TP.HCM: Hàng loạt dự án y tế tê liệt vì thiếu mặt bằng

Theo Sở Y tế TP.HCM, nhiều dự án xây mới, mở rộng bệnh viện, cơ sở y tế đang nằm đợi trên giấy do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ.

Chậm trễ giải phóng mặt bằng

Theo Sở Y tế TP.HCM, Thành phố có hàng loạt dự án xây mới, mở rộng bệnh viện, cơ sở y tế chưa triển khai được do còn tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng.

Điển hình như Dự án San úp mặt bằng khu đất xây dựng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thuộc Cụm Y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh (Giai đoạn 1). Hiện nay, công trình đang tạm ngưng thi công do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bị chậm.

Theo báo cáo của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, mặt bằng được bàn giao là 109.000 m2, mới đạt 69,30% trên tổng diện tích sử dụng đất của Dự án.

Tương tự, Dự án xây mới bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình tại khu đô thị mới Nam Sài Gòn, huyện Bình Chánh đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành y tế TP.HCM tầm nhìn đến 2025, nhưng hiện mới được bàn giao 74,23% diện tổng diện tích mặt bằng.

Đặc biệt, trường hợp của Dự án xây dựng mới bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, dù đã có công văn kiến nghị chỉ định đơn vị đầu tư, nhưng đến nay UBND quận 1 vẫn chưa bàn giao mặt bằng xây dựng.

Nhiều dự án y tế có nhưng thiếu mặt bằng

Một trường hợp khác như Dự án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 cụm Y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Ngày 25/9/2019, Sở Y tế TP.HCM có tờ trình kiến nghị UBND TP.HCM điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cụm y tế Tân Kiên - huyện Bình Chánh để đảm bảo cơ cấu diện tích của các khu đất phù hợp với quy mô phát triển theo định hướng, điều chỉnh và bổ sung thêm các trung tâm y học cơ bản cận lâm sàng, góp phần hoàn thiện hệ thống y tế chuyên sâu hiện đại theo chuẩn quốc tế; bổ sung Ngân hàng máu, Trung tâm kiểm chuẩn xét nghiệm và Trung tâm cấp cứu 115 (cơ sở 2).

Tuy nhiên, đến nay Sở Y tế vẫn chưa nhận được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Cụm y tế Tân Kiên - huyện Bình Chánh và bàn giao mặt bằng.

Lời khẩn thiết của Sở y tế

Với thực trạng trên, trong khi các bệnh viện ở TP.HCM quá tải, Sở Y tế đã có kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các ban ngành liên quan xem xét, nhanh chóng tiến hành công tác đền bù, bố trí tái định cư cho các hộ dân trong khu vực các dự, bàn giao mặt bằng nhằm sớm hoàn thành, đưa dự án vào hoạt động, giảm gánh nặng, nâng cao chất lượng ngành y tế.

Sở Y tế cũng có đề xuất UBND TP. HCM giao UBND TP. Thủ Đức xem xét và chấp thuận bố trí quỹ đất có diện tích 34,40 ha dể xây dựng các dự án gồm: mở rộng Bệnh viện TP. Thủ Đức; xây dựng mới Bệnh viện tâm thần; xây dựng Bệnh viện Lê Văn Việt; xây dựng và mở rộng Bệnh viện Lê Văn Thịnh (trước đây là Bệnh viện Quận 2); xây dựng mới 2 trạm y tế cho phường An Lợi Đông và phường Thủ Thiêm cho Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức: đề xuất bổ sung quỹ đất 1 ha (mỗi trạm là 500 m2).

Ngoài ra, tại thời điểm hiện tại, giá cả vật tư biến động lớn ảnh hưởng đến chi phí và tiến độ thực hiện các dự án ngành y tế nói riêng và TP.HCM nói chung, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM kiến nghị Quốc hội ban hành Văn bản quy phạm pháp luật quy định về “Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật”.

Trong đó, có các trường hợp tương tự như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giá xăng dầu tăng do tình hình chính trị trên thế giới có nhiều thay đổi lớn. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng đối với hình thức giá hợp đồng là hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định.

Đồng thời, Sở Y tế cũng đề xuất bổ sung vốn cho 3 dự án trang thiết bị chuyên môn bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-hang-loat-du-an-y-te-te-liet-vi-thieu-mat-bang-d168001.html