Trả lại trạm BOT T2 Cần Thơ?

Theo một số chuyên gia về hạ tầng giao thông, việc hoàn trả lại dự án đã làm sai lệch đi ý nghĩa của dự án hợp tác công tư (PPP) và có thể vi phạm hợp đồng...

 Trạm BOT T2 Cần Thơ.

Trạm BOT T2 Cần Thơ.

Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành có phương án hỗ trợ công tác thu phí tại trạm T2 hoàn vốn dự án BOT Quốc lộ 91, có phương án nhận lại dự án và hoàn trả chi phí đầu tư dự án cho nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, cho biết vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có việc sẽ trả lại dự án do vướng nợ xấu ngân hàng, trong khi tiếp tục thu phí thì không được vì bị phản ứng.

Trả lại BOT T2 vì kinh doanh bị lỗ

Đại diện chủ đầu tư xác nhận, hợp đồng BOT mà doanh nghiệp ký với Chính phủ là "hợp đồng mở", tức là chủ đầu tư được định mức lãi 12%/năm, dựa trên tổng vốn chủ sở hữu bỏ ra.

Chủ đầu tư cho rằng, với hình thức này thì không thể bảo đảm sự công bằng tuyệt đối cho người sử dụng và chủ đầu tư đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có phương án tiếp tục giảm giá phương tiện thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giảm phí tổng số 11.757 xe cộ của hộ dân có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm T1 và T2 thuộc Tp.Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang.

Theo Công ty cổ phần đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng trong hơn một tháng qua, nếu không có phương án xử lý sớm thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoàn vốn và kế hoạch trả nợ ngân hàng, chủ đầu tư có nguy cơ chuyển nhóm nợ xấu.

Dự án BOT Quốc lộ 91 được cơ quan Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị đầu tư hơn 1.651 tỷ đồng; trong đó vốn chủ sở hữu gần 277,5 tỷ đồng. Tiền vay thêm chiếm 83% tổng giá trị đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2019, dư nợ còn lại là 1.204 tỷ đồng.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động kể từ năm 2016, doanh thu thu phí chỉ đủ trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và bảo trì dự án, 3 năm bị lỗ 99 tỷ đồng.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 theo hình thức BOT, có hai trạm thu phí là trạm T1 đặt ở quận Ô Môn (Tp.Cần Thơ) và trạm T2 qua quận Thốt Nốt (Tp.Cần Thơ).

Trạm này nằm cách cầu Vàm Cống vừa đưa vào sử dụng (19/5/2019) khoảng 300m. Tổng mức đầu tư 1.720 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn là 15 năm 9 tháng 25 ngày, tính từ năm 2016. Tuy nhiên, sau khi giảm giá vé cho hơn 11.700 xe của các tỉnh trong khu vực lân cận trạm thì thời gian thu phí được nâng lên hơn 34 năm 4 tháng.

Kể từ sau ngày thông xe cầu Vàm Cống, tình trạng tài xế phản ứng trạm thu phí T2 ngày càng căng thẳng, buộc phải thực hiện xả trạm liên tục từ 25/5 đến nay. Ông Nguyễn Văn Khang cũng cho biết, mỗi tháng dự án phải trả lãi cho ngân hàng hơn 10 tỷ đồng. Song qua hơn một tháng dừng thu phí trạm T2, doanh thu chỉ đạt 8 tỷ đồng nên không đủ trả nợ.

Chưa có tiền lệ mua lại BOT

Chủ đầu tư đề nghị, trong trường hợp Chính phủ không có phương án nhận lại thì hỗ trợ hoàn trả cho chủ đầu tư 400 tỷ đồng chi phí giải phóng mặt bằng, 480 tỷ đồng chi phí xây dựng tuyến Quốc lộ 91B (đoạn nằm trong nội ô Cần Thơ) và chủ đầu tư chỉ thu phí hoàn vốn dự án tại trạm thu phí T1 hiện hữu.

Theo một số chuyên gia về hạ tầng giao thông, việc hoàn trả lại dự án đã làm sai lệch đi ý nghĩa của dự án hợp tác công tư (PPP) và có thể vi phạm hợp đồng.

Ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận xét: Những hợp đồng PPP như BOT, BT hay BO, thì nhà đầu tư đã nghiên cứu, lựa chọn kỹ trước khi đầu tư.

Nếu quá trình khai thác dự án mà gặp thiên tai, địch họa, Chính phủ có thể xem xét giảm thuế, tăng thời gian thu phí cũng như cho phép nâng giá để bảo đảm lợi nhuận. Nếu không vì các lý do trên thì phải thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nêu quan điểm: "Việc giải quyết nằm trong tổng thể các dự án BOT chứ không chỉ riêng một trạm bất kỳ nào. Không phải doanh nghiệp cứ đề xuất trả trạm là Nhà nước phải thực hiện theo yêu cầu. Nếu trạm nào cũng đòi trả thì khó cho Nhà nước, thậm chí dẫn đến mất cơ chế BOT. Những rủi ro phát sinh thì nhà đầu tư cũng phải chịu chung chứ đâu phải cứ nói trả trạm".

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Ánh cho rằng, sở dĩ có một số chủ đầu tư dự án BOT hiện nay không đáp ứng đủ năng lực tài chính, một phần là do khâu xác định năng lực nhà đầu tư các dự án BOT đang bị buông lỏng.

Ông Ánh thông tin, ở nhiều quốc gia, trong các dự án BOT, các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức xã hội thực hiện thanh tra, giám sát độc lập ở tất cả các khâu từ thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, đến quá trình triển khai xây dựng và đưa vào khai thác vận hành để bảo đảm sự minh bạch và chính xác khi lựa chọn chủ đầu tư và vị trí các trạm thu phí.

Trạm thu phí BOT T2 - một trong hai trạm thuộc dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 - được lập ra để thu phí hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 và 91B từ An Giang đi Cần Thơ.

Tuy nhiên, điểm bất hợp lý là các loại xe không đi Tp.Cần Thơ, chỉ sử dụng vài trăm mét đường để đi Kiên Giang hoặc Tp.HCM, nhưng vẫn phải nộp phí cho toàn tuyến, vì BOT T2 nằm chắn ngang gần chân cầu Vàm Cống nối tỉnh An Giang đi Cần Thơ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM.

Xuân Thái

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/tra-lai-tram-bot-t2-can-tho-20190704235147636.htm