TP.HCM: Nắng nóng, bệnh da liễu, chảy máu cam tăng cao

Thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày qua khiến nhiều bệnh lý tăng cao trong đó nổi lên một số bệnh như da liễu, sốc nhiệt, máu cam...

Từ sau Tết đến nay, thời tiết TP.HCM nắng nóng với nhiệt độ 37 độ C kéo dài, số lượng người bệnh chảy máu cam đến khám tăng cao, có trường hợp nhập viện cấp cứu, có trường hợp tái đi tái lại nhiều lần.

Thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày qua khiến nhiều bệnh lý tăng cao trong đó nổi lên một số bệnh như da liễu, sốc nhiệt, máu cam...

Thời tiết nắng nóng tại TP.HCM những ngày qua khiến nhiều bệnh lý tăng cao trong đó nổi lên một số bệnh như da liễu, sốc nhiệt, máu cam...

Nói về nguyên nhân của tình trạng tăng nhanh bệnh nhân bị chảy máu cam bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nói rằng, chảy máu cam do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số do cấu trúc mạch máu trên niêm mạc mũi bất thường, vẹo vách ngăn mũi, biến chứng y khoa, khối u mũi xoang, viêm mũi xoang, chấn thương mũi, nhất là người hay ngoáy mũi, xì mũi mạnh;

Nhóm còn lại do nhiệt độ ngoài trời tăng cao khi thời tiết nắng nóng tác động khiến niêm mạc vùng mũi khô, các mao mạch này giãn nở quá mức, vỡ ra và gây chảy máu. Tình trạng này cũng hay gặp ở những người hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.

Những người có nguy cơ bị chảy máu cam khi trời nắng nóng: người có niêm mạc mỏng như trẻ em từ 5-10 tuổi; người bị polyp mũi (khối u lành tình trong hốc mũi);

Người viêm mũi xoang; người hút thuốc lá khiến bề mặt niêm mạc mũi bị khô, xung huyết vì khói thuốc lá gây nóng; người làm việc trong môi trường khói bụi; người uống nhiều rượu bia, cồn trong rượu bia làm giãn động mạch…

Đặc biệt, người có bệnh tăng huyết áp có nguy cơ chảy máu cam với lượng nhiều và thường xuyên vào mùa nắng. Nhiệt độ nóng bức khiến tim người bệnh đập nhanh hoặc việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa nhiệt độ ở ngoài trời và nhiệt độ trong phòng có máy lạnh khiến mạch máu người bệnh co lại tức thời, khiến huyết áp tăng cao.

Lúc này, áp lực lên các thành mạch máu cũng tăng theo, gây vỡ, khiến người bệnh chảy máu cam. Nếu người bệnh lớn tuổi vừa có bệnh lý huyết áp cao vừa xơ cứng động mạch sẽ bị chảy máu cam nhiều.

Riêng với người bệnh chảy máu cam tái đi tái lại nhiều lần vào mùa nắng nóng, chủ yếu vì chưa được xử trí phù hợp hoặc sai cách. Khi khám bệnh ở một số nơi, bệnh nhân không được nội soi trực tiếp nên bác sĩ không nhìn thấy rõ các điểm chảy máu, được kê đơn thuốc mà không được can thiệp đốt điểm chảy máu. Hoặc can thiệp đốt điểm chảy máu nhưng phương pháp chưa phù hợp cũng khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần.

Về sơ cứu chảy máu cam tại nhà, tại hiện trường, bác sĩ Nguyên hướng dẫn cách xử trí ngay khi bị chảy máu cam là ngồi dậy, hơi nghiêng người về phía trước, dùng tay bóp trực tiếp lên hai cánh mũi, vị trí gây chảy máu từ 5-10 phút, có thể lặp lại 2-3 lần nếu máu chưa cầm.

Có thể đặt một ít đá lên sống mũi để làm co mạch, giảm lưu lượng máu. Trong trường hợp, bóp cánh mũi liên tục nhưng máu vẫn không cầm nên đến bệnh viện để được sơ cứu.

Người bệnh nên khám bác sĩ nếu chảy máu cam nhiều lần trong 2 tuần để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi chảy máu cam liên tục có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tiềm ẩn như: u xơ vòm mũi họng, ung thư vòm họng,..

Điều trị chảy máu cam, nhất là khi mùa nắng nóng, theo bác sĩ Nguyên, tùy tình trạng bệnh, tùy mạch máu đang bị chảy máu mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị phù hợp từ nội khoa đến đốt điểm chảy máu bằng cách sử dụng bạc nitrat hay đốt bằng dao điện lưỡng cực. Trong trường hợp, chảy máu cam vì khối u vùng mũi xoang phải can thiệp phẫu thuật nội soi để điều trị dứt điểm.

Để phòng ngừa chảy máu cam khi thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyên khuyên mọi người nên hạ nhiệt không khí trong nhà, trong phòng bằng cách sử dụng quạt, máy điều hòa, cửa sổ thông thoáng; làm mát cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế ăn nhiều đồ cay, nóng;

Đồng thời mặc quần áo thông thoáng; bổ sung vitamin C và vitamin K như cam, kiwi, cải bó xôi, chuối,… trong khẩu phần ăn hằng ngày; thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý để giảm khô vùng niêm mạc mũi. Song song đó, người có bệnh tăng huyết áp nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, cơ thể luôn phải được làm mát, luôn ở nơi thông thoáng, hạn chế đi lại ngoài trời nắng nóng.

Ngoài chảy máu cam, theo thông tin từ Bệnh viện này, hiện trung bình mỗi ngày cơ sở tiếp nhận 50-70 lượt khám các bệnh da liễu, chiếm khoảng 70% tổng lượt khám mỗi ngày.

Theo TS.Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu-Thẩm mỹ, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, độ ẩm cao gây nhiều ảnh hưởng trên da, làm tăng nhiệt độ da, thay đổi độ pH, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn. Từ đó dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, dễ viêm da, rối loạn hệ vi sinh vật trên da (nấm, vi khuẩn) khiến da nhạy cảm hơn.

Các yếu tố môi trường khác như bụi, phấn hoa, ô nhiễm, hóa chất… dễ gây kích ứng da, tạo các phản ứng không có lợi, từ đó làm bùng phát các bệnh da liễu.

Thời tiết nóng còn khiến lỗ chân lông giãn nở khiến cho bụi bẩn dễ dàng xâm nhập và tích tụ lại bít tắc lỗ chân lông tạo thành mụn. Với bệnh thủy đậu, theo chu kỳ, bệnh bùng phát trong khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Việc tiếp xúc, gặp gỡ nhiều trong dịp Tết cũng khiến bệnh dễ lây lan.

Các bệnh da liễu không gây nguy hiểm tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, một số bệnh có thể trở thành mạn tính, như mề đay, viêm da cơ địa, viêm da… ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh.

Bác sĩ Bích khuyến cáo, khi có các triệu chứng bất thường trên da, như ngứa nhiều, phát ban, mẩn đỏ, nổi mụn nước kéo dài hoặc có dấu hiệu nặng hơn, người bệnh cần tới bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Người bệnh không nên tự điều trị tại nhà bằng các loại lá cây, thuốc gia truyền để tránh biến chứng.

Trẻ nhỏ đổ mồ hôi nhiều khiến các vùng như bẹn, mông, nách; các nếp gấp ở cổ, khuỷu tay, khoeo chân kém thông thoáng, ẩm ướt, thiếu vệ sinh càng dễ bị nhiễm nấm, rôm sảy, mụn, chốc, viêm da.

Khi ngứa ngáy, trẻ gãi nhiều hơn là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh, như bội nhiễm (nhiễm thêm vi khuẩn, virus khác) hoặc khiến bệnh lan ra các vùng khác của cơ thể.

“Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền có tình trạng miễn dịch kém nên đề kháng kém trước sự thay đổi của môi trường bên ngoài. Đặc biệt, những người mang bệnh da sẵn có, mạn tính như viêm da cơ địa càng dễ tái phát”, bác sĩ Bích nói.

Ngoài vấn đề về da liễu, chảy máu cam, thời tiết nắng nóng gay gắt còn khiến trẻ có nguy cơ sốc nhiệt cao. Những dấu hiệu để nhận diện thường là trẻ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, khát nước, kiệt sức hoặc có thể bị chuột rút ở chân, ở lưng đối với các trẻ lớn hơn.

Cụ thể, các triệu chứng kiệt sức vì nhiệt ở trẻ là khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 39,5 độ C (phải đo nhiệt độ hậu môn) hoặc cao hơn nhưng không đổ mồ hôi; da nóng, đỏ, khô; nhịp tim nhanh, bồn chồn, lú lẫn, mất định hướng; chóng mặt, nhức đầu; nôn, thở nhanh, mệt mỏi, chuột rút, lừ đừ hoặc hôn mê.

Các bác sĩ khuyến cáo, với những diễn biến khó lường của thời tiết như hiện nay, các phụ huynh cần nắm vững những thông tin cần thiết để phòng tránh và chăm sóc tốt nhất cho trẻ.

Cha mẹ lưu ý không để trẻ hoạt động lâu trong thời tiết quá nóng. Che dù, đội nón khi ra nắng. Uống đủ nước (uống nhiều lần trong quá trình hoạt động, không uống một lúc và nhớ mang theo đủ nước khi đi xa phòng trường hợp kẹt xe dưới trời nắng). Cho trẻ mặc áo quần thông thoáng, sáng màu.

Nếu trẻ bị sốc nhiệt, cha mẹ cần bình tĩnh để có cách xử trí kịp thời, bằng cách để trẻ ra khỏi ngay môi trường có nhiệt độ cao đến nơi có bóng mát, cởi bỏ áo quần.

Có thể chườm khăn mát cho trẻ thậm chí xối nước lên người rồi cho trẻ uống nước (không có cồn, caffeine hoặc chất kích thích). Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được hồi sức tim phổi khi trẻ không tỉnh và không thở.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-nang-nong-benh-da-lieu-chay-mau-cam-tang-cao-d210249.html