Trả giá cho quy hoạch kém

Công ty CP Thép Dana - Ý đã chính thức khởi kiện UBND TP Đà Nẵng về những thiệt hại mà công ty này cho rằng do những quyết định của UBND TP Đà Nẵng gây ra.

Mức yêu cầu bồi thường không nhỏ, lên đến 400 tỉ đồng.

Lý do công ty đưa ra rất cụ thể, họ được khuyến khích di dời từ KCN Hòa Khánh đến Cụm Công nghiệp Thanh Vinh với lời hứa chính quyền sẽ di dời các hộ dân nơi đây để tạo khoảng cách với cụm công nghiệp. Thế nhưng, qua hơn 10 năm xây dựng và hoạt động, các hộ dân không những không di dời mà ngày càng phát triển vây quanh khu vực này. Cho rằng nhà máy gây ô nhiễm, người dân kéo đến không cho hoạt động, công ty bị phạt và đóng cửa 6 tháng.

Mọi việc đúng sai phải chờ tòa án đưa ra phán quyết nhưng chúng ta có thể thấy xung đột lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp (DN) như trên ngày càng phổ biến. Nguyên do chính là công tác quy hoạch phát triển kinh tế địa phương đã không theo kịp sự phát triển dân cư và không đủ chu toàn về mặt xã hội. Địa phương muốn kêu gọi đầu tư nhưng nhiều nơi không chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để nhà đầu tư yên tâm sản xuất và người dân an tâm sinh sống. Vấn đề này thì hầu như địa phương nào cũng gặp phải, nhất là những thành phố lớn, các tỉnh đông dân cư.

Ngay TP HCM, từ những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế phát triển nhanh chóng, các DN trước đây nằm xen trong khu dân cư đến thời điểm này không thể hoạt động vì gây ô nhiễm. Hàng loạt KCN đã được xây dựng ở ngoại vi thành phố để tạo thuận lợi cho DN hoạt động. Thậm chí với riêng các ngành nghề gây ô nhiễm nặng như sản xuất giấy, dệt nhuộm... được quy hoạch riêng nơi hoạt động sát KCN Lê Minh Xuân, tách biệt khu dân cư, cách xa trung tâm TP hơn 20 cây số. Bình Dương và Đồng Nai cũng thế, từng một thời trả giá đắt với vấn đề ô nhiễm. Và nay, sau khi những KCN rộng lớn được đầu tư bài bản, chúng đã tự động thu hút DN vào. DN cũng chẳng muốn phải đối diện với kiện tụng, khiếu nại bởi người dân; càng tránh vướng mắc với cơ quan quản lý. Mọi thứ được cam kết và tuân thủ rõ ràng theo quy định. Khi xảy ra bất cập cũng dễ phân định đúng sai, quy trách nhiệm cụ thể.

Vấn đề mâu thuẫn như trên rất dễ xảy ra trong giai đoạn đầu của công cuộc phát triển kinh tế. Tiếp đến là xây dựng quy hoạch bài bản và hơn nữa, như các nước tiên tiến, họ cải tiến công nghệ sản xuất để hạn chế ô nhiễm và thậm chí loại dần những ngành nghề ô nhiễm ra khỏi bản đồ phát triển.

Chúng ta không quá hy vọng sẽ nhanh chóng tiếp cận với các ngành công nghiệp không ô nhiễm và cũng không chấp nhận phát triển kinh tế với giá đắt. Trong điều kiện hiện tại có nhiều mô hình, nhiều cách làm hiệu quả từ những nước lân cận hoặc các tỉnh, thành đi trước có thể học hỏi: KCX Tân Thuận và Linh Trung (TP HCM), KCN Amata (Đồng Nai), KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)... là những mô hình khá tốt, hài hòa mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường.

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tra-gia-cho-quy-hoach-kem-2019060622340159.htm