TP.HCM: Lần đầu ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất
Bé gái 32 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk, mắc bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 12%.
Ngày 28/1, Tiến sỹ, bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin đơn vị vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay.
Đây là phương pháp lấy tế bào gốc từ tủy xương hoặc từ máu ghép vào cơ thể người bệnh để chữa các bệnh lý huyết học, bệnh lý miễn dịch, di truyền và một số bệnh lý ung thư khác.
Theo bác sỹ Trịnh Hữu Tùng, tháng 6/2020, bé gái N.N.M, 32 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk, trong tình trạng đau bụng, suy dinh dưỡng nặng. Sau khi siêu âm phát hiện ra khối u vùng hạ vị, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy, tỷ lệ sống sót chỉ khoảng 12%.
Dựa trên phác đồ điều trị hiện hành tại Khoa Ung bướu-Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi đã được nhanh chóng lên kế hoạch điều trị.
Để chuẩn bị ghép tế bào gốc, bệnh nhi đã được làm các xét nghiệm máu, sinh thiết tủy xương, chụp PET scan để xác nhận đạt đáp ứng điều trị. Các bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch thu thập tế bào gốc, phác đồ hóa trị liệu diệt tủy liều cao trước ghép, chuẩn bị ghép.
Ngày 15/12/2020 bệnh nhi được chuyển sang Bệnh viện Truyền máu-Huyết học để thu thập tế bào gốc tạo máu. Từ 23-29/12/2020, bệnh nhi tiếp nhận điều trị hóa trị liệu liều cao chuẩn bị cho ghép tế bào gốc.
Ngày 30/12/2020, sau quá trình chu đáo chuẩn bị, bệnh nhi được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có gây mê chủ động tại chỗ với sự hỗ trợ, giám sát chuyên môn của các bác sỹ, điều dưỡng của Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học.
Sau ghép 10 ngày, bệnh nhi bắt đầu mọc tủy và đến 16 ngày sau ghép được xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh. "Sau khi ghép, em bé có gặp một số biến chứng do hóa trị liệu diệt tủy và giảm chức năng bảo vệ cơ thể khi nguồn tủy mới ghép chưa mọc như tổn thương gan, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, viêm ruột vì thế chúng tôi tích cực điều trị nội khoa kháng sinh tích cực, tăng chức năng miễn dịch, bổ sung dinh dưỡng... do đó các biến chứng đều được sớm kiểm soát ổn định," bác sỹ Tùng cho hay.
Một tuần sau xuất viện, bệnh nhi đã tái khám lại và các kết quả kiểm tra cho thấy, các dòng tế bào máu đang hồi phục thuận lợi, chức năng gan-thận trong giới hạn bình thường, bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay thuốc điều trị biến chứng liên quan ghép.
Kế hoạch dự kiến bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u.
Đây là ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân lần đầu tiên được thực hiện ở Bệnh viện Nhi đồng 2 trên nền 1 bệnh nhi u nguyên bào thần kinh nhỏ tuổi, cân nặng thấp, thể trạng suy dinh dưỡng, tiên lượng xấu.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm có khoảng 40 trẻ được chẩn đoán và điều trị nguyên bào thần kinh. Từ năm 2015, Bệnh viện Nhi đồng 2 phối hợp cùng Bệnh viện Truyền máu-Huyết học thực hiện phác đồ hóa trị liệu mạnh kèm ghép tủy tự thân cho 7 trường hợp (hiện 5 bệnh nhi còn sống, trong đó 3 trường hợp chưa tái phát ung thư lại sau ghép).
Bác sỹ Trịnh Hữu Tùng cho biết trước tình trạng số lượng trẻ em mắc các bệnh lý hiểm nghèo cần ghép tế bào gốc ngày càng tăng, bệnh viện đã tiến hành xây dựng Trung tâm ghép tế bào gốc và trung tâm này bắt đầu hoàn thiện, hoạt động từ tháng 12/2020. Sự thành công của ca ghép tế bào gốc tự thân trên bệnh nhi nhỏ tuổi này chắc chắn sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cứu sống các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo khác./.