Tổng thống tỷ phú của nước Mỹ và nhiệm kỳ gây tranh cãi
Bước vào cuộc đua tái tranh cử năm 2020, Tổng thống Donald Trump không còn là 'kẻ ngoại đạo' như năm 2016 nhưng vẫn là ứng viên gây tranh cãi và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, chính trường Mỹ từng đánh giá thấp sự xuất hiện của “kẻ ngoại đạo” Donald Trump. Cho đến khi tỷ phú 70 tuổi này nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, ông vẫn còn là một bất ngờ quá lớn với nhiều người.
Ông Trump là người đầu tiên trở thành tổng tư lệnh quân đội Mỹ mà chưa từng có kinh nghiệm trên chính trường, dù ở nhánh hành pháp hay lập pháp.
Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ, vị tổng thống Mỹ thứ 45 cho thấy bản sắc tỷ phú và doanh nhân kiến tạo nên một hình ảnh Tổng thống Trump vô cùng khác biệt với những người tiền nhiệm.
Ông Trump được ví như “sinh ra ở vạch đích” trong gia đình có cha là tỷ phú bất động sản - Fred Trump. Nhờ đó, ông có sẵn nền tảng và cơ hội học hỏi về kinh doanh từ trong gia đình.
Ông Trump trở thành chủ tịch tập đoàn Trump Organization khi mới 25 tuổi. Kể từ đó cho tới khi tranh cử tổng thống năm 69 tuổi, tỷ phú Trump tập trung “chinh phạt” nhiều lĩnh vực kinh doanh trên thương trường và hoàn toàn không có kinh nghiệm trên chính trường.
Vốn là tỷ phú từ trước khi tranh cử, năm 2016, ông Trump khẳng định sẽ dùng tiền túi để trang trải cho chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng. Điều này được ông khẳng định là để tránh bị ảnh hưởng từ bất kỳ nhóm vận động hành lang hay nhà tài trợ.
Trên thực tế, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2016 vẫn vận động gây quỹ và trở thành một trong những ứng viên "ít tiền nhất" trong lịch sử bầu cử tổng thống.
Ông tuyên bố chỉ nhận lương 1 USD khi đắc cử tổng thống.
Theo thống kê của tạp chí Forbes, tính tới năm 2020, khối tài sản của Tổng thống Trump vào khoảng 2,5 tỷ USD.
“Gây tranh cãi” là cụm từ được đề cập nhiều nhất khi nói về Tổng thống tỷ phú Donald Trump. Ngay từ trong gia đình cho tới trên chính trường, ông từng vướng vào nhiều cuộc đấu đá nội bộ, điển hình là cuộc tranh giành quyền thừa kế đối với khối tài sản mà cha để lại vào những năm 1990 đến đầu những năm 2000.
Khi ứng cử viên Trump trở thành hiện tượng 4 năm trước, giới truyền thông Mỹ nhận định hội nghị toàn quốc của đảng Cộng hòa để đề cử ông vào năm 2016 là kỳ đại hội chia rẽ và hỗn loạn nhất trong 40 năm qua.
Diễn biến kịch tính xảy ra ngay vào ngày đầu tiên của đại hội, với màn khẩu chiến giữa phe phản đối và ủng hộ Trump. Đây là lần hiếm hoi mà sự bất đồng giữa các nhóm xảy ra ngay tại trung tâm hội nghị của một đảng.
Khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Trump bổ nhiệm con cái và các thành viên trong gia đình nắm giữ vị trí cấp cao trong Nhà Trắng, thay vì lựa chọn các quan chức giàu kinh nghiệm. Trước đó, những người con của ông cũng nắm giữ các vị trí chủ chốt trong tập đoàn của gia đình.
Bước vào nhiệm kỳ tổng thống, nhà Trump từ một gia tộc doanh nhân bỗng trở thành một gia tộc chính trị.
Bản sắc cá nhân của vị tổng thống tỷ phú thể hiện rõ nét trong suốt 4 năm nhiệm kỳ. Với kinh nghiệm diễn viên trong nhiều phim truyền hình và ngôi sao chương trình truyền hình thực tế, ông luôn biết cách gây sự chú ý bằng các phát ngôn gây sốc.
Một trong những câu nói nổi tiếng nhất của ông Trump trên màn ảnh là “You are fired” (Bạn bị sa thải) trong chương trình truyền hình thực tế có tên “The Apprentice” (Người tập sự).
Câu nói trở thành thương hiệu này dường như phủ bóng lên cả Nhà Trắng. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Nhà Trắng có nhiều quan chức từ nhiệm hoặc bị cho nghỉ hơn bất kỳ chính quyền nào trước đó, theo Kathryn Dunn-Tenpas, thành viên cấp cao tại Viện Brookings.
Vào năm 2017, 34% nhân viên của Tổng thống Trump đã bị sa thải, từ chức hoặc tái phân công. Tỷ lệ này trong năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cao gấp đôi so với 17% của Tổng thống Reagan vào năm 1981, và là mức cao nhất trong 40 năm qua.
Tổng thống Trump có lẽ là nhà lãnh đạo Mỹ tích cực sử dụng mạng xã hội nhất trong lịch sử. Tài khoản Twitter của ông lập từ 2009 và bắt đầu đăng tweet thường xuyên kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử (6/2015) và tái tranh cử (6/2019).
Không chỉ là công cụ thể hiện quan điểm cá nhân, ông Trump còn coi mạng xã hội là nơi thông báo các quyết sách, tuyên bố mang tính chiến lược quốc gia. Tài khoản Twitter của tổng thống Mỹ thứ 45 trở thành mục tiêu nghiên cứu nghiêm túc của giới quan sát.
Rắc rối pháp lý đeo bám vị tỷ phú từ trước và trong nhiệm kỳ tổng thống. Tính đến tháng 11/2016, ông Trump còn 75 vụ kiện đang chờ xử lý, theo USA Today. Sau khi nhậm chức, nhiều cuộc điều tra và kiện tụng cũng nhắm vào tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Đỉnh điểm của làn sóng tranh cãi xoay quanh Tổng thống Trump là về đại dịch Covid-19. Ông Trump, người luôn nói Covid-19 chỉ là cúm mùa và ít khi đeo khẩu trang, tuyên bố nhiễm virus hôm 1/10.
Sau tuyên bố này, hàng loạt ý kiến trái chiều nổ ra về cách xử lý đại dịch của chính quyền Trump và tác động xấu đến chiến dịch tranh cử của đương kim tổng thống.
Bước vào cuộc đua tái tranh cử năm 2020, Donald Trump đã không còn là “kẻ ngoại đạo” nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.
“Cha tôi đã mất cả gia tài khi tranh cử tổng thống” - đó là nhận định của Eric Trump, con trai Tổng thống Trump.
Dù cho đã đổ bao nhiêu tiền vào chiến dịch tranh cử 2020, trong giai đoạn cuối của chiến dịch, vị tổng thống tỷ phú lại đang bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân chủ dẫn trước về số tiền huy động được. Khó khăn về tài chính cũng khiến tổng thống Mỹ phải cắt giảm phí quảng cáo truyền hình.
Cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ quyết định nước Mỹ có còn muốn trông cậy vào vị tổng thống tỷ phú nữa hay không.
Tính đến ngày 28/10, RealClearPolitics và FiveThirtyEight vẫn ghi nhận lợi thế trung bình 7-8 điểm % cho cựu Phó tổng thống Biden trong thăm dò toàn quốc.
Nhưng liệu kịch bản năm 2016 có lặp lại?