TP. Hồ Chí Minh: Cần giải pháp xử lý nhanh hàng hóa tồn cảng

Hàng nghìn container hàng hóa nhập khẩu không người nhận, cùng nhiều loại tang vật vi phạm bị thu giữ tại các cảng biển TP. Hồ Chí Minh chưa thể xử lý ngay theo quy định hiện hành, không những đang ảnh hưởng đến hoạt động thông quan mà còn gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Chi phí bảo quản, lưu giữ tang vật vi phạm hàng tỷ đồng

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong quá trình xử lý hàng hóa tồn cảng đã phát sinh một số trường hợp khó xử lý, cụ thể là nhóm hàng tang vật vi phạm là xe cơ giới bị tịch thu. Theo quy định thì những tang vật này phải được xử lý thông quan để bán đấu giá, nhưng thực tế cho thấy, việc đấu giá lại không thực hiện được.

Tang vật xe đầu kéo bị tịch thu tại cảng VICT. Ảnh: Lê Thu

Tang vật xe đầu kéo bị tịch thu tại cảng VICT. Ảnh: Lê Thu

Bởi lẽ, những tang vật nêu trên không đủ điều kiện thực hiện đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nên không thể lưu hành, dẫn đến việc bán đấu giá không thành công, phải chuyển sang hình thức tiêu hủy. Do nhóm hàng hóa này còn giá trị sử dụng nên chi phí tiêu hủy sẽ cao và tạo ra chất thải nguy hại trong quá trình tiêu hủy.

Để xử lý hàng hóa tồn đọng là tang vật bị tịch thu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đề xuất và kiến nghị thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, cụ thể là báo cáo cơ quan cấp trên xem xét phương án xử lý phù hợp để chỉ đạo giải quyết; hoặc tiếp tục báo cáo cơ quan cấp trên nữa để xử lý nhanh.

Ðơn cử như trường hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực III hồi đầu năm 2024 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền và tịch thu 2 chiếc xe đầu kéo nhập khẩu chạy bằng điện dùng kéo container trong cảng đối với một doanh nghiệp, do 2 chiếc xe này có hình ảnh không đúng với chủ quyền quốc gia, tang vật hiện đang được bảo quản tại cảng VICT.

Do đặc thù về điều kiện bảo quản nên chi phí bảo quản 2 chiếc xe này rất cao, ước tính từ tháng 10/2023 đến nay gần 900 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong bảo quản phương tiện theo quy định về pháp luật và yêu cầu của cơ quan công an phát sinh khoảng hơn 700 triệu đồng.

Trường hợp này đã được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh báo cáo với chính quyền thành phố và Tổng cục Hải quan để hướng dẫn xử lý, hạn chế kéo dài việc lưu giữ tang vật gây lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Nhiều khó khăn trong xử lý hàng không người nhận

Ngoài việc chưa thể xử lý ngay nhóm hàng hóa là tang vật bị tịch thu, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý đối với hàng nghìn container tồn đọng. Số liệu thống kê của đơn vị cho thấy, cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh hiện đang tồn đọng trên 3.500 container hàng hóa, trong đó phần nhiều là phế liệu nhập khẩu. Số hàng tồn đọng nêu trên nhập khẩu về các cảng biển từ nhiều năm nay, nhưng chủ hàng không đến làm thủ tục thông quan.

Hàng nghìn container nhập khẩu đang bị các chủ hàng bỏ mặc tại hệ thống cảng biển TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Hàng nghìn container nhập khẩu đang bị các chủ hàng bỏ mặc tại hệ thống cảng biển TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, việc xử lý hàng hóa tồn đọng quy định hội đồng xử lý hàng tồn đọng do cơ quan hải quan làm chủ tịch hội đồng, đã tạo thêm khó khăn cho cơ quan hải quan do chức năng nhiệm vụ chỉ là kiểm tra, giám sát hải quan, theo quy định của Luật Hải quan. Khó khăn nữa mà đơn vị phải đối mặt là thiếu nguồn kinh phí để xử lý hàng tồn đọng.

Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét sửa đổi quy định xử lý hàng hóa tồn cảng, theo hướng giao doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng làm chủ tịch hội đồng xử lý hàng tồn đọng và là đơn vị bán đấu giá sau khi xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Trong thời gian chờ sửa đổi quy định này, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị cơ quan cấp trên bố trí, cấp nguồn kinh phí để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động xử lý hàng tồn đọng như kiểm kê, phân loại, giám định, thẩm định…

Theo phân tích của cơ quan hải quan, nguyên nhân khiến số lượng hàng hóa tồn đọng tại cảng có thể do doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, nợ đọng thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh dẫn đến từ bỏ hàng hóa sau khi đã nhập khẩu về cảng; hoặc cá nhân, đơn vị nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, khi biết không thể làm thủ tục nhập khẩu được đã từ bỏ hàng; hoặc cũng có một số trường hợp nhập khẩu phế liệu, phế thải từ nước ngoài về rồi từ bỏ hàng hóa… khiến cơ quan hải quan mất nhiều thời gian theo dõi, xử lý.

Đỗ Doãn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-can-giai-phap-xu-ly-nhanh-hang-hoa-ton-cang-155216.html