quả là vô cùng cách biệt, mọi người đều biết điều đó, đặc biệt là những người ở bên kia chiến tuyến".
Sau đó người đứng đầu Nhà Trắng thúc giục cử tri ủng hộ mình ngưng kích động bạo lực ở tòa nhà Quốc hội.
"Bây giờ, các bạn phải về nhà. Chúng ta phải tôn trọng luật pháp. Đây quả là một khoảng thời gian khó khăn. Chưa bao giờ họ có thể tước đoạt mọi thứ từ chúng ta như vậy", ông nói.
Video đăng tải bởi ông Trump kết thúc với lời kêu gọi "hãy về nhà đi, và hãy về nhà trong yên bình".
Sau đó, Facebook và cả Twitter đã xóa video này.
Dường như vẫn chưa từ bỏ, tổng thống Mỹ tiếp tục viết trên Twitter: "Đây là những sự việc và sự kiện xảy ra khi chiến thắng trong cuộc bầu cử thiêng liêng bị tước đi một cách bất chính và tàn nhẫn khỏi tay những người yêu nước vĩ đại, những người bị đối xử tồi tệ và bất công trong suốt thời gian dài. Hãy về nhà trong tình thương và yên bình. Hãy nhớ mãi ngày này".
Twitter cũng gỡ bỏ dòng tweet nói trên. Khoảng 19h ngày 6/1, nền tảng mạng xã hội này tuyên bố khóa tài khoản của ông Trump trong 12 giờ.
Khi quốc hội chuẩn bị triệu tập lại vào tối 6/1, Thượng nghị sĩ Rand Paul của bang Kentucky - đồng minh của ông Trump - dự đoán sẽ không có thượng nghị sĩ nào phản đối việc chứng nhận kết quả bầu cử nữa.
Trong khi đó, ở Nhà Trắng, ông Trump nói với các cố vấn rằng ông muốn thấy các thượng nghị sĩ tiếp tục cuộc chiến.
Một số cố vấn của Nhà Trắng cho biết họ sợ hãi hoặc sốc trước những gì đã diễn ra.
Dù vậy, Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục quy trình chứng nhận và định đoạt tương lai của ông Trump.
Để thảo luận về việc gửi quân viện trợ ứng phó bạo loạn, quyền bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đã trao đổi với ông Pence, chứ không phải ông Trump.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien cũng lên án đám đông bạo loạn và khen ngợi cách xử lý của Phó tổng thống Pence.