TP HCM thí điểm dạy học trực tiếp 2 tuần

Học sinh lớp 1, 9 và 12 ở TP HCM sẽ đi học trực tiếp từ ngày 13 đến 25-12. Từ tuần thứ 2 triển khai cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi

Theo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP HCM mà UBND TP HCM vừa ban hành, cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hằng tuần, do UBND TP công bố theo quy định.

Có thể học trực tiếp toàn bộ từ ngày 3-1-2022

Theo đó, các trường thí điểm từ ngày 13 đến 25-12 đối với lớp 1, 9, 12. Từ tuần thứ 2 triển khai cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Riêng huyện Cần Giờ, các trường Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS - THPT Thạnh An, tổ chức học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13-12.

Từ ngày 27-12, ngành giáo dục sẽ tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm. Căn cứ kết quả học tập trực tiếp sau 2 tuần và tình hình dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND TP xem xét và quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3-1-2022.

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) tiến hành khử khuẩn, vệ sinh trường học chuẩn bị cho dạy học trực tiếp. (Ảnh: PHÚ THANH)

Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) tiến hành khử khuẩn, vệ sinh trường học chuẩn bị cho dạy học trực tiếp. (Ảnh: PHÚ THANH)

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện ban hành kế hoạch và quyết định việc dạy học trực tiếp, chuyển trạng thái hoạt động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Các trường đại học, cao đẳng dạy học trực tiếp theo . Ở địa bàn được xác định cấp độ 1, 2 được dạy học trực tiếp; cấp độ 3 và 4, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cơ sở giáo dục cấp THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP HCM; các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo quy định của TP Thủ Đức hoặc quận, huyện mà trường đang trú đóng.

Cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hằng tuần do UBND TP công bố theo quy định. Các cơ sở giáo dục phải được đánh giá an toàn trường học theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục trước khi tổ chức dạy học trực tiếp và được kiểm tra thường xuyên trong quá trình dạy học trực tiếp.

Ngày đầu tiên học sinh (HS) đi học lại, các đơn vị không tổ chức các hoạt động học tập; chỉ tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, tập huấn hướng dẫn cho HS các biện pháp tự phòng ngừa... Tổ chức lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát bảo đảm việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và giờ tan trường. Nếu HS, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất vị giác, mất khứu giác thì phải nghỉ ở nhà, thông tin ngay cho nhà trường.

Các cơ sở giáo dục đã sẵn sàng

Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay trường có gần 1.000 HS lớp 9 và 12. Trường đang xây dựng kế hoạch cho dạy học trực tiếp trên cơ sở quy định của TP và hướng dẫn của các sở, ngành. Chẳng hạn sẽ phân chia khu vực, khu vực A, B, sân trước dành cho HS lớp 9; B, C và sân sau dành cho HS lớp 12.

"Sĩ số HS mỗi lớp rất ít, chỉ khoảng 20 em, đáp ứng yêu cầu khoảng cách của bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục nên không phải tách lớp. Trường cũng sẽ chờ các hướng dẫn để bố trí các phòng y tế xử lý khi có các tình huống phát sinh dịch bệnh" - ông Minh nói.

Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đức Trí (quận 1), cho biết trường chờ thêm văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT và Sở Y tế để tổ chức họp phụ huynh vào cuối tuần. Nếu chỉ mỗi HS lớp 9 thì nhà trường yên tâm vì hiện có 8 lớp, chia đôi mỗi lớp vẫn bảo đảm yêu cầu giãn cách. "Nhưng chúng tôi băn khoăn và đang chờ hướng dẫn là nếu tình huống đang học mà có F0 thì ngoài việc cách ly tại phòng trong trường, chờ phụ huynh đến thì các HS khác sẽ xử lý thế nào, tiếp tục học hay cho nghỉ" - ông Hưng bày tỏ.

Theo ông Lương Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (quận 3), đối chiếu với bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục, ở khối mầm non, trường đáp ứng được tất cả. Mặt khác, theo kế hoạch đi học lại, chỉ HS lớp lá quay lại trường thì càng đơn giản hơn nhiều.

"Trường có 3 lớp lớn, chia ra theo yêu cầu giãn cách thì chỉ cần 6 phòng học, đó là chưa kể trường còn các phòng chức năng chưa tận dụng. Ngày nào cũng có đội ngũ lao công, bảo vệ, giáo viên vào trực ở trường, lau dọn, xịt khuẩn... Mọi công việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Trường cũng đã khảo sát ý kiến của phụ huynh, hầu hết đều cho rằng tháng 12 trường mầm non mở cửa đón trẻ là hợp lý" - ông Bình cho hay.

Chị TRẦN THÚY VI, phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP Thủ Đức):

Trẻ lớp 1 chưa tiêm vắc-xin nên rất lo!

Gia đình tôi còn nhiều băn khoăn vì con chưa được tiêm vắc-xin, nếu đến trường không may nhiễm bệnh thì sẽ xử lý thế nào. Do con còn nhỏ đã phải học trực tuyến, gia đình tôi phải có một người nghỉ làm ở nhà để trông bé.

Được trở lại trường là niềm vui nhưng nếu sau thời gian thí điểm, HS đi học đại trà trở lại, liệu có bảo đảm an toàn khi sĩ số HS đông? Nếu các trường hoạt động theo trạng thái hoạt động của cấp độ dịch thì liệu có xảy ra tình trạng mở cửa rồi lại đóng, như vậy phụ huynh cũng bị động theo các con.

Anh NGUYỄN HOÀNG BẢO KHÁNH, phụ huynh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận 10):

Quyết định hợp lý

Con học trực tuyến cũng đã quen nhưng chắc chắn không thể hiệu quả như khi học trực tiếp, nhất là năm cuối cấp, gia đình rất lo khi không biết kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ theo hình thức nào. Nếu dạy học trực tiếp và tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi thì sẽ công bằng cho các HS. HS lớp 9 cũng vừa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nên đi học trực tiếp là quyết định hợp lý.

Phương Quỳnh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tp-hcm-thi-diem-day-hoc-truc-tiep-2-tuan-20211201214836318.htm